Logo

Tranh chấp nhãn hiệu máy bay Mi-8 tại Nga - Nguyên tắc cạn quyền nhãn hiệu

11/10/2021

Công ty "Motor Sich" của Ucraina ngày 06.10.2021 đã kháng cáo lên Tòa án tối cao Nga về phán quyết của Tòa sơ thẩm, tuyên công ty này xâm phạm quyền nhãn hiệu Mi-8 và buộc bồi thường 42 triệu Rub. 

Sự việc như sau:

Nguyên đơn là Trung tâm Kỹ thuật Trực thăng Quốc gia Mil và Kamov, một công ty con chuyên sản xuất trực thăng (mang nhãn hiệu Mi)  thuộc hệ thống “Trực thăng Nga” của Tổng công ty Rostec. Nguyên đơn sở hữu các nhãn hiệu:  Mi, Mil, Moscow Helicopter Plant, MIL Moscow Helicopter Plant.  Tháng 12/2019, Nguyên đơn khởi kiện Công ty Motor Sich đã giới thiệu dịch vụ hiện đại hóa trực thăng Mi-8T thành Mi-8MSB là việc tạo ra một loại trực thăng mới,  đồng thời sử dụng nhãn hiệu "Mi-8MSB" và Мi-8МSB để quảng cáo cho sản phẩm và dịch vụ này của họ.

Bị đơn- Công ty Motor Sich - bác bỏ nôi dung khởi kiện, viện dẫn nguyên tắc cạn quyền nhãn hiệu. Theo đó  Bị đơn không xâm  phạm quyền của Nguyên đơn đối với nhãn hiệu, vì Bị đơn đã sửa đổi trực thăng Mi-8 do chính Nguyên đơn sản xuất.

Tòa sơ thẩm chỉ đồng ý đồng ý với một phần  đơn kiện của Nguyên đơn. Tòa sơ thẩm kết luận Bị đơn không sản xuất loại hàng hóa “phương tiện giao thông ” (cụ thể, là máy bay trực thăng), đồng thời chỉ vi phạm quyền nhãn hiệu của Nguyên đơn đối với dịch vụ “sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện giao thông” và chỉ cấm  Bị đơn sử dụng các nhãn hiệu “Mi” cho dịch vụ “sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện giao thông”

Nhưng vào tháng 4/2021, Tòa án phúc thẩm căn cứ vào tiêu chuẩn GOST (Hệ tiêu chuẩn được áp dụng tại CHLB Nga và khối kinh tế Á-Âu) đã chỉ ra rằng các thuật ngữ "hiện đại hóa" và "hoàn thiện " liên quan nhiều hơn đến việc tạo ra sản phẩm. Trong trường hợp này Tòa lưu ý rằng việc cải thiện hiệu suất của máy bay chính là sản xuất một loại máy bay mới chứ không phải đơn giản là  sửa chữa hoặc bảo dưỡng. Do vậy, Tòa phúc thẩm đã mở rộng lệnh cấm sử dụng các nhãn hiệu đang tranh chấp của Bị đơn sang hàng hóa “phương tiện giao thông”, đây chính là  điều mà Nguyên đơn yêu cầu.

Nhận xét về quy định pháp luật có liên quan

Đây là một trường hợp tranh chấp hiếm hoi viện dẫn nguyên tắc cạn quyền. 

Nguyên tắc cạn quyền nhãn hiệu được quy định tại Điều 1487 Bộ Luật Dân sự của Nga, như sau :

Việc người khác sử dụng nhãn hiệu liên quan đến hàng hoá đã được chủ sở hữu nhãn hiệu đưa vào lưu thông dân sự trên lãnh thổ Liên bang Nga một cách trực tiếp hoặc với sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu thì  không vi phạm độc quyền đối với nhãn hiệu.

Luật pháp Việt Nam cũng có điểm tương đồng (mặc dầu không gọi là nguyên tắc cạn quyền) được quy định trong Điều 125.2.b Luật SHTT, như sau :

Điều 125. Quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

2. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không có quyền cấm người khác thực hiện hành vi thuộc các trường hợp sau đây:

b) Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài;

Sơ bộ cũng thấy quy định của Việt Nam và của Nga có điểm khác, đó là trong khi Nga chỉ  đề cập đến thị trường trong nước thì Luật SHTT của Việt Nam lại đề cập đến cả  thị trường nước ngoài.  Quy định tai Điều 125.2.b của Luật SHTT Việt Nam về hết quyền còn gắn với nhập khẩu song song (đã đề cập trong bài “Nộp đơn không trung thực và áp dụng luật trong vụ KINGMAX”, ngày 02/11/2020).

Nguồn:

1.Покушение на бренд: украинская «Мотор Сич» заплатит за товарный знак вертолёта Ми
 https://eadaily.com/ru/news/2021/08/03/pokushenie-na-brend-ukrainskaya-motor-sich-zaplatit-za-tovarnyy-znak-vertolyota-mi?fbclid=IwAR3R6UA5hz0L5pP3LyUbu_B2XQTtQ36fGriQFVFPp731-HXSpCF-YfJZ9z0

2.Компания «Мотор Сич» подала жалобу в Верховный суд России из-за спора о «Ми»
 https://actualnews.org/exclusive/410375-kompanija-motor-sich-podala-zhalobu-v-verhovnyj-sud-rossii-iz-za-spora-o-mi.html?fbclid=IwAR3utXl0TMC2BZk6g41TSu_e8SHjAhN_UIB8K09EuiHzgR82B_MGESareII

3.Статья 1487 ГК РФ. Исчерпание исключительного права на товарный зна
 
https://www.zakonrf.info/gk/1487/

Các bài viết khác