Logo

Kỳ họp thứ 5 của Uỷ ban Tư vấn về thực thi quyền Sở hữu trí tuệ của WIPO

20/07/2013
Kỳ họp thứ 5 của Uỷ ban Tư vấn về thực thi quyền Sở hữu trí tuệ (Advisory Committee on Enforcement (ACE) đã tiến hành tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Geneva, từ ngày 2-4/11/2009. Tại kỳ họp, các đoàn đại biểu đã đánh giá cao vai trò của ACE trong việc tổ chức và giữ cân bằng cho các cuộc thảo luận về xây dựng năng lực thực thi quyền SHTT và phát triển bền vững các kết quả đạt được trong thực tiến, với sự chú trọng đặc biệt tới Khuyến nghị số 45 của Chương trình nghị sự Phát triển WIPO (WIPO Development Agenda).

Một trong những xuất phát điểm của vấn đề này, là tại cuộc họp Đại hội đồng WIPO năm 2007 các nước thành viên đã nhất trí thông qua 45 khuyến nghị (từ 111 khuyến nghị do Uỷ ban trù bị về xây dựng các khuyến nghị liên quan đến Chương trình nghị sự phát triển WIPO (PCDA) đề xuất). 45 khuyến nghị đó được phân vào 7 nhóm công việc, trong đó Khuyến nghị số 45 có nội dung”Tiếp cận việc thực thi các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong bối cảnh các mối quan tâm của xã hội, đặc biệt về những vấn đề liên quan đến định hướng phát  triển, ngày càng lớn hơn, với quan điểm rằng “việc bảo vệ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ phải đóng góp vào việc thúc đẩy đổi mới, chuyển giao và phổ biến công nghệ, vì sự tiến bộ chung của cả những người tạo ra và sử dụng tri thức công nghệ một cách có lợi cho sự thịnh vượng kinh tế và xã hội, và cho sự cân bằng giữa các nghĩa vụ và quyền lợi” phù hợp với Điều 7 của Hiệp định TRIPS.

Uỷ ban đã nghe 8 bài trình bày tập trung vào vấn đề thực thi, trong đó có nội dung  “Đóng góp của các chủ bằng và các chi phí cần thiết cho việc thực thi” theo tinh thần của Khuyến nghị số 45 của Chương trình nghị sự Phát triển WIPO. Nhiều đại biểu đề nghị Uỷ ban cần phân tích sâu hơn để đánh giá được các tác động có thể gây ra khi sử dụng biện pháp tịch thu hàng trong vận chuyển quá cảnh, các quy chế an toàn liên quan đến các biện pháp phòng ngừa, phạm vi hình sự hoá liên quan đến các vi phạm quyền SHTT,  vấn đề lạm quyền trong quy chế và trong thực tiễn thực thi. Các bài trình bày cũng nêu lên phương pháp tiếp cận quyền SHTT theo khía cạnh kinh tế,  bao gồm quan điểm về lợi ích xã hội và các tác động do vi phạm quyền SHTT gây ra, khả năng thu thập và lợi ích của chứng cứ thực tế, vấn đề chi phí quá tốn kém trong các vụ kiện tụng về SHTT, đặc biệt đối với người theo kiện trong các nước đang phát triển.

Một số đại biểu cũng khuyến nghị nên thành lập một quỹ, trong trường hợp cần thiết, để hỗ trợ các bên trong tiến trình tranh tụng, nhưng  quỹ này phải quản lý tốt để khỏi bị lạm dụng. Hơn thế nữa, việc các chủ bằng đề nghị phải giới hạn các chi phí thực thi cũng được đưa ra thảo luận, bao gồm quan điểm phải cùng chia sẻ các chi phí pháp lý và chi phí điều tra, tăng cường sự hợp tác giữa khu vưc nhà nước và tư nhân trong việc xử lý các vi phạm thông qua đào tạo cho các cơ quan quản lý và thực thi. Các khả năng giải quyết tranh chấp ngoài toà án trong thực tiễn cũng được đề cập. Một số vấn đề liên quan đến vi phạm có tính tổ chức trong thương mại quốc tế và các biện pháp xử lý, như tịch thu, sung công, cũng được nêu lên thảo luận.

Tại cuộc họp cũng thông báo việc thành lập Cơ quan quan sát việc thực thi của Cộng đồng Châu Âu (Intellectual property enforcement observatory of European Union), là kết quả của sự liên kết giữa các cơ quan nhà nước có liên quan, khu vực tư nhân, các nhóm người tiêu dùng và cơ chế của EU, để thu thập các số liệu về việc thực thi, chia sẻ thông tin và đề xuất các phương án giải quyết khi có vi phạm.

Hội nghị cũng nhất trí đề ra nội dung cho Kỳ họp thứ sáu của ACE trong thời gian tới với nội dung “ Phát triển các nội dung nêu trong tài liệu WIPO/ACE/5/6, phân tích và thảo luận về các vi phạm quyền SHTT trong tất cả các mối quan hệ phức tạp của nó” và yêu cầu Ban thư ký tiếnhành các công việc chuẩn bị cần thiết.

(Chi tiết xem bản Tiếng Anh hoặc truy cập: http://www.wipo.int/edocs/mdocs/enforcement)

Phm & Liên Danh

Các bài viết khác