Logo

Luật Patent 2020 của Trung Quốc đã thay đổi bối cảnh kiện tụng thế nào?

15/09/2023
Những năm gần đây các công ty nước ngoài không còn ngại khới kiện xâm phạm patent ở Trung Quốc

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ  (SHTT). Báo cáo Chỉ số Đổi mới Toàn cầu năm 2021 của WIPO cho thấy Trung Quốc đã tăng trưởng ổn định trong 9 năm và hiện đứng thứ 12, sau Đức và Pháp. Thực tiễn tư pháp chỉ ra rằng các công ty nước ngoài, như Qualcomm và Ericsson, đã chọn theo đuổi kiện tụng patent  ở Trung Quốc. Các tòa án Trung Quốc cũng đóng vai trò tích cực trong việc định hình các quy tắc quản trị SHTT toàn cầu bằng khẳng định quyền tài phán của họ cấm khởi kiện SEP[1], qua đó củng cố vị thế của Trung Quốc như một điểm đến ưa thích cho các vụ kiện tụng sở hữu trí tuệ quốc tế.

Để tạo môi trường kinh doanh thân thiện hơn với SHTT, các nhà lập pháp Trung Quốc đã xem xét và thực hiện thêm các sửa đổi đối với Luật Patent (China Patent Law -CPL) của Trung Quốc vào năm 2020. Các sửa đổi này có hiệu lực vào ngày 1/6/2021.

I.   Sáng chế

1.  Các điểm chính có tác động đáng kể đến các vụ kiện về sáng chế.

1.1   Tăng mức bồi thường vi phạm patent sáng chế

Tòa án Trung Quốc có truyền thống xác định mức bồi thường thiệt hại dưới 100.000 USD, chỉ 0,1% số trường hợp nhận được bồi thường trên 1 triệu USD. Có hai lý do chính cho việc này. Thứ nhất, Trung Quốc áp dụng nguyên tắc bình đẳng và khoản bồi thường thiệt hại mà người được cấp patent nhận được sẽ không vượt quá tổn thất thực tế của họ. Thứ hai, bị giới hạn bởi các quy định về bằng chứng ở Trung Quốc, hầu hết những người được cấp patent không có đủ bằng chứng để chứng minh thiệt hại thực tế, mà chỉ có thể được tòa án xác định thiệt hại theo luật định, với mức bồi thường tối đa là 144.800 USD.

CPL mới tăng mức thiệt hại bằng cách đưa ra mức thiệt hại trừng phạt và tăng mức bối thường thiệt hại theo luật định.

1.2.  Tăng mức bồi thường theo luật định

Theo hệ thống patent của Trung Quốc, nếu người được cấp patent không có  đủ bằng chứng về thiệt hại thực tế thì tòa án có thể phán quyết bồi thường theo luật định. Trên thực tế, hơn 90% các vụ việc được các thẩm phán áp dụng mức bồi thường theo luật định. Để tăng mức độ đền bù thiệt hại, CPL tăng số tiền bồi thường theo luật định lên tới $4300-$723.800 so với trước đó chỉ là $1400-$144.800.

Thông qua sửa đổi này, Trung Quốc hy vọng sẽ bảo vệ quyền SHTT của người được cấp patent bằng sự kết hợp giữa bồi thường  thiệt hại mang tính trừng phạt và thiệt hại theo luật định ngày càng tăng.

Đánh giá

Sau khi ban hành CPL mới, số tiền bồi thường thiệt hại ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Theo Báo cáo Điều tra Bằng sáng chế Trung Quốc năm 2022 do Cơ quan  Quản lý Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (CNIPA) ban hành thì tỷ lệ các trường hợp người được cấp patent được xác định bồi thường từ  723.800 USD trở lên đã tăng gấp 4 lần vào năm 2021 so với năm 2020. Hơn nữa, đã có rất nhiều vụ bồi thường đúng với   thiệt hại thực tế. Dưới đây là biểu đồ tỷ lệ các vụ kiện vi phạm patent sáng chế ở ngưỡng bồi thường hoặc thanh toán tiền bồi thường cao nhất (đường xanh 144.800-723.800 US $; đường da cam trên 723.800 US $)

Do đó, khi người được cấp patent có đủ bằng chứng, các thẩm phán Trung Quốc ngày càng sẵn sàng tuyên mức bồi thường đúng với thiết hại thực tế khiến họ tự tin hơn khi nộp đơn kiện ở Trung Quốc.

1.3.  Giảm khó khăn cho người được cấp patent trong việc chứng minh thiệt hại

Hệ thống kiện tụng sáng chế của Trung Quốc đã phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến việc đưa ra bằng chứng, đặc biệt liên quan đến việc thu thập bằng chứng về thiệt hại thực tế. Để giải quyết vấn đề này, CPL mới đã đưa ra nguyên tắc về cản trở [liên quan tới] bằng chứng (evidentiary obstruction) nhằm giảm thiểu những khó khăn đó.

Để xác định thiệt hại, tòa án Trung Quốc có thể chuyển trách nhiệm chứng minh sang người vi phạm trong trường hợp người được cấp patent đã nỗ lực hết sức để đưa ra bằng chứng và khi bằng chứng quan trọng, chẳng hạn như sổ sách kế toán và các tài liệu khác, bị người vi phạm kiểm soát. Nếu người vi phạm không đưa ra được bằng chứng phù hợp, tòa án có thể xác định thiệt hại theo yêu cầu của người được cấp patent và bằng chứng do họ cung cấp. Đây là “sáng tạo mới” của Trung Quốc. Cần lưu ý rằng quy định về cản trở chứng cứ chỉ áp dụng cho việc tính toán thiệt hại chứ không áp dụng cho việc xác định hành vi vi phạm hoặc thủ tục hủy bỏ hiệu lực.

Ngay sau khi áp dụng  CPL mới, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc (SPC) đã áp dụng quy định này trong vụ vi phạm bằng sáng chế của Swiss Synthes GmbH v. China Double Medical Technology Inc[2]. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bồi thường thiệt hại 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 143.410 USD) dựa trên mức bồi thường theo luật định. Sau đó, SPC cho rằng việc người vi phạm từ chối nộp sổ tài khoản tương ứng và thông tin tài chính mà họ sở hữu đã cấu thành hành vi cản trở bằng chứng, đồng thời đã thay đổi phán quyết sơ thẩm và ủng hộ toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại 20 triệu NDT của chủ sở hữu. Vụ án này thể hiện quyết tâm của tòa án Trung Quốc trong việc áp dụng nguyên tắc cản trở chứng cứ, đồng thời cũng phản ánh thái độ tư pháp của tòa án Trung Quốc trong việc bảo vệ bình đẳng các chủ thể quyền trong và ngoài nước.

2.  Thiết lập hệ thống PTA

CPL đã  đưa ra hệ thống điều chỉnh thời hạn patent (patent term adjustment -PTA), cho phép thời hạn bảo hộ patent ở Trung Quốc dài hơn thời hạn bảo hộ theo luật định là 20 năm với một số điều kiện nhất định. Cụ thể hơn, đối với patent được cấp sau bốn năm kể từ ngày nộp đơn và ba năm kể từ ngày yêu cầu thẩm định nội dung, CNIPA, theo yêu cầu của người được cấp patent sẽ bồi thường thời hạn bảo hộ do sự chậm trễ vô lý trong thời gian xét cấp patent, trừ trường hợp chậm trễ vô lý do người nộp đơn gây ra.

3.  Thiết lập Hệ thống liên kết patent dược phẩm

Hệ thống liên kết patent (patent linkage system) được đưa ra như một điều khoản mang tính nguyên tắc trong CPL, làm rõ rằng người được cấp patent hoặc các bên có lợi ích được phép khởi kiện hoặc nộp đơn xin phán quyết hành chính về tranh chấp sáng chế liên quan đến xin cấp phép lưu hành thuốc. Hệ thống liên kết patent  của Trung Quốc không chỉ bao gồm thuốc hóa học (thuốc phân tử nhỏ) mà còn bao gồm các sản phẩm sinh học và sản phẩm y học cổ truyền. Vào ngày 4/7/2021, Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia (NMPA) của Trung Quốc và CNIPA đã cùng ban hành các Biện pháp thực hiện cơ chế giải quyết sớm đối với tranh chấp về patent dược phẩm, trong đó cung cấp thêm thông tin chi tiết về cách xử lý các vụ kiện tụng trong khuôn khổ liên kết patent.

Theo hệ thống liên kết patent, cùng với các đơn đăng ký chung, các công ty dược phẩm gốc phải nộp bản tuyên bố liệt kê mọi bằng sáng chế có liên quan trên nền tảng thông tin về patent do NMPA thiết lập.

Nếu công ty dược phẩm gốc đưa ra tuyên bố rằng sản phẩm của họ không nằm trong phạm vi của patent liên quan hoặc patent  liên quan sẽ bị vô hiệu, thì chủ patent hoặc người quan tâm có thể hành động sau khi công bố tuyên bố đó, bằng cách nộp đơn  lên tòa án (phương pháp tư pháp) hoặc với CNIPA (phương pháp hành chính).

II.  Tăng cường bảo hộ kiểu dáng

Trước đây, có ba vấn đề rõ ràng trong việc bảo hộ kiểu dáng của Trung Quốc: thứ nhất, nước này chỉ có thể bảo vệ toàn bộ sản phẩm; thứ hai, thời gian bảo hộ kiểu dáng thấp hơn so với các nước lớn trên thế giới; thứ ba, người nộp đơn không thể yêu cầu quyền ưu tiên trong nước. CPL mới đã có những thay đổi đáng kể để giải quyết những vấn đề này.

1.  Bảo hộ kiểu dáng từng phần

Trước khi triển khai CPL mới, việc bảo hộ kiểu dáng sản phẩm được giới hạn ở toàn bộ kiểu dáng . Kết quả là, khi người vi phạm sửa đổi các bộ phận không phải là kiểu dáng  của sản phẩm, việc tránh được vi phạm tương đối dễ dàng. Ngoài ra, phạm vi bảo vệ được giới hạn ở các sản phẩm vật lý, do đó hạn chế bảo vệ đối với các sản phẩm sử dụng giao diện đồ họa người dùng  (graphical user interfaces -GUI). Hạn chế này gây khó khăn cho việc bảo vệ các kiểu dáng GUI và các sản phẩm sử dụng GUI.

CPL mới bổ sung kiểu dáng thành phần  vào định nghĩa về kiểu dáng. Người nộp đơn có thể gửi hình ảnh tổng thể của sản phẩm bằng cách chỉ ra những phần cần được bảo vệ bằng đường liền nét và bằng đường đứt nét những phần không cần bảo vệ.

Kiểu dáng thành phần ngăn người vi phạm sửa đổi các bộ phận không phải là kiểu dáng của sản phẩm để tránh vi phạm và cho phép chủ sở hữu patent bảo vệ toàn diện hơn sự đổi mới về kiểu dáng của sản phẩm.

2.  Gia hạn thời hạn bảo hộ đối với patent kiểu dáng

Trước đây, thời hạn bảo hộ patent kiểu dáng ở Trung Quốc là 10 năm, nhưng CPL mới kéo dài lên 15 năm. Trung Quốc thực hiện sửa đổi này chủ yếu để tham gia Thỏa thuận La-hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong tương lai. Sau khi tham gia Thỏa thuận La Hay, người nộp đơn sẽ tiết kiệm được rất nhiều phí nộp đơn và thời gian.

3.  Quy định ưu tiên trong nước đối với kiểu dáng

Do đơn kiểu dáng trước đó không có quyền ưu tiên trong nước nên nếu chủ bằng kiểu dáng  thực hiện những thay đổi mới đối với kiểu dáng đã nộp thì đơn mới có thể sẽ không được cấp khi nộp vì hai đơn thuộc cùng một kiểu dáng.

Hệ thống ưu tiên trong nước cho các kiểu dáng  đã được đề xuất trong CPL mới. Sau khi nộp đơn đăng ký kiểu dáng , người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký kiểu dáng  khác trong vòng sáu tháng và được hưởng quyền ưu tiên của đơn đăng ký trước đó. Do đó, trong vòng sáu tháng kể từ ngày nộp đơn kiểu dáng  đầu tiên, người nộp đơn có thể nộp lại một kiểu dáng cải tiến tương tự và được hưởng quyền ưu tiên của kiểu dáng trước đó, đồng thời kết hợp cả hai thành một đơn kiểu dáng đa phương án . Bằng cách này, cả kiểu dáng  được nộp đầu tiên và kiểu dáng cải tiến đều có thể được bảo hộ.

4.  Đánh giá

Lấy sản phẩm  gương chiếu hậu làm ví dụ, có thể minh họa những lợi ích và thay đổi do việc đưa kiểu dáng một phần và ưu tiên trong nước vào chiến lược ứng dụng thiết kế của Trung Quốc theo hình Bản vẽ kiểu dáng sản phẩm gương chiếu hậu dưới đây (từ trái sang phải : Kiểu dáng toàn bộ; Kiểu dáng phát triển; Kiểu dáng thành phần).


Sau khi hoàn thiện thiết kế gương chiếu hậu, người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký thiết kế toàn bộ gương chiếu hậu hoặc bề mặt gương (một phần). Trong vòng sáu tháng kể từ ngày nộp đơn, nếu người nộp đơn có bất kỳ cải tiến nào đối với toàn bộ gương chiếu hậu hoặc bề mặt gương của gương chiếu hậu, người nộp đơn cũng có thể nộp đơn cho toàn bộ  hoặc một phần kiểu dáng và yêu cầu quyền ưu tiên.

Việc bổ sung kiểu dáng thành  phần và ưu tiên trong nước mang lại cho người nộp đơn một chiến lược nộp đơn tương đối chủ động. Người nộp đơn có thể điều chỉnh nội dung của đơn thông qua ưu tiên trong nước và kiểu dáng  phần để tối đa hóa khả năng bảo vệ sản phẩm của chính mình và thích ứng với xu hướng lặp lại nhanh chóng của sản phẩm. Ngoài ra, thời gian bảo hộ thiết kế kéo dài và chiến lược chủ động cũng mang lại cho chủ sở hữu nhiều cơ hội hơn để thực thi patent kiểu dáng  của họ, xét đến tỷ lệ thành công cao của chủ sở hữu trong các vụ kiện tụng patent kiểu dáng của Trung Quốc.

III.  Biện pháp chống lại lạm dụng quyền patent

Với việc tăng cường bảo vệ quyền patent, người nắm giữ patent sẽ sẵn sàng hơn trong việc khởi kiện các vụ kiện vi phạm patent. Một số người nắm giữ patent  thậm chí có thể cố gắng đạt được doanh thu thông qua kiện tụng. Để đạt được sự cân bằng, CPL mới cũng đặt ra một số hạn chế.

Ví dụ: khi tranh chấp vi phạm patent liên quan đến mẫu hữu ích hoặc patent kiểu dáng , tòa án nhân dân hoặc cơ quan quản lý quyền sở hữu trí tuệ có thể yêu cầu chủ sở hữu patent cung cấp báo cáo đánh giá về quyền patent do CNIPA chuẩn bị. Theo CPL mới, ngoài chủ sở hữu patent, người bị buộc tội vi phạm cũng có thể chủ động yêu cầu CNIPA báo cáo đánh giá quyền patent và nộp báo cáo đó trong tranh chấp trước tòa án nhân dân hoặc cơ quan quản lý quyền SHTT.

Luật Sáng chế mới cũng quy định rõ rằng việc nộp đơn xin cấp patent và việc thực hiện quyền patent phải tuân theo nguyên tắc thiện chí và không gây tổn hại đến lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Điều khoản rất chung này có thể là một vũ khí quan trọng chống lại các đơn xin cấp patent với dụng ý xấu và lạm dụng quyền patent.

Nguồn : 
(i)https://www.managingip.com/article/2bhi5qk0x0qifjh9lo6io/sponsored-content/how-will-chinas-new-patent-law-change-the-litigation-landscape;(ii)https://www.mondaq.com/china/patent/1079668/chinas-new-patent-law-the-big-picture- 
(++)

 


[1] SEP - Patent tiêu chuẩn thiêt yếu (Standard Essential Patent là bằng sáng chế bảo hộ công nghệ  được tuyên bố là thiết yếu để thực hiện  tiêu chuẩn kỹ thuật nào đó được các tổ chức phát triển tiêu chuẩn (SDO) thông qua.

Các tiêu chuẩn này bao gồm các tiêu chuẩn công nghệ chẳng hạn như 5G và WiFi, nén và giải nén âm thanh và video (ví dụ: MPEG, HEVC), công nghệ lưu trữ và trao đổi dữ liệu (ví dụ: CD và DVD), định dạng ảnh (JPEG) và âm thanh gia đình. và khả năng tương tác video (HAVi).-

[2] Nhà sản xuất thiết bị y tế Trung Quốc phải bồi thường cho công ty Thụy Sĩ 3 triệu USD vì xâm phạm sáng chế- https://pham.com.vn/tin-tuc-su-kien/nha-san-xuat-thiet-bi-y-te-trung-quoc-phai-boi-thuong-cho-cong-ty-thuy-si-3-trieu-usd-vi-xam-pham-sang-che.html

 

Các bài viết khác