Logo

Cục SHTT làm việc với các đại diện SHCN.

18/12/2019
Ngày 16/12/2019 Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức buổi làm việc về hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp...

Ngày 16/12/2019 Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Hội SHTT) đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) tổ chức buổi làm việc về hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp (SHCN)  nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Hội SHTT, Cục SHTT và các tổ chức đại diện SHCC nhằm thảo luận, giải quyết những vấn đề đang tồn đọng và mới phát sinh trong hoạt động của hệ thống SHTT ở Việt Nam. Gần 80 đại biểu, gồm lãnh đạo Cục SHTT và các bộ phận chức năng có liên quan và đại diện của các tổ chức/công ty/văn phòng luật cung cấp dịch vụ SHCN đã tham dự buổi làm việc và tập trung trao đổi, thảo luận về những vấn đề sau:

(i) Đăng ký nhãn hiệu chứa “Tên địa danh” không liên quan đến sản phẩm dịch vụ đăng ký;

(ii) Nhãn hiệu bị từ chối vì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn đã hết hạn hiệu lực chưa quá 5 năm;

(iii) Cơ sở pháp lý để từ chối/phản đối đơn đăng ký và hủy bỏ GCN đã cấp dựa trên động cơ không trung thực và bằng chứng chứng minh cho động cơ không trung thực (bad faith);

(iv) Vấn đề disclaimer trong thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam và đề xuất giúp hoàn thiện quy tắc disclaimer ở Việt Nam;

(v) Một số quy định chung liên quan đến từ chối sau quá trình thẩm định nội dung:

-  Việc đánh giá một dấu hiệu bị coi là mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ và dấu hiệu làm hiểu sai lệch, có tính chất lừa dối;

- Từ chối nhãn hiệu bằng cách chia tách 1 phần nhãn hiệu;

- Từ chối đăng ký nhãn hiệu đối với dấu hiệu có khả năng phân biệt yếu;

-  Một số vấn đề cần xem xét về việc từ chối nhãn hiệu mang tính mô tả hàng hóa - dịch vụ;

- Đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu sau khi nhãn hiệu đối chứng đã bị đình chỉ hiệu lực trên cơ sở 5 năm không sử dụng.

(v) Một số vấn đề liên quan đến đăng ký nhãn hiệu quốc tế tại Việt Nam

(vi) Quy định về sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam, thực trạng và đề xuất.

(vii) Một số vấn đề cần giải quyết trong quá trình xử lý đơn của Cục Sở hữu trí tuệ.

Qua trao đổi, thảo luận cho thấy còn có sự khác biệt khá lớn trong việc hiểu và áp dụng một số quy định của Luật SHTT và Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN (sửa đổi bổ sung lần gần nhất bởi Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016) liên quan tới Điều 74. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu; Điều 95.Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ và Điều 96. Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ; không chỉ ở một số đại diện SHCN mà còn ở cả một số thẩm định viên nhãn hiệu của Cục SHTT.  Nguyên nhân chủ yếu của việc này được cho là quy chế/hướng dẫn thẩm định nhãn hiệu hiện hành không đáp ứng được thực tế và thiếu sự thông báo kịp thời của Cục SHTT về những thay đổi/bổ sung liên quan tới việc đăng ký nhãn hiệu.

Các đại biểu nhất trí rằng việc đối thoại/trao đổi ý kiến giữa các Cục SHTT và các đại diện SHCN là một việc làm cần thiết và  nên tổ chức thường xuyên để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng,  hiệu quả của hoạt động SHTT./.  

Các bài viết khác