Logo

Hoa Kỳ: Nhãn hiệu “IRON BALLS” cho Bia và Rượu gin là tương tự một cách nhầm lẫn

09/04/2025

Hội đồng xét xử và kháng cáo nhãn hiệu (Hội đồng) của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), trong một quyết định có tính tiền lệ, đã bác đơn yêu cầu hủy một phần nhãn hiệu IRON BALLS sử dụng cho “bia” ở Nhóm 32 (Hủy bỏ No.92/079099) trong vụ Iron Balls International Ltd. kiện Bull Creek Brewing, LLC, Hủy bỏ số 92/079099 (ngày 4/6/2024).

Iron Balls International Ltd. (IBI) đã nộp đơn đề nghị hủy một phần đăng ký nhãn hiệu IRON BALLS (Số đăng ký 4565000) tại Hoa Kỳ do Bull Creek Brewing, LLC (Bull Creek) sở hữu. IBI đã nộp đơn để đáp lại về khả năng gây nhầm lẫn, từ chối đơn xin đăng ký nhãn hiệu “IRON BALLS ENGINEERED ALCOHOL & Hình” sử dụng cho "Rượu gin" trong Nhóm 33 (Số sê-ri 97/263328).

Đơn kiến ​​nghị của IBI yêu cầu Bull Creek hạn chế sự định danh hàng hóa từ “bia”  xuống thành “bia thủ công [ủ tại] xưởng nhỏ” (micro-brewed craft beer). IBI lập luận rằng việc hạn chế này, nếu được chấp thuận, sẽ tránh được khả năng nhầm lẫn giữa nhãn hiệu IRON BALLS của Bị đơn và nhãn hiệu đã nộp đơn của Người thỉnh cầu, cho “Rượu gin” trong Nhóm 33.

Trước đó, IBI đã nộp đơn đăng ký cùng một nhãn hiệu cho cùng một loại hàng hóa. Đơn đăng ký trước đó đã bị từ chối vì có khả năng nhầm lẫn với nhãn hiệu IRON BALLS đã đăng ký của Bull Creek. IBI đã nộp đơn kháng cáo việc từ chối đó lên Hội đồng, Hội đồng đã xác nhận trong quyết định ban hành ngày 16/1/2019.

Về việc này, Bull Creek đưa ra ba phản biện như sau: 

- Kiến nghị giới hạn sự định danh hàng hóa của Bull Creek là bị cấm theo nguyên tắc “collateral estopel”; 
- Hàng hóa của Bull Creek được mô tả đúng là “bia”; và 
- Việc giới hạn mà IBI đề xuất không tránh khỏi việc kết luận về khả năng gây nhầm lẫn.

Hội đồng đã ra phán quyết như sau:

1. Nguyên tắc Collateral estoppel[1] đã ngăn cản việc kiện tụng lại về sự tương tự của các nhãn hiệu (các yếu tố DuPont[2]), nhưng không ngăn cản “liệu hàng hóa [của Bull Creek] có phải là “bia thủ công [ủ tại] xưởng nhỏ” hay không” hoặc “liệu hạn chế được đề xuất này có ảnh hưởng đến các yếu tố DuPont khác hay không, do đó tránh được khả năng gây nhầm lẫn”; 
2. Người tiêu dùng có xu hướng coi Bull Creek là một nhà máy bia thủ công và hàng hóa của họ là “bia thủ công được ủ tại xưởng nhỏ”.

Câu hỏi còn lại và câu hỏi chính trong vụ kiện là liệu hạn chế có ngăn ngừa được khả năng gây nhầm lẫn hay không. Hội đồng đã phân tích sức mạnh của nhãn hiệu Bull Creek, sự tương tự của hàng hóa, các kênh thương mại và sự tinh tế của người mua, nhận thấy rằng tất cả các yếu tố đó đều có lợi cho kết luận về khả năng gây nhầm lẫn. Do đó, Hội đồng đã bác bỏ đơn thỉnh cầu./.

Nguồn: Greg Krakau,INTA Bulettin, Feb.19, 2025;
https://www.inta.org/perspectives/law-practice/united-states-iron-balls-for-beer-and-gin-are-confusingly-similar/

 

[1] “Collateral estoppel” là một thuật ngữ pháp lý, chỉ việc ngăn không cho một bên trong một vụ kiện đưa ra lý lẽ hoặc tranh luận về các vấn đề đã được xét xử và quyết định trước đó; không bên nào được phép gọi sự kiện đó là vấn đề và được xét xử lại bất kỳ lúc nào sau đó.
[2] Án lệ DuPont hoặc “DuPont Factors”(E. I. du Pont de Nemours & Co., 476 F.2d 1357, 1361, 177 USPQ 563, 567 (C.C.P.A. 1973)), nêu lên 13 yếu tố  (DuPont factors) liên quan đến nhãn hiệu phải xem xét, đánh giá để xác định có hay không “khả năng gây nhầm lẫn”.

Các bài viết khác