Logo

Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 về thi hành Luật Sở hữu trí tuệ... (tiếp theo)

25/09/2023
Nghị định có hiệu lực thi hành cùng ngày ban hành.

 

1. Sửa đổi định nghĩa về Kiểu dáng công nghiệp

Điều 4-13 (Luật SHTT sửa đổi  2022) đã sửa đổi định nghĩa về KDCN (phần thêm vào được in nghiêng và gạch chân), theo đó:

“KDCN là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.

2.  Yếu tố xâm phạm quyền đối với KDCN

Do định nghĩa về KDCN đã được sửa đổi nên Nghị định 65 hướng dẫn khá chi tiết việc xác định các yếu tố bị coi là xâm phạm quyền đối với KDCN, cụ thể như sau:

Điều 76. Yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp

1. Yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp mà hình dáng bên ngoài không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.

2. Căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được xác định theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

3. Sản phẩm, bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp có hình dáng bên ngoài bị coi là không khác biệt đáng kể đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp bị xem xét, kể cả trường hợp đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có hình dáng bên ngoài là tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao (gần như không thể phân biệt được sự khác biệt) của kiểu dáng công nghiệp của người khác đã được bảo hộ;

b) Sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp bị xem xét có hình dáng bên ngoài là tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm được bảo hộ của người khác.

3. Đơn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La-hay

Các thủ tục liên quan đến đơn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La-hay có nguồn gốc Việt Nam hoặc có chỉ định Việt Nam được quy định chi tiết từ Điều 22 đến Điều 24 của Nghị định. Các điều luật này đã cung cấp lộ trình rõ ràng cho chủ đơn trong việc bảo hộ KDCN ra quốc tế hoặc từ quốc tế vào Việt Nam.

KDCN nộp theo Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày Cục SHTT ra quyết định chấp nhận bảo hộ hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn 6 tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế công bố đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đó. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế KDCN được tính theo quy định của Thỏa ước La Hay (Điều 93.9 Luật SHTT sửa đổi 2022).

4. Văn bằng bảo hộ (VBBH) có thể được cấp ở dạng điện tử hoặc giấy

Điều 29.1 của Nghị định 65 quy định rằng (...VBBH được cấp dưới dạng bản điện tử và bản giấy (trong trường hợp người nộp đơn đề nghị cấp bản giấy)”.

Điều đó được hiểu rằng VBBH ở dạng giấy sẽ chỉ được cấp cho chủ đơn khi họ ghi yêu cầu này trong Đơn đăng ký, nếu không, Cục SHTT sẽ chỉ cấp VBBH dưới dạng điện tử.

Việc chuyển sang các định dạng điện tử phù hợp với xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam, góp phần cải thiện hiệu quả trong việc quản lý các đối tượng SHTT.

 

Các bài viết khác