Logo

Tiêu chuẩn đánh giá vi phạm nhãn hiệu của CNIPA

06/05/2022
Ngày 15/6/2020, dựa trên Luật Nhãn hiệu, CNIPA đã ban hành “Tiêu chuẩn đánh giá vi phạm nhãn hiệu” để đưa vào áp dụng

Trong thập kỷ vừa qua Trung Quốc đã có một loạt cải cách về thể chế, theo đó chính phủ trung ương đã xác định Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (CNIPA) chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thực thi pháp luật về nhãn hiệu và bằng sáng chế, cụ thể là xây dựng và hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn để xác định các quyền liên quan tới nhãn hiệu, sáng chế và các hành vi xâm phạm các quyền này.

Ngày 15/6/2020, CNIPA đã ban hành “Tiêu chuẩn đánh giá vi phạm nhãn hiệu” (Trademark Infringement Judgment Standard, gọi tắt là “Tiêu chuẩn”), có hiệu lực cùng ngày. Dựa trên Luật Nhãn hiệu, Tiêu chuẩn đã tổng hợp, đúc kết và hệ thống hóa những kinh nghiệm và thực tiễn về bảo hộ nhãn hiệu bằng biện pháp hành chính, cung cấp các hướng dẫn cho các bộ phận thực thi pháp luật về nhãn hiệu , nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của việc bảo hộ nhãn hiệu cho các bên tham gia thị trường.

Các đơn vị  thực thi pháp luật về nhãn hiệu được đề cập  trong Tiêu chuẩn chủ yếu là các bộ phận giám sát và quản lý thị trường, các bộ phận liên quan có quyền thực thi pháp luật hành chính về nhãn hiệu và các bộ phận quản lý sở hữu trí tuệ có quyền thực thi pháp luật về nhãn hiệu như Cơ quan SHTT ở Quận mới Pudong ở Thượng Hải[1] Cơ quan SHTT ở thành phố Changsha của tình Hồ Nam[2] vv...

Tiêu chuẩn đã đúc kết và hệ thống hóa các kinh nghiệm về bảo hộ  nhãn hiệu trong những năm qua, đồng thời bổ sung các quy định mới để phù hợp  với thực tiễn. Tiêu chuẩn gồm 38 điều khoản quy định về việc sử dụng nhãn hiệu, xác định hàng hóa trùng và tương tự, nhãn hiệu trùng  và tương tự, khả năng nhầm lẫn, sự miễn trừ, xung đột quyền, đơn đề nghị xử lý xâm phạm và xác nhận của chủ sở hữu quyền... Một số nội dung đáng quan tâm là:

1. Việc sử dụng nhãn hiệu

Tiêu chuẩn chỉ rõ việc sử dụng nhãn hiệu là điều kiện tiên quyết để kết luận về hành vi vi phạm nhãn hiệu, hoàn thiện thêm định nghĩa về việc sử dụng nhãn hiệu và liệt kê cụ thể các hình thức sử dụng nhãn hiệu,  làm rõ nguyên tắc đánh giá việc sử dụng nhãn hiệu.

Tiêu chuẩn làm rõ rằng, thông thường, việc đánh giá hành vi vi phạm nhãn hiệu đòi hỏi phải đánh giá liệu hành vi bị cáo buộc có cấu thành việc sử dụng nhãn hiệu theo quy định của luật nhãn hiệu hay không. Đồng thời, Tiêu chuẩn cũng định nghĩa rõ hơn về việc sử dụng nhãn hiệu, bổ sung các địa điểm cung cấp dịch vụ liên quan đến nhãn hiệu dịch vụ và liệt kê các biểu hiện cụ thể của nhãn hiệu được sử dụng trong hàng hóa, dịch vụ, quảng cáo và các hoạt động thương mại khác, đặc biệt là các đặc điểm của thương mại qua Internet - bổ sung các hình thức sử dụng mới như trang web, công cụ nhắn tin tức thời, nền tảng mạng xã hội, mã QR, v.v. Cuối cùng, Tiêu chuẩn quy định các nguyên tắc xác định việc sử dụng nhãn hiệu, tức là việc sử dụng nhãn hiệu phải được được xem xét một cách toàn diện theo ý định chủ quan của người dùng, cách thức sử dụng, thái độ ứng xử với công chúng, thông lệ trong kinh doanh, nhận thức của người tiêu dùng, v.v.

2. Các hình thức vi phạm nhãn hiệu

Theo thực tiễn thi hành luật, Tiêu chuẩn quy định các hành vi xâm phạm nhãn hiệu thường xuyên xảy ra trong thực tế, chủ yếu bao gồm:

- Thay đổi nhãn hiệu đã đăng ký hoặc sử dụng kết hợp nhiều nhãn hiệu đã đăng ký;

- Thể hiện tên thương mại trong tên doanh nghiệp trên hàng hóa hoặc dịch vụ giống hệt;

- Nhãn hiệu đã đăng ký không thể hiện màu sắc để có thể tự do sử dụng màu, nhưng khi sử dụng lại gắn màu với mục đích giống với nhãn hiệu đã đăng ký của người khác trên hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự, dễ gây nhầm lẫn, cấu thành hành vi xâm phạm;

- Trong hoạt động kinh doanh gia công, nhận khoán lao động, vật tư, nếu bên nhận thầu sử dụng hàng hoá vi phạm độc quyền nhãn hiệu;

- Khi bán hàng lại tặng thêm hàng hóa  khuyến mại vi phạm độc quyền nhãn hiệu;

- Quản lý siêu thị, nhà tổ chức triển lãm, người cho thuê quầy, quản lý nền tảng thương mại điện tử và các nhà điều hành khác không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý của họ, biết hoặc lẽ ra phải biết rằng chủ thể tham gia thị trường, bên trưng bày, bên thuê quầy và nhà điều hành thương mại điện tử trên nền tảng đã vi phạm nhãn hiệu mà không ngăn cản các hành vi đó; Hoặc, đã không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hành vi xâm phạm nhãn hiệu sau khi được thông báo bởi các cơ quan thực thi pháp luật về nhãn hiệu có liên quan hoặc bởi chủ sở hữu nhãn hiệu;

- Kinh doanh thương mại điện tử đã sử dụng các từ giống hoặc tương tự với các nhãn hiệu đã đăng ký của người khác làm tên miền và bán hàng hóa hoặc dịch vụ có liên quan thông qua các tên miền, dễ gây hiểu lầm cho công chúng có liên quan.

3. Xác nhận của chủ sở hữu quyền

Điều 36 của Tiêu chuẩn quy định rằng trong quá trình điều tra các trường hợp vi phạm nhãn hiệu, các bộ phận thực thi pháp luật  về nhãn hiệu có thể yêu cầu chủ sở hữu quyền đưa ra xác nhận bằng văn bản về việc hàng hoá liên quan có được sản xuất hoặc cấp phép bởi chủ sở hữu quyền hay không?. Tiêu chuẩn  quy định rằng chủ sở hữu nhãn hiệu phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc xác nhận và quy định các điều kiện ban đầu để các cơ quan thực thi pháp luật kiểm tra tính hợp pháp của đối tượng đưa ra xác nhận,  tính xác thực và phù hợp của các ý kiến ​​xác nhận và việc chấp nhận ý kiến xác nhận làm bằng chứng. Theo Tiêu chuẩn, việc xác nhận của  chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ tạo thành một chuỗi bằng chứng hoàn chỉnh với kênh nguồn, giá cả, sổ tài khoản, hồ sơ giao tiếp và các tuyên bố về hàng hóa liên quan. Ngoài ra, chủ sở hữu nhãn hiệu cũng cần lưu ý rằng nếu các bên phản đối,Cơ quan quản lý sẽ tiến hành điều tra.

4. Bảo vệ việc sử dụng trước nhãn hiệu và những vấn đề khác

Điều 59 của Luật Nhãn hiệu sau khi sửa đổi lần đầu tiên vào năm 2014 quy định  bảo vệ việc sử dụng trước [nhãn hiệu] với việc người sử dụng trước tiếp tục sử dụng nhãn hiệu trong phạm vi ban đầu, nhưng lại không quy định “phạm vi ban đầu” là gì. Giờ đây, Điều 33 của Tiêu chuẩn là rõ và bổ sung các định nghĩa bao gồm “nhãn hiệu có ảnh hưởng nhất định”, “phạm vi sử dụng ban đầu”. Tiêu chuẩn cũng quy định các trường hợp mà việc sử dụng nhãn hiệu không thể được coi là thuộc phạm vi sử dụng ban đầu.

Ngoài ra, Tiêu chuẩn cũng chỉ rõ các nguyên tắc để đánh giá hàng hóa trùng lặp và tương tự, và vai trò của “Sổ phân loại cho các hàng hóa và dịch vụ tương tự” trong việc thực thi hành chính đối với nhãn hiệu. Ngoài việc so sánh các nhãn hiệu truyền thống, Tiêu chuẩn cũng đưa ra phương pháp luận để so sánh và xác định các yếu tố tương tự đối với các nhãn hiệu phi truyền thống như nhãn hiệu ba chiều, nhãn hiệu kết hợp màu sắc và nhãn hiệu âm thanh. Tiêu chuẩn cũng làm rõ rằng các Tiêu chí xem xét và Đánh giá nhãn hiệu trong quá trình thẩm định nhãn hiệu sẽ được sử dụng trong quá trình thực thi hành chính đối với các trường hợp vi phạm nhãn hiệu.

Tuy nhiên, các vấn đề OEM (Original Equipment Manufacture - Sản xuất thiết bị gốc) và nhập khẩu song song, vốn được chú ý nhiều trong thực tế, nhưng không được đề cập trong Tiêu chuẩn này do thiếu các quy định liên quan trong các luật và quy chế [ở] mức cao hơn.

Nguồn : 
(i) https://www.chinalawinsight.com/2020/07/articles/uncategorized/china-national-intellectual-property-administration-enacted-trademark-infringement-judgment-standard/
(ii) https://www.lindapatent.com/en/law_trademark/1083.html

 


[1] Chính phủ Trung Quốc đã cho phép các chính phủ địa phương thành lập Cơ quan SHTT để quản lý và thực thi pháp luật đối với sáng chế, nhãn hiệu và bản quyền tại  địa phương. Cơ quan SHTT của Quận Mới Pudong của  TP.Thượng Hải  (Shanghai Pudong New District Intellectual Property Administration) đã thành lập ngày 16/11/2014, bắt đầu hoạt động từ ngày 01/01/2015.

[2] Như trên, Changsha Intellectual Property Administration - Cơ quan SHTT Changsha, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, thực thi pháp luật và dịch vụ công về SHTT tại địa phương theo phương thức hoạt động một cửa (“one-door”) đầu tiên ở Trung Quốc.

Các bài viết khác