(Đây là một trong 05 bài viết đăng trong INTA Bulettin được đọc nhiều nhất trong năm 2024)
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI) làm nảy sinh nhiều cuộc thảo luận quan trọng về cách sử dụng các công cụ AI, ví dụ như ChatGPT, và các sản phẩm chúng tạo ra liên quan tới các quyền sở hữu trí tuệ (IP) khác nhau, trong đó có quyền tác giả. Các quốc gia và các khu vực pháp lý trên thế giới đang nỗ lực phát triển các quy chế và công cụ để quản lý AI, tuy cách tiếp cận chưa thống nhất, nhưng các xu hướng đang bắt đầu xuất hiện.
Meaghan Kent là luật sư và cố vấn về sở hữu trí tuệ (IP) giàu kinh nghiệm của công ty Morgan,Lewis & Bockius đã tham gia Cuộc họp Lãnh đạo 2024 (Leader Meeting 2024) của INTA với tiêu đề “Đánh giá so sánh về sự tương tác giữa bản quyền và AI tại nhiều khu vực pháp lý khác nhau” vào tháng 11/2024 tại New Orleans, Louisiana (Hoa Kỳ). Cuộc họp này, trên cơ sở khai thác các tri thức chuyên môn từ một số khu vực pháp lý, sẽ đưa ra một bức tranh tổng quát về các vấn đề chính sách, lập pháp, kiện tụng và quy định liên quan đến AI và bản quyền, bao gồm việc sử dụng các tác phẩm có bản quyền cho các mô hình đào tạo [AI], và cố gắng trả lời câu hỏi liệu các sản phẩm của AI tạo sinh (generative AI[1]) có cấu thành hành vi vi phạm bản quyền hay không và “tác giả con người” (“human authorship”) hay nói cách khác là sự tham/liên quan gia của con người thực phải ở mức độ nào thì sản phẩm được tạo ra với sự hỗ trợ của AI (AI-assisted outputs) mới có bản quyền.
Dưới đây là nội dung phỏng vấn Meaghan Kent:
Câu hỏi: Bạn sẽ chủ trì một phiên họp tại Cuộc họp Lãnh đạo 2024 có tiêu đề “Đánh giá so sánh về sự tương tác giữa bản quyền và AI tại nhiều khu vực pháp lý khác nhau”. Xin vui lòng cung cấp thông tin ngắn gọn về những gì có thể mong đợi từ cuộc thảo luận này?.
Trả lời: Chúng tôi sẽ có các thành viên từ các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân, từ Châu Á, Châu Âu, Nam Mỹ và Hoa Kỳ, tham gia thảo luận và họ sẽ cung cấp các góc nhìn khác nhau về pháp lý và kinh nghiệm thực hành liên quan tới các vaasmn đề rất phức tạp và đang phát triển này.
Chúng tôi sẽ thảo luận về các diễn biến pháp lý cũng như các vụ việc điển hình đang chờ xử lý liên quan đến các mối lo ngại tiềm ẩn về hành vi vi phạm và quyền tác giả liên quan - bao gồm việc đào tạo AI sử dụng nội dung có bản quyền có vi phạm quyền tác giả của nội dung đó hay không hoặc liệu có thể có các ngoại lệ về pháp lý hoặc liên quan tới việc tuân thủ các quy định của học thuyết sử dụng hợp lý (“fair use’) hay không. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận về việc liệu các sản phẩm AI tạo ra từ các công cụ được đào tạo bằng nội dung có bản quyền có thể vi phạm nội dung cơ bản đó hay không và liệu nội dung do AI tạo ra có thể được bảo vệ bản quyền hay không và trong những trường hợp nào.
“Một số khu vực pháp lý đã hoặc đang phát triển các khuôn khổ pháp lý và ngoại lệ cho đào tạo AI, bao gồm Brazil, EU, Nhật Bản và Singapore”.
Câu hỏi: ChatGPT đã trở thành AI có sẵn công khai vào cuối năm 2022. Mặc dù AI đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng việc tiếp cận rộng rãi với AI tạo sinh đã đánh dấu sự thay đổi mô hình trong không gian AI với những tác động sâu rộng, bao gồm cả đối với chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ (IP) và cộng đồng IP. Một số diễn biến gần đây nhất trong quy định về AI về bảo vệ bản quyền là gì?
Trả lời: Trong phiên họp, chúng ta sẽ thảo luận về các quy chế đang chờ được thực hiện tại nhiều khu vực pháp lý khác nhau. Điều này sẽ bao gồm Đạo luật AI của Công đồng châu Âu (EU AI Act), đã thu hút được sự chú ý đáng kể và dự kiến sẽ có tác động sâu rộng do ngôn ngữ cho phép áp dụng rộng rãi, bao gồm các nghĩa vụ và ngoại lệ được nêu trong Đạo luật. Chúng ta cũng sẽ thảo luận về các bản cập nhật trong phạm vi Hoa Kỳ, bao gồm Sắc lệnh hành pháp về AI, Nghiên cứu của Văn phòng Bản quyền, các bản cập nhật tiềm năng của Bản trích yếu, Lộ trình Chính sách AI của Thượng viện và luật được giới thiệu như Đạo luật Tiết lộ Bản quyền AI Tạo sinh (Generative AI Copyright Disclosure Act).
Một diễn biến gần đây khác mà chúng tôi hy vọng sẽ thảo luận là khuôn khổ pháp lý AI của Brazil và những khuôn khổ khác sẽ tác động đến nơi mà các công ty có thể chọn để đào tạo mô hình AI của họ. Singapore đã đưa ra một ngoại lệ về Phân tích dữ liệu tính toán đang thu hút một số công ty và các quy định tương tự khác đang được đưa ra ở những nơi như Nhật Bản.
Câu hỏi: Bạn có thể nói chung về một số cách tiếp cận khác nhau hiện đang được các khu vực pháp lý áp dụng liên quan đến bản quyền và AI không?
Trả lời: Một số khu vực pháp lý đã hoặc đang phát triển các khuôn khổ và ngoại lệ cho đào tạo AI, bao gồm Brazil, EU, Nhật Bản và như đã đề cập trước đó, Singapore. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hiện đang cho phép tòa án giải quyết một số câu hỏi này và Thượng viện đã nêu cụ thể trong Lộ trình chính sách AI của mình rằng mặc dù cần "xem xét các vấn đề chính sách liên bang liên quan đến các tập dữ liệu mà các nhà phát triển AI sử dụng để đào tạo các mô hình của họ, bao gồm các tập dữ liệu có thể chứa dữ liệu cá nhân nhạy cảm hoặc được bảo vệ bởi bản quyền và đánh giá xem có cần các yêu cầu về tính minh bạch hay không", trước tiên, họ sẽ xem xét và chờ đợi kết quả của "các báo cáo hiện tại và sắp tới từ Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ và Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ về cách AI tác động đến luật bản quyền[2] và sở hữu trí tuệ, và thực hiện hành động được cho là phù hợp để đảm bảo Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu thế giới trên mặt trận này".
“Luật và quy định liên quan đến bản quyền và AI đang ngày càng phát triển đòi hỏi những người sáng tạo và đổi mới phải nhanh nhẹn và cân nhắc các lựa chọn của mình ở nhiều khu vực pháp lý khác nhau”.
Câu hỏi: Một trong những câu hỏi chính mà chủ sở hữu thương hiệu hiện đang đặt ra là liệu có nên cung cấp tài liệu có bản quyền để đào tạo các mô hình AI tạo sinh hay không. Những lập luận chính ủng hộ và phản đối thực hành này là gì?
Trả lời: Những người sáng tạo nội dung (content creator) cho rằng với tư cách là chủ sở hữu bản quyền, họ có quyền kiểm soát việc sao chép, phân phối và tạo ra các tác phẩm phái sinh và việc sử dụng nội dung của họ để đào tạo [AI] mà không được họ cấp phép là vi phạm các quyền đó. Các công ty sử dụng nội dung để đào tạo [AI] phần lớn dựa vào các lập luận về sử dụng hợp lý (“fair use”), gồm cả việc sử dụng đó là sự biến đổi (transformative). Đằng sau lập luận này là những mối quan tâm thực tế và hiện hữu tranh cãi về cách điều này sẽ tác động đến các hoạt động sáng tạo và cách để luật pháp và các quy định có thể tiếp tục khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong cả nghệ thuật và công nghệ.
Các yếu tố khác chồng chéo và có lẽ diễn ra song song với điều này là các vấn đề ngày càng gia tăng liên quan đến quyền [về sự] công khai, bản sao kỹ thuật số và cái gọi là deep fake và nhu cầu xác định rõ ràng các tác phẩm do AI tạo sinh tạo ra.
Câu hỏi: Bạn sẽ đưa ra lời khuyên nào cho những người nắm giữ bản quyền hiện nay liên quan đến AI?
Trả lời: Hãy tham gia hội thảo của chúng tôi như một bước đầu tiên! Các luật và quy định đang phát triển xung quanh bản quyền và AI đòi hỏi những người sáng tạo và đổi mới phải nhanh nhẹn và cân nhắc các lựa chọn khác nhau của họ ở nhiều khu vực pháp lý khác nhau. Phiên họp này sẽ cung cấp tổng quan về các lựa chọn này./.
Nguồn: INTA Bulletin, Oct.2, 2024;
https://www.inta.org/perspectives/interviews/copyright-protection-in-the-age-of-ai-an-interview-with-meaghan-kent/
[1] Generative AI (AI tạo sinh) là một nhánh của trí tuệ nhân tạo tập trung vào khả năng tạo ra nội dung mới mẻ và đa dạng dựa trên dữ liệu đầu vào ban đầu.
[2] Liên quan tới vấn đề này cần lưu ý rằng hiện tại Tòa án ở một số bang ở Hoa Kỳ (cụ thể, Tòa án Quận Hoa Kỳ tại Quận Columbia) đã đứng về phía Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ, phán quyết rằng các tác phẩm được tạo ra hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo mà không có sự tham gia của con người sẽ không đủ điều kiện được bảo vệ bản quyền theo luật Hoa Kỳ.