Logo

Đơn quốc tế nộp qua WIPO vẫn tăng trong năm 2020 bất chấp Đại dịch COVID-19

14/04/2021
Hai quốc gia hàng đầu là Trung Quốc và Hoa Kỳ đều tăng số đơn nộp hằng năm.

Đơn sáng chế nộp qua PCT

Các đơn quốc tế nộp qua Hiệp ước Hợp tác về Sáng chế (PCT) của WIPO - là một trong các thước đo được sử dụng rộng rãi để đánh giá hoạt động đổi mới sáng tạo - đã tăng 4% trong năm 2020, đạt 275.900 đơn - cao nhất từ trước đến nay, mặc dù GDP toàn cầu ước tính giảm 3,5%.

Trung Quốc (68.720 đơn, tăng trưởng 16,1% so với cùng kỳ năm trước) vẫn là nước sử dụng nhiều nhất Hệ thống PCT của WIPO, tiếp theo là Mỹ (59.230 đơn, + 3%), Nhật Bản (50.520 đơn, -4,1%), Hàn Quốc (20.060 đơn, + 5,2%) và Đức (18.643 đơn, -3,7%)

 Ngoài Top 10, các quốc gia khác có mức tăng trưởng mạnh mẽ bao gồm Ả Rập Xê Út (956 đơn, + 73,2%), Malaysia (255 đơn, + 26,2%), Chile (262 đơn, + 17,0%), Singapore (1.278 đơn, +14,9 %) và Brazil (697 đơn, + 8,4%). Xu hướng dài hạn cho thấy toàn cầu hóa đổi mới, với châu Á chiếm 53,7% phần trăm của tất cả các hoạt động nộp đơn PCT, so với 35,7% của 10 năm trước.

Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu qua Hệ thống Madrid

Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu thông qua Hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu của WIPO có sự giảm nhẹ 0,6% xuống còn 63.800 vào năm 2020 - mức giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Điều này được giải thích là các nhãn hiệu có xu hướng đại diện cho việc giới thiệu hàng hóa và dịch vụ mới đều bị chậm lại do hậu quả của đại dịch toàn cầu

Đăng ký kiểu dáng công nghiệp qua Hệ thống Lahay

Suy thoái kinh tế từ đại dịch cũng đã tác động đến nhu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp qua Hệ thống Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Nhu cầu giảm 15% trong năm 2020 xuống còn 18.580 kiểu dáng- lần giảm đầu tiên kể từ năm 2006.

Một số nét chính như sau:

Hệ thống Patent quốc tế (Patent Cooperation Treaty – PCT)

Các công ty dẫn đầu về nộp đơn

Tập đoàn viễn thông Huawei Technologies có trụ sở tại Trung Quốc năm thứ tư liên tiếp dẫn đầu  với 5.464 đơn PCT đã được công bố trong năm 2020. Tiếp theo là Samsung Electronics của Hàn Quốc (3.093), Mitsubishi Electric Corp. của Nhật Bản (2.810 ), LG Electronics Inc. của Hàn Quốc (2.759) và Qualcomm Inc. của Mỹ (2.173). Trong 10 chủ đơn hàng đầu, LG Electronics được thông báo là có mức tăng trưởng nhanh nhất (+ 67,6%) về số lượng đơn công bố vào năm 2020, qua đó đã tăng từ vị trí thứ 10 vào năm 2019 lên vị trí thứ 4 vào năm 2020.

Đại học California với 559 đơn đã được công bố tiếp tục đứng đầu danh sách người nộp đơn hàng đầu trong số các cơ sở giáo dục năm 2020. Học viện Công nghệ Massachusetts (269) xếp thứ hai, tiếp theo là Đại học Thâm Quyến (252), Đại học Thanh Hoa (231) và Đại học Chiết Giang (209). Trong danh sách 10 trường đại học dẫn đầu có 5 trường đại học từ Trung Quốc, 4 trường từ Hoa Kỳ và 1 trường từ Nhật Bản.

Các công nghệ hàng đầu

Trong lĩnh vực công nghệ, công nghệ máy tính (9,2% tổng số) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các đơn PCT đã được công bố, tiếp theo là truyền thông kỹ thuật số (8,3%), công nghệ y tế (6,6%), máy điện (6,6%) và đo lường (4,8 %).

6 trong 10 công nghệ hàng đầu ghi nhận mức tăng trưởng hai con số vào năm 2020, trong đó công nghệ nghe nhìn được thông báo là có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (+ 29,5%, so với 8,7% của năm trước), tiếp theo là truyền thông kỹ thuật số (+ 15,8%), công nghệ máy tính (+ 13,2%), đo lường (+ 10,9%) chất bán dẫn (+ 10,1%) và dược phẩm (+ 10%).

 Hệ thống Nhãn hiệu quốc tế (Madrid System)

Trong năm 2020, dẫn đầu về số lượng đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu sử dụng Hệ thống Madrid của WIPO là những người nộp đơn có trụ sở tại Hoa Kỳ (10.005), tiếp theo là ở Đức (7.334), Trung Quốc (7.075), Pháp (3.716) và Anh (3.679).

Giữa Top-10 đơn gốc (origins), Trung Quốc là quốc gia duy nhất đạt mức tăng hai con số (+ 16,4%), tiếp theo là Anh (+ 5,1%) và Ý (+ 3,6%) cũng đáng chú ý. Ngoài Top-10  đơn gốc,  Hàn Quốc (+ 13,4%), Canada (+ 94,4%) và Đan Mạch (11,5%) ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất. Ngược lại, Pháp (-16,3%) và Thổ Nhĩ Kỳ (-15,4%) lại giảm mạnh.

Các công ty dẫn đầu về nộp đơn

Đứng đầu là Novartis AG của Thụy Sĩ với 233 đơn;  WIPO nhận được thêm 104 đơn từ Novartis vào năm 2020 so với năm 2019, nâng nó từ vị trí thứ 3 lên vị trí hàng đầu. Tiếp theo là Huawei Technologies của Trung Quốc (197), Shiseido của Nhật Bản (130), ADP Gauselmann của Đức (123) và L’Oréal của Pháp (115). L’Oréal - công ty nộp đơn hàng đầu trong năm 2019 - đã tụt xuống vị trí thứ 5 khi nộp ít hơn 78 đơn vào năm 2020.

Các Nhóm hàng hóa/dịch vụ

Nhóm được chỉ định nhiều nhất trong các đơn quốc tế mà WIPO nhận được là Nhóm 9 (phần cứng và phần mềm máy tính và thiết bị điện hoặc điện tử khác, v.v.), chiếm 10,6% tổng số năm 2020. Tiếp theo là Nhóm 35 (dịch vụ cho doanh nghiệp; 8,1%) và Nhóm 42 (dịch vụ công nghệ; 7,1%). Trong số 10 Nhóm dẫn đầu, Nhóm 10 (thiết bị phẫu thuật, y tế, nha khoa và thú y, v.v.; + 21,1%) và Nhóm 5 (dược phẩm và các chế phẩm khác dùng cho mục đích y tế; + 9,2%) có mức tăng trưởng nhanh nhất.

Hệ thống Kiểu dáng công nghiệp quốc tế (Hague System)

Mặc dù đã giảm đáng kể, nhưng Đức vẫn là nước sử dụng nhiều nhất hệ thống này, với 3.666 kiểu dáng. Mỹ (2.211 kiểu dáng) đã vươn lên từ vị trí thứ 6 để trở thành nước sử dụng Hệ thống La Hay lớn thứ hai vào năm 2020. Thụy Sĩ (1.944 kiểu dáng), Hàn Quốc (1.669) và Ý (1.231) lần lượt xếp thứ ba, thứ tư và thứ năm. Trong số 10 quốc gia hàng đầu, Mỹ (+ 62,7%), Thổ Nhĩ Kỳ (+ 34,7%) và Trung Quốc (+ 22,7%) là ba quốc gia duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng vào năm 2020.

Những người nộp đơn hàng đầu

Năm thứ tư liên tiếp, Samsung Electronics của Hàn Quốc với 859 kiểu dáng trong các đơn đã được công bố đứng đầu danh sách các nộp đơn hàng đầu, tiếp theo là Procter & Gamble của Mỹ (623), Fonkel Meubelmarketing của Hà Lan (569), Volkswagen của Đức (524) và Beijing Xiaomi Mobile Software của Trung Quốc (516). Lần đầu tiên một công ty đến từ Trung Quốc nằm trong số năm người nộp đơn hàng đầu. Lampenwelt GMBH của Đức - xếp thứ 10 với 276 kiểu dáng - là người dùng mới của Hệ thống La Hay.

Các lĩnh vực hàng đầu

Kiểu dáng liên quan đến phương tiện giao thông (10,1%) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số kiểu dáng vào năm 2020; tiếp theo là thiết bị ghi âm và liên lạc (8,8%); bao bì và thùng chứa (8,4%); trang trí nội thất (7,4%); và thiết bị chiếu sáng (6,9%). Trong số 10 nhóm hàng đầu, dược phẩm và mỹ phẩm (+ 42,6%) có mức tăng trưởng đáng kể vào năm 2020.

 Tranh chấp tên miền

Trong năm 2020, các chủ sở hữu nhãn hiệu đã nộp 4.204 đơn kiện theo Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (Uniform Domain Name Dispute Resolution Policy - UDRP) tới  Trung tâm hòa giải và trọng tài của WIPO, vượt mốc 50.000 kể từ khi bắt đầu dịch vụ này của WIPO. Đây cũng là một năm kỷ lục đối với các vụ việc Hòa giải và Trọng tài của WIPO liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền kỹ thuật số và các loại tranh chấp khác liên quan đến công nghệ.

Với việc ngày càng nhiều người dành nhiều thời gian trực tuyến hơn trong đại dịch COVID-19, chủ sở hữu nhãn hiệu đang sử dụng dịch vụ này của WIPO không chỉ để củng cố sự hiện diện trực tuyến của họ mà còn cung cấp nội dung xác thực và các cửa hàng bán hàng đáng tin cậy cho người dùng Internet trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Đại diện cho 75% lượng tải lên Tên miền cấp cao nhất (gTLD) chung của WIPO, .COM đã chứng minh tính ưu việt liên tục của nó.

Các vụ kiện do UDRP của WIPO giải quyết vào năm 2020 có sự tham gia của các bên từ 127 quốc gia, tăng từ 122 vụ ghi nhận trong năm 2019. Mỹ, với 1.359 vụ đã được nộp, Pháp (786), Anh (411), Thụy Sĩ (256) và Đức (235) là năm nước nộp đơn nhiều nhất.

WIPO cũng cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp cho hơn 75 Tên miền cấp cao nhất mã quốc gia, như .CN (Trung Quốc), .EU (Liên minh châu Âu) và .MX (Mexico).

Bên ngoài lĩnh vực tranh chấp tên miền, trong năm 2020 Trung tâm WIPO đã nhận được 77 vụ việc hòa giải và trọng tài trong các lĩnh vực khác nhau của SHTT, tăng 24% so với năm trước. Các thủ tục WIPO này cho phép các bên từ khắp nơi trên thế giới giải quyết các vụ kiện của họ mà không cần phải ra tòa. Phổ biến nhất vẫn là tranh chấp liên quan đến sáng chế,  tiếp theo là  nhãn hiệu, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), và các tranh chấp về bản quyền.

Nguồn: Website của WIPO tại

https://www.wipo.int/pressroom/en/articles/2021/article_0002.html

./.

Các bài viết khác