Logo

TRUNG QUỐC: Trách nhiệm pháp lý bồi thường thiệt hại do vi phạm trực tuyến

11/11/2021
Liệu có phải bồi thường thiệt hại nếu chỉ trưng bày các sản phẩm vi phạm mà không có doanh số bán hàng thực tế ? 

Tháng 3/2020 Ban Sở hữu trí tuệ của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc (SPC) đã ban hành các quyết định phúc thẩm trong hai vụ án liên quan đến vi phạm sáng chế dạng mẫu hữu ích (“utility model”, tương tự như giải pháp hữu ích (“utility solution”) ở Việt Nam). Trong cả hai quyết định, SPC đều tuyên bị đơn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho dù  chỉ trưng bày các sản phẩm vi phạm trên các trang web. Các quyết định nói trên được công bố vào tháng 7/ 2021.

Hai vụ việc này có cùng các bên. Trong cả hai trường hợp, bị đơn đã trưng bày các máy bơm đã được cấp bằng sáng chế của nguyên đơn trên trang web riêng của mình và một nền tảng thương mại điện tử.  Không có bằng chứng cho thấy bất kỳ hoạt động mua bán máy bơm vi phạm nào đã diễn ra. Trong quá trình xét xử, tòa buộc bị đơn phải chịu trách nhiệm về việc chào bán máy bơm của nguyên đơn và phải bồi thường thiệt hại.

Khi quyết định số tiền thiệt hại, tòa đã xem xét thực tế là nguyên đơn đã không tiết lộ thiệt hại về tiền mà họ phải chịu, lợi nhuận bị đơn thu được từ hành vi vi phạm, và phí nhượng quyền sử dụng  của mẫu hữu ích bị vi phạm và bồi thường thiệt hại theo luật định. Điều này cho phép thẩm phán xét xử toàn quyền quyết định số tiền bồi thường thiệt hại, được ấn định từ 30.000 NDT đến 5 triệu NDT (tương đương 4.500-750.000 USD). Bị đơn kháng cáo lên SPC, phản đối việc tuyên bồi thường thiệt hại và cho rằng nguyên đơn nhiều nhất chỉ có quyền đòi được bồi thường các chi phí hợp lý gây ra bởi hành vi vi phạm.

SPC giữ nguyên bản án, cho rằng quyết định bồi thường thiệt hại là hợp lý để đền bù lợi nhuận của nguyên đơn có khả năng bị xâm phạm bởi việc bị đơn chào bán sản phẩm của nguyên đơn. SPC lập luận rằng hành động chào bán của bị đơn sẽ gây trở ngại cho các hoạt động thương mại của nguyên đơn, chẳng hạn, buộc nguyên đơn phải hạ giá hoặc làm loãng các nỗ lực tiếp thị của mình. Tòa án cũng nhận xét rằng việc bồi thường thiệt hại trong những trường hợp như vậy có thể ngăn chặn hành vi vi phạm và phù hợp với các mục tiêu lập pháp của Luật Sáng chế.

SPC cũng khẳng định việc tòa án sẽ áp dụng các khoản bồi thường thiệt hại theo luật định trong trường hợp  không xác định được thiệt hại về tiền của nguyên đơn và lợi nhuận của bị đơn. Đối với việc xác định số tiền thiệt hại, SPC cho rằng cần xác định trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Khi đó, trên cơ sở cân nhắc các yếu tố như loại bằng sáng chế bị vi phạm, hành động thiếu thiện chí của bị đơn, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm và chi phí hợp lý mà nguyên đơn phải gánh chịu, số tiền mà tòa án tuyên là hợp lý.

Trước đây, dường như không có sự đồng thuận của cơ quan tư pháp về việc có nên bồi thường thiệt hại cho việc chỉ trưng bày các sản phẩm vi phạm mà không có doanh số bán hàng thực tế hay không. Hai quyết định này của SPC cung cấp hướng dẫn cho các trường hợp vi phạm chào bán trong tương lai./.

Nguồn: https://www.inta.org/perspectives/china-liability-for-damages-for-online-infringement/?mkt_tok=NzMzLUZWSi04NzYAAAGAq0XIVpn2rIXQwqbIyYA62vXIP-YzAz0tipxqt3b8f2rTchPDdYCJ7kRmFAiL8VdZa93bcVhdU8EhztyfkFzNbwWgee_vOcpkIVh9UA

Các bài viết khác