Trong quyết định của Tòa án chung Cộng đồng Châu Âu (GC) trong Vụ án T-607/23, người nộp đơn, Desimo Lda, đã kháng cáo quyết định phản đối của Hội đồng Phúc thẩm thứ năm (the Fifth Board of Appeal -BoA) của Văn phòng Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO). Đơn phản đối đã được đệ trình bởi Dulces y conservas Helios SA (bên phản đối).
Người nộp đơn đã nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu EU số 018026520 “ELIOS” (nhãn hiệu hình)
trong các Nhóm 29–33 và 35 vào ngày 21/2/2019. Bên phản đối phản đối tất cả các nhóm đã nộp dựa trên Điều 8(1)(b) và 8(5). Bên phản đối dựa trên nhãn hiệu Tây Ban Nha số 3702131 cho HELIOS (nhãn hiệu hình)
đã được đăng ký trong Nhóm 29 và 30 vào ngày 30/8/2018 và số đăng ký EU 2933372 HELIOS (nhãn hiệu chữ) được đăng ký trong nhóm 29, 30 và 32 vào ngày 14/12/2004 (các nhãn hiệu có trước)
Bộ phận [xử lý] phản đối đã giữ nguyên một phần của yêu cầu phản đối. Cả hai bên đều kháng cáo lên BoA. Người nộp đơn đã kháng cáo lên GC.
Người nộp đơn tuyên bố rằng BoA đã sai lầm trong đánh giá của mình liên quan đến Điều 8(1)(b) và 8(5), nhưng GC đã bác bỏ điều này.
Bên phản đối đã nộp đơn khiếu nại chéo (cross-claim)[1] đối với một số hàng hóa và dịch vụ trong Nhóm 31 và 35, trong đó BoA đã bác bỏ đơn phản đối đã nộp. Bên phản đối đã đặt câu hỏi về đánh giá của BoA đối với Điều 8(5)[2]. Không nên nhầm lẫn khái niệm “tương tự” (“similarity”) và “gần” (“proximity”) giữa các hàng hóa/dịch vụ khi áp dụng Điều 8(5) theo GC, vì sự tương tự không phải là yêu cầu đối với Điều 8(5), nhưng sự gần là một yếu tố để xác định xem có nguy cơ lợi thế không công bằng từ danh tiếng của nhãn hiệu trước đó hay không. Sự gần gũi (proximity) đề cập đến mối liên hệ đơn giản giữa các hàng hóa chứ không phải là sự tương tự nghiêm ngặt. Mặc dù không có sự tương tự giữa các hàng hóa/dịch vụ liên quan, nhưng vẫn có thể có sự liên kết với các nhãn hiệu có trước.
Tòa án chung (GC) đã bác đơn kháng cáo đối với tất cả các hàng hóa ngoại trừ “hạt giống gieo trồng”, “thức ăn cho vật nuôi” và “cát vệ sinh cho mèo” (“sowing seeds,” “pet food,” and “cat litter”) trong Nhóm 31, với lý do việc sử dụng nhãn hiệu hình ELIOS cho các mặt hàng khác đó sẽ không tận dụng lợi thế không công bằng từ danh tiếng của các nhãn hiệu trước đó.
GC nhấn mạnh sự khác biệt trong đánh giá pháp lý giữa Điều 8(1)(b) và Điều 8(5), điều sau yêu cầu sự gần gũi của hàng hóa/dịch vụ và mối liên hệ giữa các dấu hiệu đang được đề cập, cả hai điều này đều phải được bên yêu cầu cơ sở pháp lý này xác lập.
Nguồn: INTA Bulettin, April 16, 2025;
https://www.inta.org/perspectives/law-practice/european-union-proximity-of-goods-can-lead-to-confusion/
[1] Cross-claim: khiếu nại chéo, do một đồng bị đơn hoặc đồng nguyên đơn chống lại nhau trong một vụ kiện dân sự liên quan đến hai hay nhiều bị cáo hoặc nguyên đơn.
[2] Trong khi theo Điều 8(1)(a) EUTMR, tính giống hệt kép (double identity) của các dấu hiệu và hàng hóa/dịch vụ và theo Điều 8(1)(b) EUTMR, khả năng gây nhầm lẫn là các điều kiện tiên quyết cần thiết để bảo hộ nhãn hiệu đã đăng ký, thì Điều 8(5) EUTMR không yêu cầu tính giống hệt/tương tự của hàng hóa/dịch vụ cũng như khả năng gây nhầm lẫn. Điều 8(5) EUTMR cấp quyền bảo hộ cho các nhãn hiệu đã đăng ký không chỉ đối với hàng hóa/dịch vụ giống hệt/tương tự mà còn đối với hàng hóa/dịch vụ không giống hệt mà không yêu cầu bất kỳ khả năng gây nhầm lẫn nào, với điều kiện các dấu hiệu giống hệt hoặc tương tự, nhãn hiệu trước đó có uy tín và việc sử dụng mà không có lý do chính đáng đối với nhãn hiệu đã nộp đơn sẽ lợi dụng không công bằng hoặc gây bất lợi cho tính chất đặc biệt hoặc uy tín của nhãn hiệu trước đó.