Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) Hình thức thương mại là hình ảnh thương mại tổng thể (diện mạo và sự cảm nhận) của một sản phẩm hoặc dịch vụ (mà qua đó) cho biết hoặc xác định nguồn gốc của sản phẩm hoặc dịch vụ đó và phân biệt nó với sản phẩm hoặc dịch vụ của những người khác. Tùy thuộc luật pháp của từng quốc gia, Hình thức thương mại có thể là kiểu dáng hoặc cấu hình của một sản phẩm, bao bì hàng hóa, kiểu trang trí hoặc môi trường nơi cung cấp dịch vụ. Hình thức thương mại có thể bao gồm các yếu tố như kích thước, hình dạng, màu sắc, kết cấu, v.v., với điều kiện là chúng không mang tính chức năng.
Việc bảo hộ Hình thức thương mại của hàng hóa và dịch vụ tùy thuộc theo từng quốc gia. Luật nhãn hiệu Hoa Kỳ (Lanham Trademark Act) quy định Hình thức thương mại có thể được bảo hộ bằng cách đăng ký tương tự như đăng ký nhãn hiệu hoặc theo luật án lệ (quyền bảo hộ đạt được thông qua việc sử dụng trong thương mại). Tại Anh, Trade dress được bảo hộ thông qua Luật về Passing off (Passing off là thuật ngữ để chỉ hành vi bán bất hợp pháp một sản phẩm tương tự với sản phẩm của một công ty khác được bảo hộ hợp pháp bằng nhãn hiệu – gọi tắt là bán hàng nhái). Ở hầu hết các nước còn lại, Hình thức thương mại chỉ được bảo hộ bằng việc đăng ký như một nhãn hiệu (nếu đạt tiêu chuẩn quy định) và được bảo hộ cụ thể thông qua việc kiện tụng về một hành vi làm hàng giả hay hàng nhái. Ngoài ra, các quy định pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh cũng là cơ sở pháp lý bổ sung hữu hiệu cho việc bảo hộ Hình thức thương mại trong trường hợp Hình thức thương mại không hoặc không được đăng ký.
Để thuận tiện, dưới đây chúng ta sẽ sử dụng thuật ngữ “Trade dress” và “Passing off”
Luật về Passing off ngăn cản việc một thương nhân giả danh hàng hóa hoặc dịch vụ của một thương nhân khác, cũng như ngăn cản một thương nhân đưa ra thị trường các hàng hóa hoặc dịch vụ tưởng như có sự liên kết hoặc liên quan với một doanh nhân khác nhưng trong thực tế không đúng như vậy. Quy định về Passing off cũng chống lại việc một doanh nghiệp sử dụng các trình bày hay thông tin về người nổi tiếng trên hàng hóa hoặc dịch vụ như thể hàng hóa hoặc dịch vụ đó có quan hệ hay được bảo chứng bằng nhân vật nổi tiếng nhưng trong thực tế không có điều đó.
Như vậy, có thể thấy cách quy định về Passing off có quan hệ mật thiết với việc bảo hộ Trade dress và như một trong những chế tài quan trọng để bảo hộ đối tượng này. Để thực hiện một vụ kiện về Passing off, bên khởi kiện phải hội đủ các chứng cứ sau đây:
Ø Uy tín đối với hàng hóa hoặc dịch vụ của mình, cũng như hình ảnh bên ngoài hay các yếu tố khác của sản phẩm hoặc dịch vụ có khả năng chỉ ra nguồn gốc của chúng và phân biệt với sản phẩm hoặc dịch vụ của người khác.
Ø Có sự trình bày, hoặc mô tả sai sự thật nhằm làm người tiêu dùng tin rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của bên bị kiện chính là hoặc có sự liên hệ nào đó với hàng hóa hoặc dịch vụ của bên khởi kiện.
Ø Có sự tổn hại đến uy tín (goodwill) và thiệt hại khác cho bên khởi kiện.
Pháp luật Việt Nam nói chung và Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam nói riêng không có định nghĩa cũng như quy định cụ thể về bảo hộ Trade dress và chế tài Passing off. Tuy nhiên, về bản chất pháp lý, cũng có các quy định điều chỉnh các đối tượng đó.
Trước tiên, có thể thấy tại Việt Nam Trade dress có thể được bảo hộ như các đối tượng sau theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi 2009, 2019 và 2022).
Bảo hộ như một nhãn hiệu: Nếu Trade dress là một trình bày hình họa hay hình dáng của bao gói sản phẩm hay bản thân sản phẩm, hay một tập hợp màu sắc có khả năng phân biệt theo quy định tại Điều 72.1 Luật SHTT, theo đó “ nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;”.
Bảo hộ như một kiểu dáng công nghiệp: Nếu Trade Dress là một bao bì hay hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của những yếu tố này, đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ là một kiểu dáng công nghiệp được quy định tại Điều 63 của Luật Sở hữu trí tuệ, thì có thể đăng ký bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp. Tất nhiên, các kiểu dáng đó không mang tính chức năng hoặc hữu dụng.
Bảo hộ theo quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh: Theo quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh: “Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ”.
Cũng theo quy định tại điều này, thì: “Chỉ dẫn thương mại nêu trên là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hóa, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hóa, nhãn hàng hóa”.
Như vậy, nếu việc sử dụng các chỉ dẫn thương mại tạo nên một Trade dress gây nhầm lẫn với hàng hóa hoặc dịch vụ của người khác thì hành vi đó sẽ bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bị xử lý theo pháp luật.
Với quy định như trên của Luật SHTT, có thể thấy quy định chống cạnh tranh không lành mạnh của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với chế tài Passing off của các nước khác. Đó là ngăn cản một doanh nghiệp có hành vi sử dụng, trình bày hoặc cung cấp thông tin sai lệch trên hàng hóa/dịch vụ nhằm gây nhầm lẫn với hàng hóa/dịch vụ của một doanh nghiệp khác hoặc gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm hoặc dịch vụ. Để yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, người yêu cầu cũng phải cung cấp các chứng cứ nhằm chứng minh:
- Chủ thể kinh doanh đã sử dụng các chỉ dẫn thương mại trên hàng hóa/ dịch vụ một cách rộng rãi, ổn định, được nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam biết đến như một dấu hiệu phân biệt nguồn gốc thương mại. Chứng cứ có thể bao gồm các thông tin và tài liệu về quảng cáo,tiếp thị, triển lãm; doanh thu và số lượng sản phẩm và dịch vụ bán ra; hệ thống cung ứng, đại lý phân phối; các giải thưởng,vinh danh về uy tín của chủ thể kinh doanh…
- Bên bị yêu cầu xử lý đã sử dụng trong thực tế các chỉ dẫn thương mại trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, phương tiện quảng cáo… gây nhầm lẫn với hàng hóa/dịch vụ của bên yêu cầu xử lý nhằm lợi dụng uy tín để trục lợi hoặc nhằm các mục đích không lành mạnh khác.
- Gây thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận và uy tín của bên yêu cầu xử lý.
Chế tài xử lý cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam theo Luật SHTT cũng được thực hiện bằng xử lý hành chính hoặc dân sự. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh được thực hiện theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định Số 126/2021/NĐ-CP) của Chính phủ quy đinh về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp.