Logo

Tìm hiểu quy định bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Hoa Kỳ

20/07/2013
Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là một đối tượng sở hữu công nghiệp tương đối mới so với các đối tượng truyền thống như sáng chế và nhãn hiệu.

Chỉ dẫn địa lý là gì?

CDĐL được xác định tại điều 22 (1) của Hiệp định TRIPS/WTO là: “Các chỉ dẫn dùng để phân biệt một sản phẩm hàng hóa xuất xứ từ lãnh thổ của một nước thành viên, hoặc một vùng hay địa phương có chất lượng, uy tín hoặc các tính chất đặc thù khác của sản phẩm có được nhờ xuất xứ địa lý của chúng”.

Các ví dụ về CDĐL của Hoa Kỳ có thể kể tới: “FLORIDA” cho cam, “IDAHO” cho khoai tây và “WASHINGTON STATE” cho táo.

Theo quan điểm của Hoa Kỳ, CDĐL có thể được coi như một dạng của nhãn hiệu vì có cùng chức năng như nhãn hiệu, đó là : 1) dấu hiệu chỉ nguồn gốc, 2) bảo đảm chất lượng, và 3) phương tiện có giá trị trong kinh doanh. Hoa Kỳ nhận thấy bằng việc bảo hộ CDĐL thông qua hệ thống nhãn hiệu - thường là nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể - có thể đáp ứng được tiêu chuẩn TRIPS về bảo hộ CDĐL cho sản phẩm xuất xứ trong nước lẫn nước ngoài. Trong thực tế, Hoa Kỳ đã thực hiện việc bảo hộ CDĐL cho cả sản phẩm trong và ngoài nước ít nhất là từ năm 1946, nhiều thập kỷ trước khi Hiệp định TRIPS được áp dụng (1995) khi thuật ngữ “CDĐL” mới bắt đầu được sử dụng rộng rãi.

Hoa Kỳ bảo hộ CDĐL như thế nào?

Hệ thống bảo hộ CDĐL của Hoa Kỳ sử dụng cấu trúc bảo hộ nhãn hiệu đã có sẵn trước đó của mình và cho phép bất kỳ ai cũng có thể phản đối hoặc hủy bỏ một CDĐL đã đăng ký nếu cho rằng họ sẽ bị thiệt hại do việc đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó. Cục Patent và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) là cơ quan tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký cả nhãn hiệu lẫn chỉ dẫn địa lý.

Luật Hoa Kỳ không bảo hộ các tên địa danh hoặc dấu hiệu chỉ địa danh đã trở thành tên chung (generic) của hàng hóa và dịch vụ. Một tên địa danh hoặc dấu hiệu chỉ địa danh được coi là “generic” nếu nó đã được sử dụng rộng rãi đến mức người tiêu dùng xem nó như chỉ về một chủng loại hàng hóa hoặc dịch vụ hơn là chỉ về nguồn gốc địa lý. Ví dụ, “Danish pastry”(bột bánh Đan mạch) hoặc “Thai massage”(mát xa Thái). Nhiều nước khác cũng không bảo hộ các chỉ dẫn mang nghĩa chung vì cho rằng chúng không có khả năng phân biệt nguồn gốc kinh doanh cụ thể. Khi một tên địa danh đã trở thành generic tại Hoa Kỳ thì bất kỳ nhà sản xuất nào cũng có thể tự do sử dụng tên đó cho sản phẩm, dịch vụ của mình.

Một điểm khác nữa của hệ thống nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý Hoa Kỳ là luật cho phép chủ nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý có quyền độc quyền để chống lại việc người khác sử dụng trái phép nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng hoặc lừa dối về nguồn gốc của sản phẩm, dịch vụ. Bằng cách đó, một chủ nắm quyền trước sẽ được quyền ưu tiên và độc quyền đối với những người sử dụng sau các dấu hiệu trùng hoặc tương tự cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự, liên quan, thậm chí không liên quan (trong một số trường hợp) nếu sẽ làm người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

Lợi ích của việc bảo hộ CDĐL thông qua hệ thống nhãn hiệu

Theo quan điểm của Hoa Kỳ, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý như một nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể cho phép sử dụng hệ thống nhãn hiệu sẵn có và đã quen thuộc với các doanh nghiệp trong và ngoài Hoa Kỳ. Hơn nữa, nó không đòi hỏi chính phủ hoặc người đóng thuế phải chi thêm phương tiện, tài chính hoặc nhân sự để thiết kế một hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý riêng. Toàn bộ hệ thống nhãn hiệu từ nộp đơn, đăng ký, phản đối, hủy bỏ, xét xử và thực thi đều có thể áp dụng cho chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, hệ thống cũng dễ thích nghi cho tất cả các chỉ dẫn địa lý, không chỉ cho các tên địa danh mà còn cho các từ, khẩu hiệu, hình ảnh, dấu hiệu ba chiều, màu sắc hoặc thậm chí cả âm thanh và mùi vị.

Bên cạnh đó, để thực hiện các yêu cầu bảo hộ một cách thực chất chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu theo quy định của TRIPS, hệ thống này cũng đáp ứng các yêu cầu về quy chế đối xử quốc gia và thực thi quyền. Hệ thống cũng tạo ra cơ chế tự điều chỉnh: các doanh nghiệp cạnh tranh, hoặc các chủ nhãn hiệu trong vùng địa lý luôn không ngần ngại đưa ra để yêu cầu xử lý các vụ việc về xâm phạm quyền hoặc không đảm bảo các tiêu chuẩn chứng nhận … Do vậy, chính quyền không phải tạo một nguồn lực thực thi bổ sung để giải quyết vấn đề đó. Hơn nữa, các chủ tư nhân cũng không bắt buộc phải đợi chính quyền thực thi các biện pháp chống lại hành vi xâm phạm quyền hoặc gửi thông báo về việc sử dụng trái phép. Chủ nhãn hiệu có thể quyết định khi nào thì hành động và có thể thực hiện ngay lập tức, tại thời điểm có dấu hiệu đầu tiên về sự xâm phạm, do đó giữ được ưu thế trước khi họ hướng vào đối thủ cạnh tranh cụ thể.

CDĐL như một nhãn hiệu chứng nhận

Luật nhãn hiệu của Hoa Kỳ quy định các tên gọi hoặc dấu hiệu về địa lý - một mặt, sẽ bị coi là mang tính mô tả về vùng địa lý và do đó sẽ không được chấp nhận đăng ký như một nhãn hiệu hoặc nhãn hiệu tập thể nếu không chứng minh được khả năng phân biệt của chúng tại Hoa Kỳ - mặt khác, lại có thể đăng ký như một nhãn hiệu chứng nhận.

Nhãn hiệu chứng nhận là bất kỳ một từ, tên gọi, biểu tượng hoặc hình ảnh được một bên hoặc nhiều bên không phải là chủ nhãn hiệu sử dụng để chứng nhận một khía cạnh nào đó về sản phẩm, dịch vụ của mình. Có 3 loại nhãn hiệu chứng nhận được sử dụng để chỉ: 1) nguồn gốc của vùng địa lý hay nguồn gốc khác; 2) nguyên liệu, cách thức sản xuất, chất lượng, độ chính xác hoặc các đặc tính khác của sản phẩm, dịch vụ; 3) việc thực hiện sản phẩm, dịch vụ được tiến hành bởi một thành viên của một hiệp hội hoặc một tổ chức khác.

Cùng một nhãn hiệu có thể được sử dụng để chỉ không chỉ một mà một số tính chất của hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ: nhãn hiệu “ROQUEFORT” (Đăng ký US số 571.798) được sử dụng để chỉ pho mát được sản xuất từ sữa cừu và giữ trong hầm của Quận Roquefort (Pháp) theo các phương pháp truyền thống.

Luật nhãn hiệu Hoa Kỳ phân biệt nhãn hiệu chứng nhận với nhãn hiệu thông thường bởi hai đặc điểm. Thứ nhất, điều rất quan trọng của nhãn hiệu chứng nhận là chủ nhãn hiệu không sử dụng nhãn hiệu đó. Thứ hai, một nhãn hiệu chứng nhận không chỉ ra nguồn gốc thương mại cũng như không để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của một người này với người khác. Điều đó có nghĩa là bất kỳ chủ thể nào đáp ứng các tiêu chuẩn để chứng nhận đều được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đó. Tuy nhiên, nhãn hiệu chứng nhận mang tính phân biệt với nghĩa là nó dùng để phân biệt bản chất và chất lượng của hàng hóa, dịch vụ và khẳng định các hàng hóa này đã đáp ứng các tiêu chuẩn tương ứng.

Một nhãn hiệu chứng nhận không được chủ nhãn hiệu sử dụng vì chủ nhãn hiệu không sản xuất sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ liên quan đến nhãn hiệu đó. Nhãn hiệu chỉ có thể được sử dụng bởi các chủ thể khác và với sự cho phép của chủ nhãn hiệu. Chủ nhãn hiệu kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu của họ trên các sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận. Việc kiểm tra này bao gồm việc thực hiện các bước nhằm bảo đảm là nhãn hiệu được sử dụng chỉ cho hàng hóa, dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn hoặc đặc tính quy định.

Thực tiễn của Hoa Kỳ cho thấy, trong phần lớn trường hợp, người có thẩm quyền kiểm soát việc sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận dạng tên địa danh là các tổ chức thuộc chính phủ hoặc tổ chức hoạt động với sự cho phép của chính phủ. Khi một tên địa danh được sử dụng như nhãn hiệu chứng nhận thì có hai yếu tố phải quan tâm: Một là, phải đảm bảo tự do cho tất cả mọi người trong vùng được sử dụng tên gọi đó, và thứ hai là phải loại trừ được sự lạm dụng hoặc sử dụng trái phép nhãn hiệu gây thiệt hại cho những người được quyền sử dụng nhãn hiệu. Nói chung, một tổ chức riêng lẻ thường không đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ trên một cách đầy đủ. Chính quyền của một vùng thường là cơ quan có thẩm quyền phù hợp để giám sát việc sử dụng tên địa danh đó của vùng. Chính quyền sẽ trực tiếp hoặc thông qua tổ chức được ủy quyền, thực hiện các biện pháp để đảm bảo quyền chung cho tất cả mọi người và chống lại sự lạm dụng hoặc việc sử dụng trái phép nhãn hiệu.

Tất cả các đơn đăng ký cấp Liên bang cho nhãn hiệu chứng nhận sẽ được thẩm định (cũng như đơn nhãn hiệu thường và nhãn hiệu tập thể) tại Cục Patent và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Các mẫu và chứng cứ về việc sử dụng gửi kèm hồ sơ sẽ được xem xét để xác định liệu dấu hiệu địa lý đang được sử dụng như một nhãn hiệu chứng nhận để chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ hay không. Nếu hồ sơ hoặc chứng cứ cho thấy một dấu hiệu được xem xét có một nghĩa chính là tên chung chỉ một loại sản phẩm hay dịch vụ thì việc đăng ký sẽ bị từ chối. Ví dụ: FONTINA mang ý nghĩa là tên chung của một loại pho mát hơn là một nhãn hiệu chứng nhận để chỉ vùng xuất xứ vì dân ngoài vùng đó cũng dùng tên đó để chỉ một loại pho mát không phải sản xuất từ vùng nói trên.

Nếu việc sử dụng dấu hiệu được giám sát bởi người chủ nhãn hiệu chứng nhận và giới hạn chỉ cho hàng hóa, dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra tương ứng với vùng xuất xứ, và nếu người tiêu dùng hiểu rằng dấu hiệu chỉ liên quan đến những hàng hóa, dịch vụ được sản xuất trong một vùng cụ thể mà không phải ở nơi bất kỳ nào khác, thì dấu hiệu mới được coi là thực hiện đúng chức năng của một nhãn hiệu chứng nhận. Nếu trước khi đăng ký, USPTO biết được rằng người nộp đơn không có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra việc sử dụng của nhãn hiệu chứng nhận thì việc đăng ký sẽ bị từ chối một cách đương nhiên.

Để thực hiện việc tuân thủ các tiêu chuẩn đề ra của sản phẩm hoặc dịch vụ, các chủ cạnh tranh và người tiêu dùng- những người quan tâm nhất đến việc giữ gìn các tiêu chuẩn cao và chính xác- sẽ là nhân tố bảo đảm việc chủ nhãn hiệu chứng nhận phải luôn giữ được chất lượng cần thiết. Tất nhiên, Chính phủ Hoa Kỳ có các thanh tra nông nghiệp cho các loại thực phẩm và đồ uống khác nhau, nhưng đó lại là việc khác.

CDĐL như một nhãn hiệu tập thể

Có hai loại nhãn hiệu tập thể tại Hoa Kỳ: 1) nhãn hiệu hàng hóa tập thể và nhãn hiệu dịch vụ tập thể; 2) nhãn hiệu thành viên tập thể. Sự khác nhau giữa 2 loại nhãn hiệu tập thể này được giải thích bởi Hội đồng Xét xử và Phúc thẩm Nhãn hiệu thuộc USPTO (TTAB) như sau:

“Một nhãn hiệu hàng hóa tập thể và nhãn hiệu dịch vụ tập thể là một nhãn hiệu được chấp nhận bởi một “tập thể” (ví dụ: một hiệp hội, liên đoàn, tổ chức tập thể, tổ chức tương trợ hoặc một nhóm tập thể được tổ chức khác) để các thành viên sử dụng nhằm phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của họ với hàng hóa hoặc dịch vụ không phải của các thành viên đó”. “Tập thể” nêu trên không tự mình thực hiện việc bán hàng hóa cũng như không tự thực hiện việc kinh doanh dưới nhãn hiệu hàng hóa tập thể hoặc nhãn hiệu dịch vụ tập thể, nhưng mặt khác “tập thể” đó lại xúc tiến cho việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ của các thành viên.

Một nhãn hiệu thành viên tập thể là một nhãn hiệu được chấp nhận dùng để chỉ tư cách thành viên của một nhóm tập thể có tổ chức, như một hiệp hội, liên đoàn hoặc tổ chức khác. Tập thể đó cũng như các thành viên của nó không sử dụng nhãn hiệu thành viên tập thể để đánh dấu và phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của mình mà chức năng duy nhất của nó là để chỉ người mang nhãn hiệu là thành viên của một tập thể có tổ chức”.

Nhãn hiệu hàng hóa tập thể và nhãn hiệu dịch vụ tập thể chỉ nguồn gốc thương mại của hàng hóa hoặc dịch vụ như chính các nhãn hiệu “thông thường” thực hiện, nhưng vì là nhãn hiệu tập thể nên chúng chỉ nguồn gốc của một tập thể hơn là nguồn gốc của một thành viên riêng biệt. Tất cả các thành viên của tập thể này đều sử dụng nhãn hiệu nên không một thành viên nào có thể sở hữu riêng nhãn hiệu, chỉ có tổ chức tập thể được giữ quyền quản lý nhãn hiệu nhằm phục vụ lợi ích chung của tất cả các thành viên. Một tập thể của những người bán sản phẩm nông nghiệp là một ví dụ của một tổ chức tập thể, tổ chức này không bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ của riêng mình nhưng lại xúc tiến hàng hóa và dịch vụ của các thành viên.

Tổ chức tập thể này có thể tiến hành việc quảng cáo hoặc các chương trình xúc tiến sản phẩm nhằm quảng bá rộng rãi nhãn hiệu và hoạt động kinh doanh của các thành viên, nhưng chỉ giới hạn trong việc sử dụng thông tin hoặc giới thiệu nhãn hiệu.

CDĐL và nhãn hiệu thông thường

Cuối cùng, theo Hệ thống luật Hoa Kỳ, một chỉ dẫn địa lý cũng có thể được bảo hộ như một nhãn hiệu thông thường. Luật nhãn hiệu Hoa Kỳ quy định một tên địa danh hay một dấu hiệu mang tính địa lý thì không được chấp nhận bảo hộ làm nhãn hiệu nếu chúng mang tính mô tả về vùng địa lý hoặc làm hiểu sai lệch về xuất xứ của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Tuy nhiên, nếu một dấu hiệu địa lý được sử dụng để chỉ nguồn gốc của sản phẩm, dịch vụ và sau một quá trình thời gian người tiêu dùng bắt đầu ghi nhận nó như một dấu hiệu phân biệt một công ty hoặc một nhà sản xuất cụ thể hoặc một nhóm các nhà sản xuất cụ thể, thì dấu hiệu địa lý đó không còn chỉ mang ý nghĩa nơi khởi nguồn của hàng hóa, dịch vụ mà còn chỉ “nguồn thương mại” của hàng hóa, dịch vụ đó. Như vậy, dấu hiệu đã có được “ý nghĩa thứ hai” (secondary meaning) hoặc đã “đạt được khả năng phân biệt” và do đó có thể chấp nhận được đăng ký là nhãn hiệu.

Nhờ đặc điểm đó của Luật nhãn hiệu Hoa Kỳ mà một chỉ dẫn địa lý cũng có thể được bảo hộ như một nhãn hiệu thông thường hoặc nhãn hiệu tập thể. Có rất nhiều dấu hiệu đáp ứng tiêu chuẩn về chỉ dẫn địa lý theo TRIPS đã được bảo hộ là nhãn hiệu thông thường tại Hoa Kỳ trong nhiều năm qua.

Phản đối và hủy bỏ

Nếu một ai đó cho rằng về việc đăng ký một nhãn hiệu, một nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể nào đó có khả năng làm tổn hại cho mình hoặc quyền lợi chung thì có thể tiến hành thủ tục khiếu nại tại Hội đồng Xét xử và Phúc thẩm Nhãn hiệu (TTAB) thuộc USPTO. Hội đồng này có quyền giải quyết các đơn phản đối hoặc yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu cũng như các khiếu nại liên quan đến các quyết định cuối cùng từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu do các thẩm định viên đưa ra.

- Phản đối là một thủ tục khi người phản đối đưa ra yêu cầu nhằm không cấp đăng ký cho một nhãn hiệu trong Đăng bạ chính. “Bất kỳ ai tin rằng mình sẽ bị thiệt hại bởi việc đăng ký” một nhãn hiệu đều có thể nộp một đơn phản đối việc đó, tuy nhiên việc phản đối chỉ được khi đơn đăng ký nhãn hiệu đã được công bố trên công báo chính thức của USPTO.

- Hủy bỏ là thủ tục khi người yêu cầu hủy bỏ một đăng ký đang có hiệu lực. Đơn yêu cầu này chỉ được thực hiện sau khi đăng ký nhãn hiệu đã được cấp ra. “Bất kỳ ai tin rằng họ đã hoặc sẽ bị thiệt hại bởi việc đăng ký đều có thể nộp yêu cầu hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu đó. Quyết định của TTAB cũng có thể bị khiếu kiện tại Tòa Phúc thẩm Liên bang. Quyết định của Tòa này cũng lại có thể bị khiếu nại lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.

CDĐL theo Luật án lệ

Chỉ dẫn địa lý cũng được bảo hộ thông qua luật nhãn hiệu theo án lệ mà không cần phải đăng ký với USPTO. Ví dụ: TTAB đã ra phán quyết là “COGNAC” được bảo hộ theo án lệ (không cần đăng ký) như một nhãn hiệu chứng nhận tại Hoa Kỳ bởi vì: COGNAC là một nhãn hiệu chứng nhận có hiệu lực theo án lệ, mà không phải là một tên chung, bởi vì người mua tại Hoa Kỳ hiểu rằng từ “COGNAC” là tên gọi chỉ loại rượu mạnh xuất xứ từ vùng Cognac của Pháp, mà không phải loại rượu mạnh sản xuất từ nơi khác, và bởi chủ nhãn hiệu thực hiện việc kiểm soát và hạn chế việc sử dụng tên gọi này chỉ cho các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của vùng xuất xứ.

                                                                                                                                                               V.H

                                                                                                                                  (Tổng hợp theo tài liệu của USPTO)

Các bài viết khác