Logo

Bảo hộ quyền SHTT trong môi trường số và internet

06/01/2022
Sự phát triển mạnh mẽ việc ứng dụng internet và kỹ thuật số khiến nhu cầu bảo hộ  quyền SHTT trong các lĩnh vực này trở nên cấp thiết...

Các hành vi xâm phạm quyền SHTT trên mạng trực tuyến ngày càng tăng về số lượng, độ phức tạp và liên quan đến tất cả các đối tượng của quyền SHTT làm cho vấn đề bảo hộ quyền SHTT trong môi trường mới này đang gặp phải những thách thức mới.

Báo cáo "e-Conomy SEA 2021" chỉ ra rằng Việt Nam có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới từ khi đại dịch Covid bắt đầu (tính đến nửa đầu năm 2021), trong đó 55% đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị.

Xét về quy mô, thị trường thương mại điện tử Việt Năm năm 2021 tăng trưởng đến 53% so với 2020, lên tới 13 tỷ USD, theo tính toán của Google, Temasel, Bain & Company.

Một báo cáo nghiên cứu mới cho hay Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021[1].

Thực tế cho thấy, các xâm phạm quyền đối với các đối tượng SHCN trên môi trường số và internet chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực thương mại điện tử (E-comerce) và hành vi chiếm đoạt tên miền (Domain name) của các nhãn hiệu được bảo hộ.

I. Sự khác nhau giữa Thương mại Điện tử và Thương mại  truyền thống

Điểm chính mà Thương mại Điện tử (TMĐT) khác Thương mại truyền thống (TNTT) là các thông tin và giao dịch hàng hóa đều được thực hiện trên mạng. Toàn bộ quá trình như cung cấp thông tin, thanh toán tiền cũng như giao hàng được thực hiện tách biệt với sự tham gia của các bên cung cấp dịch vụ khác nhau, khác với TMTT là các khâu trên thực hiện cùng chỗ và đồng thời.

So sánh một số khác biệt giữa TMĐT và TMTT:

 

Kênh thông tin

Thanh toán

Giao hàng

Thương mại truyền thống

 

- Quầy trưng bày hàng hóa

-Tài liệu giới thiệu hàng hóa

-Tiền mặt

- Thẻ tín dụng

- Séc ngân hàng

·Giao hàng tại chỗ

·Vận chuyển tận nhà

Thương mại  điện tử

- Trang web riêng

- Công cụ tra cứu

- Sàn giao dịch điện tử chuyên nghiệp

- Ngân hàng

-Bên thứ ba phục vụ thanh toán trực tuyến

-·Dịch vụ vận chuyển tận nhà


II. Đặc điểm của hành vi xâm phạm quyền SHCN trong TMĐT

1. Điểm khác biệt khi xã định hành vi xâm phạm quyền trong  TMTT và TMĐT

(i) Đối tượng vi phạm: Hàng hóa thực hay thông tin về hàng hóa?

Khác với TMTT, trong đó việc giao dịch mua bán thường thực hiện cùng với hàng hóa thực, kể cả việc trưng bày hay vận chuyển. Luật SHTT quy định xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý là dựa trên các đặc điểm giao dịch của hàng hóa thực. Nghĩa là việc xác định xâm phạm quyền sẽ dựa trên việc xem xét trực tiếp các hàng hóa đó có chứa các yếu tố xâm phạm các đối tượng SHTT hay không để đưa ra kết luận.

Còn trong TMĐT, với lượng thông tin tràn ngập trên mạng, việc lựa chọn, nhận biết và xác định đối tác mua bán cũng quan trọng và nhiều phương án không kém gì việc lựa chọn bản thân hàng hóa. Bởi vậy, việc thông tin các sản phẩm được chào bán trên mạng sẽ đặt ra một câu hỏi: liệu có thể xác định được việc cung cấp thông tin như vậy có thể có yếu tố cấu thành hành vi xâm phạm quyền hay không? Đây là điều không dễ vì:

- Không có được hàng hóa thực để có thể xem xét hàng hóa có chứa các yếu tố vi phạm hay không;

- Không có kết luận trên thì không thể coi việc cung cấp thông tin chào bán hàng hóa nêu trên là vi phạm hay không vi phạm quyền đối với các đối tượng SHCN đang được bảo hộ, khi áp dụng quy định của luật SHTT về hành vi vi phạm là “quảng cáo, chào bán” các hàng hóa chứa đựng các yếu tố xâm phạm quyền đối với các đối tượng là sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của người khác.

(ii)  Xác định trách nhiệm liên đới trong các hành vi xâm phạm quyền:

Đây là vấn đề xảy ra thường xuyên, nhưng không dễ xác định.

Do TMĐT là tổ hợp của các dịch vụ hỗ trợ, bao gồm các dịch vụ mạng, thanh toán tiền và giao hàng, nên khi xảy ra vụ việc xâm phạm quyền không loại trừ, ngoài trách nhiệm chính của người chủ bán hàng trực tuyến, có các trách nhiệm liên đới từ các khâu trên. Do những bên cung cấp dịch vụ thanh toán cũng như dịch vụ giao hàng không khác với những dịch vụ tương tự trong thương mại truyền thống, nên trách nhiệm liên đới dường như chỉ còn tập trung vào bên cung cấp dịch vụ thông tin phục vụ cho giao dịch bán hàng. Nghĩa là trách nhiệm liên đới trong vi phạm có thể thuộc về nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP).

2. Xâm phạm quyền liên quan đến hàng hóa hiện vật:

Trường hợp này là hành vi bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHCN thông qua TMĐT mà hàng hóa vi phạm bị phát hiện hoặc bắt giữ. Viêc xử lý vi phạmtrong trường hợp này sẽ được tiến hành như trong TM thông thường, tuy nhiên sẽ có điểm khác trong việc xác định đối tượng vi phạm và địa điểm vi phạm.

(i) Xác định đối tượng vi phạm:

Đây là một điểm mới trong việc xác định đối tượng vi phạm trong TMĐT so với TMTT, trong thực tế có một số cách để thực hiện.

- Xác định qua internet tên xác thực của đối tượng vi phạm

-  Xác định gián tiếp thông tin đối tượng vi phạm thông qua internet, ví dụ như qua người điều hành website, chủ các tên miền liên quan…

-  Xác định thông tin người bán hàng thông qua việc mua các hàng mẫu

-  Xác định thông tin qua nhà dịch vụ mạng (ISP)

(ii) Xác định thẩm quyền:

Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý là thuộc về cơ quan thực thi nơi hành vi xâm phạm được thực hiện. Để xác định địa điểm này, phải phân biệt vụ việc xâm phạm liên quan đến hàng hóa thực hay hàng hóa chỉ được thông tin giao dịch trên mạng. Trong trường hợp hàng hóa thực thì nguyên tắc xác định nơi vi phạm là địa điểm hàng vi phạm được cất giữ hoặc bị bắt giữ giống như nguyên tắc được áp dụng trong TM thông thường. Trong trường hợp bên khiếu nại mua hàng để làm bằng chứng vi phạm thì địa điểm vi phạm được xác định là nơi hàng được giao và do đó cũng coi là nơi hàng được bán. Trong một số trường hợp, nếu các bên nêu rõ trong hợp đồng mua bán một địa điểm cụ thể được coi là nơi thực hiện việc bán hàng. Nếu việc xâm phạm quyền liên quan đến các thông tin giao dịch trên mạng, thì cũng có thể coi địa điểm đặt máy chủ của website là nơi thực hiện hành vi vi phạm.

3. Xâm phạm quyền SHCN liên quan đến các thông tin giao dịch trên mạng

Các hành vi xâm phạm này bao gồm:

i/ Sử dụng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại được bảo hộ của người khác như một từ khóa tra cứu: ví dụ:  liên kêt một nhãn hiệu của người khác vào thành một trong các từ khóa tra cứu trang web của mình để lôi kéo  khách hàng và lợi dụng uy tín của nhãn hiệu đó.

Hành vi này trong thực tiễn nhiều nước được coi là hành vi xâm phạm quyền đối với các đối tượng nêu trên. Chủ nhãn hiệu cũng có thể thực hiện quyền của mình  bằng cách kiện nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP). 

ii/ Sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác thành một tên gọi, dấu hiệu, hình trang trí hoặc nội dung quảng cáo trên cửa hàng trực tuyến của mình.

Việc xử lý trường hợp này còn có sự khác nhau trong thực tiễn của các nước và phụ thuộc vào các trường hợp cụ thể. Cơ quan thực thi thường xem xét, đánh giá việc sử dụng như vậy có trung thực và đúng cách hay không, có gây nhầm lẫn cho công chúng và có gây thiệt hại cho nhãn hiệu hay không để đưa ra kết luận. Tuy nhiên thông thường các ISP phải có các động thái cần thiết để giải quyết khi có các khiếu nại như vậy.

iii/ Trách nhiệm liên đới của Nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP)

Trách nhiệm liên đới của ISP trong các vụ xâm phạm quyền SHCN là vấn đề  nóng đang được các nhà làm luật khảo sát và nghiên cứu, do đó chưa có một chuẩn mực cụ thể để xác định trách nhiệm liên đới của nhà mạng trong các vụ xâm phạm này mà chỉ giải quyết theo từng vụ viêc cụ thể.

II. Hành vi xâm phạm tên miền

1. Chiếm đoạt tên miền

Chiếm đoạt tên miên (Cybersquatting) là hành vi sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác làm tên miền của mình để thực hiện việc kinh doanh cùng sản phẩm, dịch vụ.

Do tên miền trên internet đóng một vai trò hết sức quan trọng, không chỉ là phương tiện giao dịch, quảng bá cho một nhãn hiệu tiếp cận hữu hiệu thị trường trong nước mà còn giúp thực hiện thương mại sản phẩm/dịch vụ trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, do các  cơ quan đăng ký nhãn hiệu và tên miền thường khác nhau nên nhiều kẻ trục lợi đã tiến hành đăng ký các tên miền trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu đã đăng ký hoặc nhãn hiệu nổi tiếng, các chỉ dẫn địa lý hoặc tên thương mại của người khác để trục lợi.

2. Xử lý hành vi chiếm đoạt tên miền

Hành vi này chủ yếu nhằm mục đích lợi dụng uy tín của các nhãn hiệu hoặc các đối tượng SHTT đang được bảo hộ hoặc gạ bán lại cho các chủ nhãn hiệu. Do đó, luật của hầu hết các nước coi đây là hành vi xâm phạm quyền SHTT.

 

Các bài viết khác