Logo

Luật SHTT sửa đổi 2022[1]: Những thay đổi, bổ sung đáng chú ý

29/09/2022
Luật SHTT sửa đổi 2022 được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 16/6/2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Luật SHTT sửa đổi 2022 (gọi tắt Luật số 07/2022/QH15 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT) được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 16/6/2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Trước đó, Luật SHTT đã được sửa đổi bổ sung hai lần vào các năm 2009 và 2019 nhằm từng bước hoàn thiện luật này, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện các cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam gia nhập như WTO/TRIPS, CPTPP, EVFTA và RCEP.

Dưới đây là số thay đổi, bổ sung chắc chắn sẽ được vận dụng nhiều trong thực tiễn:

I. Ý kiến của người thứ ba về việc cấp VBBH và phản đối đơn đăng ký SHCN

Trong tiến trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp có một thủ tục rất quan trọng đó là ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ và phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (SHCN). Hiện tại, hai nội dung trên được quy định tại Điều 112. Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ (VBBH) của Luật Sở hữu trí tuệ và được giải thích chi tiết hơn tại Điểm 6. Xử lý ý kiến của người thứ ba trước khi ra quyết định cấp VBBH của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN[2] (gọi tắt là Thông tư 01) của Bộ Khoa học và Công nghệ[3]

Luật SHTT sửa đổi 2022 đưa thêm một đoạn (được gạch dưới) vào Điều 112 để xác định vai trò của của ý kiến của người thứ ba và bổ sung Điều 112a. Ý kiến phản đối đơn đăng ký SHCN. Cụ thể như sau:

-  “Điều 112. Ý kiến của người thứ ba về việc cấp VBBH

Kể từ ngày đơn đăng ký SHCN được công bố trên Công báo SHCN đến trước ngày ra quyết định cấp VBBH, bất kỳ Người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN về việc cấp hoặc không cấp VBBH đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.

Văn bản nêu ý kiến của Người thứ ba được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký SHCN.

Điều đáng lưu ý là bây giờ ý kiến của người thứ ba được định rõ là “một nguồn thông tin tham khảo” cho quá trình xử lý đơn đăng ký SHCN. Hệ quả của nó là trách nhiệm xử lý và trả lời các ý kiến nhận được của cơ quan thẩm quyền, cụ thể là Cục SHTT, sẽ không bị ràng buộc vào một thủ tục chặt chẽ, thậm chí họ có thể không xem xét hoặc từ chối trả lời những ý kiến bị cho là không có cơ sở.

Thay đổi quan trọng nhất là việc phản đối đơn đăng ký SHCN, chiếm tỉ lệ rất lớn trong các ý kiến của người thứ ba [về việc cấp VBBH] được quy định thành một mục riêng, bằng việc đưa vào Điều 112a như sau:

Điều 112a. Phản đối đơn đăng ký SHCN.

1. Trước ngày ra quyết định cấp VBBH, trong các thời hạn sau đây, bất kỳ Người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp VBBH:

a) Chín tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố;

b) Bốn tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố;

c) Năm tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố;

d) Ba tháng kể từ ngày đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố.

2. Ý kiến phản đối quy định tại khoản 1 Điều này phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN có trách nhiệm xử lý ý kiến phản đối quy định tại khoản 2 Điều này theo trình tự, thủ tục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định”.

II. Thêm cơ sở pháp lý cho việc phản đối đơn đăng ký SHCN

Hiện thời, Điều 117. Từ chối cấp văn bằng bảo hộ quy định đơn đăng ký SHCN có thể bị phản đối dựa trên các cơ sở sau:

- Đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ;

- đơn đăng ký đáp ứng điều kiện bảo hộ nhưng không đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (đối với sáng chế và kiểu dáng công nghiệp);

- Không có được sự thống nhất của tất cả những người nộp đơn.

Luật SHTT sửa đổi 2022  sửa khoản 1 và đưa thêm khoản 1a và 3 vào Điều 117 để bổ sung cơ sở pháp lý cho việc phản đối đơn đăng ký SHCN và tạm dừng quy trình thẩm định đơn đăng ký SHCN. Cụ thể, ngoài những quy định nêu trên,  đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong các trường hợp sau đây:

1.

...

b) Có cơ sở để khẳng định rằng người nộp đơn không có quyền đăng ký đối tượng SHCN hoặc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu;

đ) Việc sửa đổi, bổ sung đơn làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn.

1a. Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đơn đăng ký sáng chế bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong các trường hợp sau đây:

a) Sáng chế được yêu cầu bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế;

b) Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng trong bản mô tả sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;

c) Đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen, đơn đăng ký sáng chế không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen;

d) Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế quy định tại Điều 89a của Luật này.”;

3. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 1a và 2 Điều này thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn có ý kiến phản đối dự định từ chối;

b) Tạm dừng quy trình thẩm định đơn trong trường hợp người nộp đơn nộp đề nghị tạm dừng thẩm định đơn và yêu cầu chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo trường hợp loại trừ được quy định tại điểm e và điểm h khoản 2 Điều 74 của Luật này. Căn cứ kết quả giải quyết yêu cầu chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục quy trình thẩm định đơn;

c) Tạm dừng quy trình thẩm định đơn trong trường hợp nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án có thẩm quyền về việc người thứ ba khởi kiện liên quan đến quyền đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc nhãn hiệu được đăng ký với dụng ý xấu. Căn cứ kết quả giải quyết của Tòa án, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục quy trình thẩm định đơn;

d) Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nếu người nộp đơn không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng về dự định từ chối quy định tại điểm a khoản này.”.

III. Sử dụng kết quả thẩm định nội dung của cơ quan đăng ký sáng chế nước ngoài

Luật SHTT sửa đổi 2022  luật hóa việc sử dụng kết quả thẩm định của cơ quan cấp bằng sáng chế nước ngoài đối với đơn đăng ký sáng chế tương ứng được nộp ở nước ngoài như một cơ sở quan trọng để xem xét cấp/ từ chối cấp Văn bằng bảo hộ cho đơn sáng chế nộp tại Việt Nam bằng việc bổ sung khoản 3 vào Điều 114, cụ thể như sau:

“3. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có thể sử dụng kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế trùng với sáng chế được yêu cầu bảo hộ do cơ quan sáng chế nước ngoài thực hiện trong quá trình đánh giá khả năng bảo hộ.

IV. Giám định về sở hữu trí tuệ:

Hiện tại, khoản 4 điều 201 của Luật SHTT quy định “cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ  có quyền trưng cầu giám định về sở hữu trí tuệ khi giải quyết vụ việc mà mình đang thụ lý”

Do hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm, các cơ quan chức năng được giao trách nhiêm xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp về SHTT có xu hướng dựa trên kết luận của cơ quan giám định (mà hiện tại chỉ có một tổ chức duy nhất là Viện nghiên cứu SHTT Việt Nam, VIPRI, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) để đưa ra quyết định. Để tránh tình trạng này,  Luật SHTT sửa đổi 2022 làm rõ vai trò và bản chất  của kết luận giám định, bằng việc sửa đổi Khoản 5, Điều 201, làm rõ như sau:

5. Kết luận giám định là một trong các nguồn chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết vụ việc. Kết luận giám định không kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kết luận về vụ tranh chấp.”.

 V. Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài

Luật SHTT sủa đổi 2022 lần đầu tiên đưa ra các điều khoản riêng điều chỉnh sáng chế mật. Khoản 12a, Điều 4 định nghĩa sáng chế bí mật là “sáng chế được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước”.

“Điều 89a. Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài quy định rằng “ Sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh, được tạo ra tại Việt Nam và thuộc quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam hoặc của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam chỉ được nộp đơn đăng ký sáng chế ở nước ngoài nếu đã được nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam để thực hiện thủ tục kiểm soát an ninh.

Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định này sẽ bị coi là không hợp lệ về hình thức.

 


[1] Luật số 07/2022/QH15  - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Luật SHTT sửa đổi 2022)  đã được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 16/6/2022. Trước đó Luật SHTT cũng đã được sửa đổi, bổ sung hai lần, vào các năm 2009 và 2019. Luật SHTT sửa đổi 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

[2] Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN (gọi tắt là “Thông tư 01”) ban hành ngày 14/02/2007 của Bộ trưởng Bộ KH-CN hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp. Thông tư này đã được được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30 tháng 7 năm 2010, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22 tháng 7 năm 2011, Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20 tháng 02 năm 2013 và Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2016.

[3] Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp và là cấp trên trực tiếp của Cục Sở hữu trí tuệ.

Các bài viết khác