Tóm tắt sự việc
Yêu cầu của khởi kiện Nguyên đơn:
a) Hủy quyết định sa thải số 00415-HRR/2016 do ban hành trái pháp luật;
b) Bồi thường số tiền 1.334.136.000 đồng cho các thiệt hại liên quan của NLĐ từ việc ban hành quyết định sa thải nêu trên.
Chứng cứ tại Tòa án
1. Đơn xin nghỉ phép ngày 02/9/2015 có đóng dấu treo của Công ty và xác nhận của Trưởng bộ phận S.C.. Đơn này được NLĐ mượn từ Đại sứ quán Tây Ban Nha. NLĐ khai rằng đơn này không được cung cấp trong buổi họp xét kỷ luật lao động vì lý do 01 bản nhờ cô T.H.V.L(thư ký của NLĐ thời điểm đó) nộp giúp cho Bộ phận chấm công nhưng không hiểu sao không đến được Bộ phận này. Bản còn lại nộp cho Đại sứ quán để làm visa.
2. Các giấy tờ chứng minh cho các khoản tiền lương và trợ cấp thực nhận trong quá trình làm việc tại Công ty.
3. Lời khai của NLĐ:
a) Việc họp xét kỷ luật ngày 04/3/2016 là không đúng trình tự thủ tục theo qui định tại Điều 29 Nội qui lao động (NQLĐ) của Công ty. Cụ thể: Trước khi gửi thông tin lên hội đồng kỷ luật của Công ty, bộ phận phải có cuộc họp xét hình thức kỷ luật tại bộ phận để xem xét mức độ vi phạm.
b) Qui trình nghỉ phép đầy đủ của Công ty phải là có đơn xin nghỉ phép được duyệt bởi người có thẩm quyền và đơn này sau đó phải được nộp cho bộ phận chấm công
Phán quyết của Tòa án
A. Nhận định của Tòa án cấp Sơ thẩm:
1.a) Qui trình nghỉ phép đầy đủ của Công ty hay của bất cứ tổ chức kinh tế / đoàn thể nào khác (thậm chí là cả Tòa án) cũng đều phải là có đơn xin nghỉ phép được duyệt bởi người có thẩm quyền và phải được gửi đến bộ phận chấm công để trừ phép. Trường hợp của bà H. là có đơn xin nghỉ được duyệt nhưng thay vì gửi cho Bộ phận Hoạch định lao động (bộ phận chấm công-BPCC) thì lại nhờ trợ lý gửi hộ và do sai sót của trợ lý mà đơn này không đến được BPCC dẫn đến tranh chấp hiện tại là lỗi của NLĐ do bất cẩn.
1.b) Ngay cả khi qui trình này không được ghi nhận trong Nội qui lao động của Công ty nhưng qua lời khai của NLĐ cũng đã xác nhận tập quán của Công ty trong vấn đề nghỉ phép của NLĐ phải là theo trình tự đã nói ơ trên. Mặt khác, việc giao phó nộp đơn xin nghỉ cho BPCC của NLĐ mà không cần quan tâm kết quả là đã nộp hay chưa cũng là vi phạm qui tắc thận trọng trong công việc.
1.c) Qui định của NQLĐ của Công ty mặc dù ghi phải họp xét kỷ luật tại cấp phòng ban trước nhưng đó là đối với các vi phạm của NLĐ mà NSDLĐ chưa biết. Mặt khác, vi phạm của bà hương trường hợp này là do Phòng Nhân sự phát hiện chứ không phải Phòng phát triển kinh doanh phát hiện và thời điểm cần họp xét thì vị trí chủ chốt tại Phòng phát triển kinh doanh cũng đã không còn làm việc tại Công ty (ông S.C. nghỉ ngày 15/11/2015) nên việc họp xét kỷ luật tại cấp phòng trường hợp này là không cần thiết và không thể thực hiện được nên việc NSDLĐ họp xét kỷ luật luôn là không vi phạm pháp luật lao động.
2. Từ các nhận định trên, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bác toàn bộ các yêu cầu của Nguyên đơn đối với Bị đơn
B. Nhận định của Tòa án cấp Phúc thẩm:
1.a) Đơn xin nghỉ phép mặc dù không được nộp cho BPCC nhưng Công ty cũng không thể khẳng định được đây là lỗi cố ý của NLĐ (để dẫn chiếu đến qui định tự ý bỏ việc). NLĐ trường hợp này đã có làm đơn xin nghỉ, đã trình cấp quản lý trực tiếp ký duyệt và đã có ý thức nộp cho BPCC nhưng do sơ suất của trợ lý mà đơn không đến được bộ phận này. Xét ý thức của NLĐ, có thể thấy việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải là quá nặng.
1.b) NQLĐ được xem là qui định bổ trợ cho pháp luật lao động của như cụ thể hóa các qui đinh , qui trình mà pháp luật LĐ hiện hành chưa nêu rõ. Việc NQLĐ của Công ty đã được duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền nghĩa là nó không trái với qui định của Bộ luật LĐ hiện hành và do đó Công ty cần phải nghiêm túc chấp hành, cụ thể trường hợp này NSDLĐ bỏ qua qui trình họp xem xét mức độ xử lý kỷ luật của bà H. tại cấp phòng ban là chưa đúng. Công ty cần làm việc với Sở LĐ TB&XH để hoàn thiện lại NQLĐ.
2.Từ các nhận định trên, Tóa án cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn: hủy quyết định sa thải và buộc bị đơn bồi thường 03 tháng tiền lương cho NLĐ (do trước khi tuyên án Tòa án cấp PT đã hỏi và nhận được đồng ý của NLĐ về mức bồi thường này) để hỗ trợ NLĐ tìm kiếm công việc mới cũng như bù đắp thiệt hại vật chất trong suốt thời gian không được làm việc và theo đuổi vụ kiện.
Căn cứ pháp lý
Điều 32, 35, 39, 244 Bộ Luật TTDS
Điều 22, 42, 123, 124, 126 Bộ Luật LĐ
Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP của CP ngày 12/01/2015
Để có thêm thông tin chi tiết hoặc giải đáp thắc mắc xin liên hệ:
Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh tại TP Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 5/F, 8 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP HCM
Telephone: (84-28) 38235803 Fax: (84-28) 38235832
Email: saigon@pham.com.vn