Logo

Một số suy nghĩ về vai trò hạn chế của trình tự dân sự trong hoạt động thực thi quyền SHCN

05/04/2021

1. Mở đầu:

Trong hoạt động bảo hộ quyền SHTT hiện nay, thực thi quyền SHTT được coi là khâu còn nhiểu băn khoăn, mặc dù Luật SHTT Việt Nam được coi là tương thích với các quy định của luật pháp quốc tế nhưng hiện trạng thực thi vẫn chưa tạo được sự yên tâm, các ý kiến từ trong và ngoài nước đều thống nhất rằng rằng Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc vào thực thi hành chính (không phải là thực thi tư pháp như tại các nước) và đó có thể là một phần nguyên nhân   dẫn tình trạng xâm phạm quyền chưa chấm dứt triệt để như hiện nay?

Bài viết này thử tìm hiểu thêm nguyên nhân về vai trò mờ nhạt của chế tài dân sự, một cấu thành chủ chốt của chế tài tư pháp (dân sự, hình sự)  trong hoạt động thực thi quyền SHTT, đặc biệt là khi so sánh với  thực thi hành chính.

2.  Trình tự dân sự 

Phần thứ năm của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi năm 2009) quy định cụ thể về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị xử lý hành chính, dân sự hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, theo đó trình tự dân sự  bao gồm các nôi dung:

Biện pháp : Tòa án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xét xử tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

- Buộc bồi thường thiệt hại vật chất/tinh thần;

- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dung không nhằm mục đích thương mại;

- Áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời: thu giữ, kê biên, niêm phong, v.v...

Tòa án có thẩm quyền  xét xử: Tòa án cấp quận, huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ việc về sở hữu trí tuệ không liên quan đến lợi ích kinh tế. Đối với các tranh chấp liên quan đến lợi ích kinh tế, tòa án kinh tế cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm.

Hoạt động: Hiện không có  số liệu chính thức,  nhưng theo nhiều  nguồn thông tin khác nhau  thì số vụ việc về SHTT được giải quyết tại Tòa thể hiện như sau :

-   Theo Báo cáo Tổng kết Chương trình hành động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2012 - 2015, Tòa án nhân dân đã giải quyết 177 vụ việc, trong đó, xét xử là 55 vụ (12 vụ án hình sự), công nhận thỏa thuận là 16 vụ, chuyển là 15 vụ, đình chỉ là 91 vụ[1] (1)

-   Nếu chỉ tính riêng đối với Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội thì từ ngày 01/7/2006 đến nay, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội mới chỉ thụ lý giải quyết có 7 vụ án, nhưng thực chất chỉ là 5 vụ án, vì có 2 vụ án phải xét xử phúc thẩm lần 2[2].

Những thông tin đó cho thấy có rất ít những tranh chấp về quyền SHTT được đưa ra giải quyết tại Tòa án, không phản ánh đúng tình hình xử lý xâm phạm trong hoạt động thực thi quyền nói chung cũng như vị thế của trình tự dân sự theo quy định của pháp luật là trình tự đầy đủ nhất, có thẩm quyền  giải quyết được mọi yêu cầu của chủ sở hữu theo quy định pháp luật, trong khi đó trình tự hành chính không bao gồm việc đáp ứng các đòi hỏi dân sự của chủ sở hữu. Tuy vậy, chỉ riêng số vụ xử lý của một co quan hành chính là Tổng cục QLTT trong năm 2020 cho thấy  kết quả xử lý trong lĩnh vực SHTT như sau:  số vụ kiểm tra 2.868 vụ, vi phạm 2.833 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 24 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu trên 26 tỷ đồng[3].

Như vậy, không cần phải tính đến số lượng xử lý của các Cơ quan hành chính khác như: Thanh tra KH&CN; Hải quan thì số lượng xét xử của của Tòa án là  quá bé nhỏ nếu so sánh với kết quả thực thi hành chính .

2.  Nguyên nhân

2.1   Có nhiều ý kiến về nguyên nhân  dẫn đến các  vụ việc về  SHTT ít được giải quyết tại Tòa án theo trình tự dân sự, tựu trung lại là:

- Thủ tục giấy tờ khởi kiện phức tạp, đặc biệt trong trường hợp bên khởi kiện là doanh nghiệp nước ngoài  ;

- Các biện pháp ngăn chặn ngay lập tức hành vi xâm phạm theo biện pháp dân sự  không kịp thời ;

- Năng lực chuyên môn về SHTT của Thẩm phán còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, các Tòa án thường phải trưng cầu ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT và các cơ quan chức năng có liên quan để có kết luận đối với hành vi xâm phạm, xác định mức bồi thường thiệt hại nên các vụ việc thường kéo dài .

- Xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT (thiệt hại vật chất , thiệt hại tinh thần) và các căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT là khó khăn lớn với các cấp Tòa cũng như thanh toán  chi phí hợp lý cho luật sư .

2.2   Nhận xét  

Những ý kiến nêu trên là đúng nhưng chưa đầy đủ để giải thích về tình trạng mờ nhạt của trình tự dân sự trong hoạt động thực thi quyền SHTT hiện nay:

2.2.1  Về năng lực chuyên môn của Thẩm phán :

Những ý kiến về sự thiếu chuyên sâu về SHTT cuả thẩm phán  nói chung là có phần đúng, nhưng vẫn có những vụ việc thẩm phán có ý kiến khác với ý kiến của giám định viên, cơ quan SHTT

Vụ việc : 

-   Ngày 6.12.2017 TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử Hội đồng xét xử đã không chấp nhận ý kiến  giám định ,  bác bản án sơ thẩm và  tuyên sản phẩm  mang nhãn hiệu Hảo Hạng  của bị đơn  không xâm phạm đối với quyền nhãn hiệu Hảo Hảo được bảo hộ  của nguyên đơn[4] (4)

-   Ngày 24/02/2012 Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình mở phiên tòa xét xử và ban hành bản án hành chính sơ thẩm số 01/2012/HCST tuyên  hủy các Quyết định số 2470/QĐ-SHTT ngày 08/12/2010 và Quyết định số 904/QĐ-SHTT ngày 13/5/2011 của Cục Sở hữu trí tuệ.

-  Thậm chí do có những nhận xét của tòa án trong  vụ xét xử  đã góp phần sửa đổi Luật SHTT cho sát đúng hơn, ví dụ nội dung Bản án phúc thẩm số 05/2009/HC-PT ngày 16/01/2009 của Toà án nhân dân tối cao tại TP.HCM  về việc áp dụng  luật là nguyên nhân của việc đánh giá và  sửa đổi  Điểu 220.3 của  Luật SHTT  năm 2009 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2010) , theo đó cụm từ “các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm cấp VBBH” trong Điều 220.3 của Luật SHTT 2005 được thay bằng cụm từ “văn bản pháp luật dùng để xét cấp văn bằng bảo hộ” và như vậy các văn bản pháp luật đã được sử dụng để xem xét và thể hiện trong Quyết định cấp một VBBH sẽ là cơ sở pháp luật để giải quyết đề nghị hủy bỏ hiệu lực VBBH đó.

Như vậy, lập luận cho rằng Tòa án chỉ dựa vào ý kiến giám định, ý kiến của Cơ quan chuyên môn để xét xử là không hoàn hoàn toàn chính xác, thậm chí chính các cơ quan xử lý vi phạm hành chính: Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra KH&CN cũng vẫn thường viện dẫn đến các kết luận giám định hoặc ý kiến chuyên môn của các cơ quan chức năng trong quá trình tác nghiệp. Cục SHTT hàng năm có hàng trăm ý kiến chuyên môn gửi các Co quan hành chính liên quan đến hoạt động thực thi, tranh chấp quyền SHTT.

2.2.2   Thời gian kéo dài  

Do không có số liệu cụ thể nên khi đánh giá về hoạt động của Tòa nên các ý kiến thường đánh giá theo số lượng các vụ việc  chung mà không phân loại về nội dung , các vụ việc của Tòa thường liên quan đến các nội dung chính , như  sau:

i.   Xét xử hành vi xâm phạm quyền

ii.  Đòi bồi thường thiệt hại

iii. Tranh chấp về  hiệu lực quyền SHCN

Hai nội dung (ii; iii)  thường rất phức tạp, bên khởi kiện thường phải chuẩn bị các hồ sơ pháp lý công phu, tỷ mỉ liên quan đến: quá trình hình thành quyền; quan hệ giữa các bên; quá trình khai thác,  quảng bá đối tượng SHCN , các ý kiến về thẩm định...Ngay cả cơ quan chuyên môn về SHCN  nếu phải xem xét đến hiệu lực của quyền SHCN cũng không thể giải quyết nhanh chóng, đặc biệt cũng cần phải  xem xét ý kiến nhiều bên.

Nếu Tòa chỉ xử các các đơn kiện về xâm phạm quyền SHCN  mà không bao gồm các yêu cầu khác thì thì thời gian xét xử cũng có thể nhanh hơn vì tài liệu đơn giản hơn, chứng cứ rõ ràng so với các loại việc khác  (cũng tương đương với tài liệu đề nghị  đề nghị xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền). Cơ quan hành chính khi xử lý xâm phạm quyền SHCN không có trách nhiệm xử lý yêu cầu bồi thường (hoàn toàn là thẩm quyền của trình tự dân sự) và  được quyền  từ chối, đình chỉ xem xét vụ việc xử lý xâm phạm nếu quyền có liên quan bị coi là tranh chấp (Điều 27, 28 Nghị định 99/2013/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vức SHCN). Nhưng chủ thể quyền SHCN  khi khởi kiện ra Tòa dân sự về hành vi xâm phạm quyên SHCN  thường kèm theo yêu cầu bồi thường thiệt hại và các  yêu cầu  khác do hành vi xâm phạm gây ra, ngược lại bên bị cáo buộc xâm phạm cũng có có thể phản tố các yêu cầu đó thậm chi đề nghị Tòa hủy QĐ cấp VBBH có liên quan, sự việc mà Tòa phải giải quyết sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với việc đơn thuấn xác định hành vi xâm phạm.

Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào  thời gian thực thi SHCN giữa trình tự hành chính và trình tự dân sự  mà không đề cập đến nội dung   mà các trình tự đó phải giải quyết  để đưa ra đánh giá là không hoàn toàn chính xác.

2.3.  Về bồi thường  thiệt hại.

Vấn đề bồi thường thiệt hại được tất cả các ý kiến đồng thuận một trong những vấn đế khó khăn, phức tạp nhất  trong hoạt động thực thi quyền SHTT, điển hình cho ý kiến này là từ vụ xử tranh chấp đòi bồi thường do cạnh tranh không lành mạnh đối với nhãn hiệu “POSTINOR” được  nêu tại Quyết định Giám đốc thẩm số 29/2009/DS-GĐT ngày  09/09/2009 của TANDTC khi hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ bản án phúc thẩm  do xác định mức bồi thường không chính xác, như sau:

…Tuy nhiên, yêu cầu của  nguyên đơn là đòi các bị đơn phải bồi thường thiệt hại. Vì vậy, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 để xác định quyền yêu cầu của nguyên đơn, thì Tòa án cấn phải các minh làm rõ mức thiệt hại thực tế của nguyên đơn là do hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các bị đơn gây ra ( nếu có), để có cơ sở giải quyết mức bồi thường đúng với quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm không căn cứ vào các quy định nêu trên nhưng đã thụ lý giải quyết vụ án và khi giải quyết lại coi số lượng thuốc POSINIGHT  mà các bị đơn đã tiêu thụ tương đương với số lượng thuốc POTSINOR mà nguyên đơn có thể tiêu thụ được và căn cứ vào yêu cầu của nguyên đơn để buộc các bị đơn bồi thường cho nguyên đơn 30% doanh thu bán hàng là chưa có cơ sở vững chắc. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng pháp luật chưa quy định về bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh, từ đó bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là không đúng.

Như vậy trước khi có Luật SHTT việc bồi thường thiệt hại dựa trên suy đoán về thiệt hại của chủ sở hữu do hành vi xâm phạm gây ra không được chấp nhận, rất khó khăn cho việc xác định bồi thường trong xâm phạm SHTT khi yêu cầu chủ sở hữu hải cung cấp đủ các chứng cứ về thiệt hại trong thực tế .Đó cũng là lý do Luật SHTT đã có Điều 204 và 205 về xác định thiệt hai và cơ sở xác định mức bồi thường.Các quy định này có thế còn chi tiết hơn một số quy định liên quan đến điều kiện bảo hộ các đối tượng SHCN, tuy nhiên dường  như lường trước được khó khăn trong việc bồi thường thiết hại nên Luật SHTT đã có quy  định  rất đặc biệt như sau:

Điều 205. Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm

c) Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Toà án ấn định, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng.

2. Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại.

 Như vậy vậy dù chủ sở hữu quyền bị thiệt hại không cung cấp đủ các chứng cứ để xác định mức bồi thường thực tế nhưng có thể vẫn được Tòa xác định bồi thường  một phần , quy định trên đã giải quyết phần nào khó khăn các các chủ sở hữu quyền trong  việc cung cấp chứng cứ  xác định mức bồi thường. Hơn nữa, khoản 3 của Điều 205 vừa nêu còn quy định bên xâm phạm phải trả cho chủ quyền SHTT chi phí luật sư  hợp lý .Thực tế một số vụ án đã áp dụng  quy định này .

Vụ việc:

- Tại bản án số 01/2019/KDPM-PT ngày 09.01.2019  về tranh chấp nhãn hiệu “ASANZO” Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định  về nôi dung bồi thường  thiệt hại như  sau:

Xét kháng cáo của nguyên đơn về việc bồi thường thiệt hại, Hội đồng xét xử xét thấy Công ty Đ không đưa ra được chứng cứ chứng minh về thiệt hại vật chất, không xác định được bị đơn đã thu được bao nhiêu lợi nhuận từ việc sử dụng nhãn hiệu. Lợi nhuận của Công ty cổ phần điện tử A Việt Nam là kết quả của nhiều yếu tố cộng hưởng lại. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận mức bồi thường 100.000.000 đồng là có căn cứ, cũng phù hợp với quy định tại Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ mà nguyên đơn đưa ra.

-  Năm 2010  Tòa án nhân dân tỉnh Đắc Lắc tại bán án  sơ thẩm số 55/2010/KDTM-ST ngày 18.6.2010 về tranh chấp SHTT (đối tượng cụ thể là giải pháp hữu  ích)  cũng đã áp dụng Điều 205.1.c nêu trên để xác định bị đơn  bồi thường cho nguyên đơn là 351 triệu đồng và phải thanh toán chi phí luật sư là 61.triệu đồng .

 -  Năm 2018  Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nôi, tại bản án số 36/2018/KDTM-ST ngày  19/10/2018 về tranh chấp SHTT (đối tượng cụ thể là KDCN) đã  buộc phải bồi thường cho nguyên đơn  các khoản tiền như sau: Tiền thuê Luật sư là 200.000.000  đồng; Tiền mua xe mẫu để mang đi giám định là 7.227.000  đồng; Tiền lập vi bằng là 3.960.000 đồng; Tiền giám định về sở hữu trí tuệ là 6.397.500; Tổng cộng là 217.584.500  đồng.

Như vậy, quy định về bồi thường  về SHTT có phức tạp và khó thực hiện những không có nghĩa rằng chủ thể quyền hoàn toàn không không được xử bồi thường do hành vi xâm hạm qyền gây ra theo quy định pháp luật..

3.  Vai trò của chủ thể quyền

-  Trong thực thi quyền SHTT , vai trò của chủ thể quyền rất quan trọng , quyết định việc lựa chọn hình thức thực thi quyền SHTT (trừ một số trường hợp xử lý hình sự), đó là:

Gửi đơn cho các Cơ quan có thẩm quyền đề nghị xử phạt hành chính chủ thể thực hiện  hành vi xâm phạm;

Cung cấp thông tin đề nghị thực hiện biên pháp hải quan đối hàng hóa xâm phạm tại biên giới;

Khởi kiện hành vi xâm phạm quyền theo trình tự dân sự :.

 -  Nếu chủ thể quyền chỉ giới hạn yêu cầu thực thi trong việc xử  phạt đối tượng xâm phạm quyền và không có yêu cầu về các biện pháp tư pháp khác  (bồi thường, xin lỗi…) thì việc họ yêu cầu các Cơ quan hành chính xử lý hành vi xâm phạm quyền như hiện nay là hợp lý vì :  Đơn đề nghị xử phạt  vi phạm  tương đối đơn giản (Điều 24, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP), không yêu cầu người nộp đơn phải xác định mức độ vi phạm cũng như thiệt hại của chủ sở hữu,   sau khi nhận và xác minh nội dung đơn, Cơ quan có thẩm quyền (Thanh tra, Quản lý Thị trường …) có thể chủ động  thực hiện các biên pháp hành chính đối với chủ thể  bị coi là xâm phạm và đưa ra  hình thức xử phạt thích hợp nhằm chấm dứt hành vi xâm phạm (nếu có) .Số lượng áp đảo các vụ việc xâm phạm quyền SHTT do Cơ quan hành chính xử lý có lẽ chứng minh cho lập luận  này , cũng phải nói thêm rằng số lượng đó cũng bao gồm các vụ  hàng giả mà các Cơ quan chức năng có thể chủ động xử lý, không cần đơn đề nghị của chủ thể quyền .

- Trong thực quyền SHCN hiện nay các chủ thể quyền ngoài mong muốn chấm dứt hành vi xâm phạm thì dường như  không quan tâm nhiều đến  các biện  pháp pháp lý thuộc nôi dung của tố tụng dân sự : Buộc xin lỗi, cải chính công khai;- Buộc bồi thường thiệt hại vật chất/tinh thần nên không yêu cầu Tòa án dân sự giải quyết .Điều này được chứng minh ở chỗ  ở chỗ pháp luật Việt Nam không hạn chế quyền đối bồi thường  sau khi chủ thể xâm phạm quyền đã bị  xử phạt hành chính .Điều đó có nghĩa sau khi đối tượng xâm phạm quyền đã chịu chế tài hành chính, chủ sở hữu quyền hoàn toàn có thể tận dụng kết quả thực thi hành chính của các Co quan có thẩm quyền  để khởi kiện đòi bồi thường  , trong trường hợp này có những lợi thế so với việc khởi kiện chống hành vi xâm phạm và đồng thời  đòi bồi thường  bởi , vì đã xác định chủ thể xâm phạm cũng như  hành vi và mức độ xâm phạm theo kết luận của cơ quan hành chính có thẩm quyền .Tuy nhiên thực tế chưa ghi nhận những trường hợp khởi kiện như vậy.

-  Đồng thời có thể việc bồi thường đã được các bên tự thỏa thuận, không cần đưa ra Tòa ví dụ trong vụ nhãn hiệu “POSTINOR“ nêu trên hai bên đã tự  thỏa thuận sau khi TANDTC đã bác các bản án sơ thâm  và phúc thẩm.

Như vậy, vai trò mờ nhạt của trình tự dân sự  trong hoạt động thực thi quyền SHCN có nguyên nhân từ hệ thông xét xử như nhiều ý kiến đa nêu , nhưng cung có một phần nguyên nhân từ sự thiếu quyết liệt của chủ thể quyền trong việc tân dụng đầy đủ các điều kiện pháp luật đã dành cho họ khi qyền bị xâm phạm  mà chỉ thỏa mãn ở mức độ chấm dứt hành vi xâm phạm.

Để cả thiện tình trạng này, nâng cao vai trò của chế tài dân sự , qua đó nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền thì bên cạnh các biện pháp nâg cao hiệu quả hoạt động của Tòa án (điều chỉnh quy định pháp luật; nâng cao tính chuyên trách của đổi ngũ thẩm phán, thay đổi về tổ chức...) thì chủ thể quyền phải nâng cao nhận thức   liên quan đến việc thực hiện các chế tài dân sự, coi việc  yêu cầu bồi thường thiệt hại từ phía người xâm phạm quyền cũng là hình thức răn đe góp hần hạn chế việc tái diễn hành vi xâm phạm quyền./.

 

NTH

 

[1] Sự cần thiết thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

http://ttpc.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=eb7762ab-3003-44cf-a5e3-86b21710022a

[2] Nhu cầu thành lập Tòa Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam,TS.Nguyên Văn Luật

http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210379

[3] QLTT 2020: Lật tẩy nhiều "sào huyệt" về buôn lậu, hàng giả

(https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/qltt-2020-lat-tay-nhieu-034-sao-huyet-034-ve-buon-lau-hang-gia-28216-2.

Các bài viết khác