Logo

Khả năng bảo hộ của dấu hiệu mang tính mô tả: Nghiên cứu trường hợp “true MILK”

18/07/2025

Trong thực tiễn đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu, một vấn đề thường gặp là việc xác định tính phân biệt của các dấu hiệu mang tính mô tả. Trường hợp “TH true MILK” và tranh chấp với “VP true milk” đặt ra câu hỏi liệu một dấu hiệu mang tính mô tả – dù đã được sử dụng rộng rãi – có thể tạo thành cơ sở độc quyền về mặt pháp lý hay không.

1.  Cơ sở pháp lý và học thuật

1.1  Dấu hiệu mô tả và giới hạn bảo hộ:

Theo Điều 74.2(b), (c)[1] Luật SHTT Việt Nam, các dấu hiệu mang tính mô tả công dụng, thành phần, tính chất… của hàng hoá, dịch vụ sẽ không được coi là nhãn hiệu có khả năng phân biệt. Cùng nguyên tắc này, pháp luật Hoa Kỳ (Lanham Act §2(e)(1)) và châu Âu (EUTMR Article 7(1)(c)) đều loại trừ bảo hộ đối với dấu hiệu mang tính mô tả (“merely descriptive”). 

1.2. Tính phân biệt đạt được thông qua sử dụng (acquired distinctiveness):

Một ngoại lệ được thừa nhận là dấu hiệu mô tả có thể được bảo hộ nếu chứng minh được đã đạt tính phân biệt qua sử dụng. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là dấu hiệu đó phải được sử dụng độc lập như một nhãn hiệu chính. Việc sử dụng kèm theo nhãn hiệu khác sẽ không tạo ra chức năng nhận diện thương mại riêng cho phần mô tả.

1.3. Quyền sử dụng mô tả trung thực:

Một chủ thể không có quyền ngăn cản bên khác sử dụng dấu hiệu mang tính mô tả theo cách trung thực và ngay tình để mô tả sản phẩm, dịch vụ của mình. Đây là nguyên tắc được ghi nhận rộng rãi trong cả luật thực định lẫn án lệ quốc tế.

2. Phân tích trường hợp “true MILK” 

2.1. Tính mô tả và cách sử dụng thực tế:

Dấu hiệu “true MILK” mang ý nghĩa mô tả chất lượng sản phẩm sữa, không phải một tên thương mại được sáng tạo. Trên thực tế, nó luôn được sử dụng gắn liền với “TH” – là yếu tố có tính phân biệt. Không có bằng chứng nào cho thấy “true MILK” được sử dụng độc lập như một nhãn hiệu chính. 

2.2  Nội dung đăng ký nhãn hiệu:

Trong đăng ký nhãn hiệu “TH true MILK”[2], chủ thể đã chủ động tuyên bố không yêu cầu bảo hộ riêng phần “true MILK”. Đây là bằng chứng pháp lý thể hiện rõ sự thừa nhận tính mô tả và việc từ chối quyền độc quyền đối với cụm từ này. 

2.3  Đánh giá hành vi sử dụng của “VP true milk”: 

Việc một chủ thể khác sử dụng cụm từ “true milk” (như trong “VP true milk”) là hành vi mô tả trung thực, không mang tính gây nhầm lẫn và không chiếm đoạt chức năng nhận diện thương mại từ chủ thể khác. Do đó, không có căn cứ để xác định xâm phạm quyền. 

3. Kết luận

Dấu hiệu “true MILK” là dấu hiệu mang tính mô tả thuần tuý, không được sử dụng độc lập và đã bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ trong đăng ký. Việc sử dụng cụm từ tương tự để mô tả sản phẩm sữa từ một chủ thể khác không cấu thành hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu. Trường hợp này khẳng định vai trò giới hạn của nguyên tắc “tính phân biệt đạt được” và nguyên tắc tự do sử dụng mô tả trong pháp luật nhãn hiệu./.
 


[1] Điều 74.2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây: …

b)  Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ, tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, hình dạng thông thường của hàng hóa hoặc một phần của hàng hóa, hình dạng thông thường của bao bì hoặc vật chứa hàng hóa đã được sử dụng thường xuyên và thừa nhận rộng rãi trước ngày nộp đơn;

c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ hoặc dấu hiệu làm gia tăng giá trị đáng kể cho hàng hóa, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước ngày nộp đơn;

[2] Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu số 175286 cấp ngày 10/11/2011. Chủ sở hữu: Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH; đăng ký cho các sản phẩm/dịch vụ thuộc các nhóm 25,29,30,31,32,35,43; Nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể. Không bảo hộ riêng "TH", "true MILK".

Các bài viết khác