Việc sử dụng hợp đồng mẫu (HĐM) là cần thiết, có vai trò định hướng trong xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên. Tuy nhiên, việc thiếu thận trọng trong thu thập, xây dựng hoặc máy móc sử dụng HĐM sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Hiện nay, đại bộ phận các DN tìm HĐM từ sách tham khảo và từ Google nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí nhưng không phải sách tham khảo nào cũng như tài liệu nào do “Google” cung cấp đều chính xác. Đơn cử, mẫu “Hợp đồng giao nhận thầu thiết kế xây dựng công trình”, tại trang 237 của cuốn sách “Kỹ năng soạn thảo văn bản, quy chế công tác văn thư và 301 mẫu văn bản quản lý, điều hành trong DN, đơn vị HCSN và chính quyền địa phương” do NXB Lao động xuất bản quý I năm 2012, phát hiện nội dung căn cứ pháp lý sai như sau: “Căn cứ Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế ngày 25-9-1989 của Hội đồng Nhà nước” trong khi Pháp lệnh này đã bị chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 1/1/2006. Dẫu biết rằng căn cứ pháp lý không có vai trò quyết định về tính hiệu lực của HĐ cũng như khi giải quyết tranh chấp, nhưng nó làm cho người tham khảo nhầm lẫn trong vận dụng khi thực hiện HĐ và giải quyết tranh chấp phát sinh. Ngoài ra, một khi một HĐ được phát hành sai về căn cứ pháp lý cũng có thể hiểu rằng các điều khoản của HĐ cũng có thể không đúng vì chúng được xây dựng trên nền văn bản không còn hiệu lực.
Vì vậy, nhằm tránh thiệt hại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, DN nên có thái độ nghiêm túc trong việc tham khảo, xây dựng HĐM; và thậm chí một HĐM dù đã được xây dựng tốt đến đâu thì khi áp dụng cho từng trường hợp cụ thể cũng nên xem xét từng điều khoản bởi một khi thay đổi chủ thể, thời gian, hoàn cảnh ... sẽ có thể thay đổi tất cả.
(Nguồn: Báo Công an Đà Nẵng phối hợp cùng Chi nhánh VPLS Phạm & Liên danh tại Đà Nẵng)