Logo

SWatch  vs. iWatch tại Nhật Bản

09/08/2022
Swatch đã thất bại trong vụ tranh chấp nhãn hiệu này

Hội đồng Giải quyết khiếu nại của Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) đã bác bỏ đề nghị hủy bỏ hiệu lực của Công ty đồng hồ Thụy Sĩ Swatch (Swatch) đối với Đăng ký nhãn hiệu  số 5849925 “iWATCH” thuộc sở hữu của Công ty  Apple Inc Hoa kỳ.(Trường hợp hủy bỏ số 2017- 890071, phát hành Công báo: 31.01.2020) .

1.Phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu  iWATCH

Nhãn hiệu bị tranh chấp, bao gồm một từ “iWATCH” bằng các chữ cái đơn giản đã được  Apple Inc (“Apple”) đăng ký  vào ngày 25/4/2014 cho sản phẩm đồng hồ đeo tay, đồng hồ  và các hàng hóa khác trong Nhóm 14.

Ngay sau khi nhãn hiệu trên được đăng ký, vào ngày 13/5/2016, Swatch đã đệ đơn phản đối  việc đăng ký nhãn hiệu, dựa trên các Điều 3 (1) (iii), 3 (1) (vi), 4 (1) (xi), 4 (1) (xv), 4 (1) (xvi) của Luật Nhãn hiệu Nhật Bản, (Phản đối số 2016-900234), cụ thể như sau:

- Điều 3 (1) (iii): cấm bất kỳ nhãn hiệu nào đăng ký nếu nhãn hiệu đó bao gồm các yếu tố chỉ để chỉ ra, một cách thông thường, nơi xuất xứ, nơi bán, chất lượng, nguyên liệu, hiệu quả, mục đích dự kiến, số lượng, hình dạng (bao gồm cả hình dạng của bao bì), giá cả, phương pháp hoặc thời gian sản xuất hoặc sử dụng;

- Điều 3 (1) (vi): cấm đăng ký bất kỳ nhãn hiệu nào không có tính phân biệt.

- Điều 4 (1) (xi):  cấm đăng ký một nhãn hiệu được coi là giống hoặc tương tự với bất kỳ nhãn hiệu đã được đăng ký trước đó;

- Điều 4 (1) (xv): nhãn hiệu sẽ không được đăng ký khi có khả năng gây nhầm lẫn với hàng hóa hoặc dịch vụ nổi tiếng của chủ thể kinh doanh khác, vì lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu và lợi ích của người tiêu dùng;

- Điều 4 (1) (xvi): cấm đăng ký bất kỳ nhãn hiệu nào có khả năng làm sai lệch chất lượng hàng hóa hoặc dịch vụ.

Tuy nhiên đơn phản đối của Swatch đã bị từ chối.

2. Xem xét đề nghị hủy bỏ hiệu lực.

Luật Nhãn hiệu Nhật Bản đưa ra điều khoản hủy bỏ hiệu lực có  hồi tố đối với Đăng ký nhãn hiệu vì những lý do cụ thể theo Điều 46 (1).

2.1 Lập luận của Swatch

Trong nỗ lực phản bác lại quyết định giải quyết phản đối , Swatch đã đệ đơn đề nghị hủy bỏ đối với nhãn hiệu bị tranh chấp vào ngày 23/10/2017. Swatch lập luận rằng nhãn hiệu bị tranh chấp “iWATCH”  phải bị hủy bỏ vì những lý do sau:

(i) Nhãn hiệu bị tranh chấp bao gồm một chữ cái “i” trong bảng chữ cái và một thuật ngữ chung liên quan đến một hàng hóa trong danh mục theo đơn đăng ký nhãn hiệu là "đồng hồ", nhãn hiệu đó có thể chỉ được coi là biểu thị giá trị, mã, loại, chế độ hoặc tiêu chuẩn của hàng hóa là "đồng hồ". Nếu vậy, nhãn hiệu bị tranh chấp sẽ không có tính phân biệt và có thể bị hủy bỏ theo Điều 3 (1) (vi) liên quan đến hàng hóa. (là “đồng hồ”);

(ii) Tương tự như vậy, những người tiêu dùng có liên quan sẽ nhận thức sai về chất lượng hàng hóa khi nhãn hiệu đang tranh chấp được sử dụng trên hàng hóa không phải là "đồng hồ" ở nhóm 14, ví dụ: trang sức, chìa khóa, hộp đựng trang sức, phụ kiện. Nếu vậy, nhãn hiệu bị tranh chấp sẽ bị hủy bỏ theo Điều 4 (1) (xvi) liên quan đến hàng hóa không phải là "đồng hồ";

(ii) Nhãn hiệu tranh chấp “iWATCH” tương tự với nhãn hiệu  “SWATCH” theo góc độ  hình ảnh và ngữ âm. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhãn hiệu  “SWATCH” đã trở nên vô cùng nổi tiếng với đồng hồ và các mặt hàng thời trang của Tập đoàn Swatch. Nếu vậy, khả năng xảy ra nhầm lẫn giữa “iWATCH” và “SWATCH” khi nhãn hiệu tranh chấp được sử dụng trên hàng hóa thuộc nhóm 14. Do đó, nhãn hiệu bị tranh chấp có thể được hủy bỏ theo Điều 4 (1) (xi).

2.2  Quyết định của Hội đồng Giải quyết khiếu nại

Trong quyết định, Hội đồng đã đứng về phía Apple  và nhận thấy rằng:

- thuật ngữ “iWATCH” là một từ mới tạo ra và hoàn toàn không gợi lên bất kỳ ý nghĩa cụ thể nào. Do đó, không có khả năng người tiêu dùng có liên quan coi nhãn hiệu tranh chấp  là một dấu hiệu định tính của  hàng hóa được đề cập;

- Hội đồng thừa nhận “SWATCH” đã đạt được danh tiếng cao và sự phổ biến rộng rãi đối với người tiêu dùng và thương nhân có liên quan với tư cách là nhãn hiệu đồng hồ nổi tiếng của Swatch Group. Trong khi đó về ý nghĩa, thuật ngữ này có vẻ ít độc đáo và sáng tạo hơn vì nó là một từ trong từ điển có nghĩa là "một mẫu (như vải) hoặc một bộ sưu tập các mẫu".

- Sự khác biệt về ký tự đầu tiên của cả hai nhãn hiệu sẽ không đáng kể trong trường hợp này. Hội đồng không có lý do chính đáng để tin rằng cả hai dấu hiệu được coi là giống nhau xét trên quan điểm về hình ảnh, ngữ âm và khái niệm.

- Nếu vậy, khó có khả năng xảy ra trường hợp người tiêu dùng có liên quan với một sự chú ý  bình thường sẽ liên kết hoặc nhận thức sai về nhãn hiệu đang tranh chấp với nhãn hiệu Swatch .

Dựa trên những điều đã nói ở trên, Hội đồng kết luận  nhãn hiệu “iWATCH” sẽ không thể bị hủy bỏ vì liên quan tới nhãn hiệu “SWATCH” và bác bỏ toàn bộ đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của Swatch.

3. Bình luận (ND)

Dưới một góc độ nào đó, lập luận của Công ty Swatch về nghĩa của nhãn hiệu “iWATCH” không hoàn toàn vô lý, bởi vì nhãn hiệu này được kết hợp bởi chữ “i” viết thường  và “WATCH” viết hoa, do vậy cũng có thể coi là kết hợp của hai tập hợp chữ có nghĩa khác nhau  trong đó thành phần WATCH mang tính mô tả sản phẩm mà nhãn hiệu áp dụng (đồng hồ đeo tay, đồng hồ …thuộc Nhóm 14), như vậy không thể coi “iWATCH” là một từ mới tạo ra hoàn toàn và không gời lên bất kỳ ý nghĩa cụ thể nào.

Nguồn : https://blog.marks-iplaw.jp/2020/03/15/swatch-vs-iwatch/

Các bài viết khác