Logo

Về quy định chuyển tiếp đối với đơn đăng ký SHCN nộp trước khi Luật SHTT sửa đổi 2022 có hiệu lực (tiếp)

22/12/2022
Luật SHTT sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023

Quy định chuyển tiếp của Luật SHTT sửa đổi 2022, được quy định tại Điều 4, gồm 8 khoản, từ 4.1 đến 4.8; trong đó một số khoản lại chứa một số điểm, được dẫn chiếu đến các điều khác nhau...gây khó cho việc áp dụng.

Trong khi chờ đợi việc ban hành các sửa đổi/bổ sung  liên quan tới các Nghị định Chính phủ và Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Luật SHTT sửa đổi 2022, có thể đưa ra một số nhận xét dưới đây liên quan tới Khoản 4.3 về đơn đăng ký SHCN đã được trình bày trong bài viết đăng ngày 29/11/2022[1]

Cụ thể như sau:

1. Phạm vi áp dụng.

(i)  Nội dung của đơn đăng ký SHCN.

Các đơn đăng ký về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý chưa có quyết định từ chối hoặc cấp VBBH đều phải đáp ứng những thay đổi về điều kiện xét đơn được nêu tại Điểm 4.3.a) và 4.3.b).

(ii) Thủ tục xét đơn đăng ký.

Tất cả các đơn đăng ký SHCN chưa có quyết định từ chối hoặc cấp VBBH, thông báo thẩm định nội dung đều áp dụng các quy định tại Điểm 4.3.b) và 4.3.d).

(iii) Thời hạn áp dụng.

Tất cả các đơn đăng ký SHCN nộp trước ngày 01/01/2023 (ngày Luật SHTT sửa đổi 2022 có hiệu lực) mà chưa có các văn bản sau, cụ thể là :

-  Kết quả thẩm định nội dung, hoặc

-  Quyết định từ chối hoặc cấp VBBH

thì đều áp dụng Luật SHTT sửa đổi 2022, một số đối tượng còn có thể áp dụng các thay đổi về nội dung như nêu tại phần (i) nói trên. Từ đó cho thấy, đoạn mở đầu của Khoản 4.3, cụ thể là “ Đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn ” là thừa vì thực tế khó tìm được đơn đăng ký nào nộp trước khi Luật SHTT sửa đổi 2022 có hiệu lực mà lại không chịu sự  áp dụng các quy định  đã dẫn như trên, theo các mức độ khác nhau (về thủ tục đối với tất cả các đơn SHCN,  và cả về nội dung đối với các đơn  kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…) .

2.  Một số vấn đề cần giải thích rõ khi áp dụng Khoản 3, Điều 4 Luật SHTT sủa đổi 2022

(i) Điểm 4.3. b) -  quy định việc áp dụng khoản 3 Điều 117 Luật SHTT:

Đoạn mở đầu của Khoản 3 Điều 117 Luật SHTT quy định như sau: Đơn đăng ký SHCH  thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 1a và 2 Điều này (đơn không đáp ứng yêu cầu bảo hộ, người nộp đơn không có quyền đăng ký, v.v...)  thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN thực hiện các thủ tục sau đây:…

Nhưng các Khoản 1, 1a và 2 của Điều 117 nêu trên lại không được quy định để áp dụng cho các đơn nộp trước ngày 01/01/2023. Vấn đề này cần được làm rõ và hướng dẫn chi tiết trường hợp áp dụng.

- Đồng thời,  Điểm c,  Khoản 3 Điều 117 có quy định …Tạm dừng quy trình thẩm định đơn trong trường hợp nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án có thẩm quyền về việc người thứ ba khởi kiện liên quan đến quyền đăng ký đối tượng SHCN  hoặc nhãn hiệu được đăng ký với dụng ý xấu..

Quy định chưa làm rõ là Cơ quan thẩm định đơn nhận được bản sao thông báo thụ lý của Tòa để ra quyết định đình chỉ thủ tục thẩm định đơn trong quy trình nào, vấn đề dừng thẩm định đơn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan xử lý đơn và Tòa án. Chính Tòa án cũng có quyền lực rất mạnh là áp dụng  các biện pháp khẩn cấp tạm thời để tránh thay đổi hiện trạng các nội dung tranh chấp.

(ii) Điểm 4.3.d) - quy định áp dụng Điều 118 Luật SHTT cho các đơn đăng ký SHCN chưa có kết quả thẩm định nội dung, quyết định từ chối hoặc cấp VBBH.

Tuy nhiên Điều 118 của Luật SHTT có đề cập đến thực hiên các trình tự sau khi kết quả thẩm định nội dung đơn đã được ban hành   “người nộp đơn có ý kiến xác đáng phản đối về dự định từ chối quy định tại điểm a khoản 3 Điều 117 của Luật này thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các công việc sau đây:.. ?, do vậy việc quy định tại Điểm 4.3.d) là không hoàn toàn phù hợp nếu chưa bóc tách, làm rõ những trường hợp sau :

- Các trường hợp chưa có kết quả thẩm định nội dung;

- Các trường hợp chưa có quyết định từ chối hoặc cấp VBBH.

Việc bóc tách này là cần thiết để loại trừ khả năng khả năng chồng lấn với quy định tại Điểm 4.3.b) khi Điểm này cũng được áp dụng  cho các đơn đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý chưa có quyết định từ chối hoặc cấp VBBH. Đồng thời, nếu đã quy định áp dụng các điều khoản Luật SHTT sửa đổi 2022 cho các đơn chưa có kết quả thẩm định nội dung thì liệu có cần thiết phải liệt kê đến các đơn chưa có quyết định cấp/từ chối cấp VBBH vì các quyết địnhh chỉ được ban hành sau khi đã có thông báo kết quả xét nghiệm nội dung.

- Nội dung các quy định  cần được thể hiện  rõ ràng hơn, đoạn mở đầu của Khoản 3 Điều 4 chỉ đề cập đến việc áp dụng quy định cho sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý , tuy nhiên một số Điểm trong Khoản 3 Điều này  (b và d) lại áp dụng cho các đối tượng SHCN, vậy các đối tượng SHCN tại các mục này liệu có bao gồm các đối tượng không được đề cập tại đoạn dẫn đề như : Giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí hay không? hay vẫn chỉ gồm các đối tượng như quy định tại đoạn mở đầu là: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý?./.

Các bài viết khác