Logo

Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT - Xử lý hành chính trong lĩnh vực SHTT

22/10/2021
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 02 điều, nâng tổng số điều của Luật SHTT sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm Chính sách đã được thông qua.

Các đại biểu Quốc hộ đã thảo luận về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT. Tóm tắt các ý kiến như sau: 

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 211 của Luật SHTT hành vi xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội đều bị xử phạt vi phạm hành chính. Cơ quan soạn thảo đề xuất 02 Phương án: 

(i) Phương án 1: Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 211 theo hướng thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể, không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chỉ áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; và 

(ii) Phương án 2: Giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Qua thảo luận, các đại biểu đều tán thành với Phương án 2 là Giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các đại biểu cho rằng, việc bỏ biện pháp xử lý hành chính có khả năng làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, giảm vai trò chủ động của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này để duy trì trật tự công. Hơn nữa, đây là việc làm thường xuyên, liên tục, không phụ thuộc vào việc khởi kiện của đương sự mới tiến hành giải quyết, xử lý. Việc chuyển nhóm hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp này sang giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự sẽ kéo dài thời gian, gây tốn kém chi phí, làm giảm sức thu hút và khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời có nguy cơ dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ./.

 

https://quochoi.vn/content/tintuc/NewsMedia2020/Nguyen%20Thi%20Phuong/trần%20công%20phàn%20-%20đoàn%20đbqh%20tỉnh%20bình%20dương.jpg

Đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương phát biểu

Hơn nữa, các đại biểu phân tích, Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA cũng không yêu cầu hạn chế việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong luật của quốc gia thành viên mà thậm chí còn yêu cầu tăng cường các biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Như vậy, việc loại trừ biện pháp hành chính để xử lý vi phạm trong lĩnh vực này là không bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ về chính sách pháp luật.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Báo cáo Tổng kết thi hành Luật cho thấy việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền bằng biện pháp dân sự tại Tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hàng chục nghìn các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả. Với thực trạng như vậy, nếu loại bỏ biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tăng thêm gánh nặng cho hệ thống Tòa án hiện đang quá tải, cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự. Do vậy đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành./.

Nguồn: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?ItemID=59714

 

Các bài viết khác