Nhãn hiệu BIO-CERT theo đơn đăng ký quốc tế số 946362 của BRAND GMBH + CO KG (Limited Partnership), Germany, bị Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo No. 2013/17-MQD23 ngày 28/4/2014 từ chối bảo hộ ở Việt Nam với lý do:
(i) Nhãn hiệu đăng ký “BIO-CERT” gồm 02 từ tiêng Anh trong đó “BIO” có nghĩa là “về vật sống”,”về sự sống” (nhất là của con người), “biology” (sinh vật học); “CERT” có các nghĩa là “cái chắc chắn sẽ xảy ra, sẽ thành công, điều chắc chắn”.”CERT” cũng là từ viết tắt của “certificate” có nghĩa là “chứng thực, chứng nhận”. Do đó, về tổng thể, nhãn hiệu “BIO-CERT” được coi là chữ viết tắt của “bio certified” có nghĩa là “chứng nhận sinh học”. Nhãn hiệu chỉ ra rằng các sản phẩm mang nhãn hiệu được đăng ký thuộc Nhóm 9 được chứng nhận sinh học, đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về môi trường. Do đó, nhãn hiệu đăng ký là dấu hiệu mang tính mô tả các sản phẩm yêu cầu bảo hộ, không có khả năng phân biệt; và
(ii) Việc nhãn hiệu được chấp nhận bảo hộ tại một số quốc gia không phải là cơ sở để bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam.
Đại diện cho khách hàng, VP luật sư Phạm và Liên danh đã khiếu nại (lần 12) quyết định nói trên. Tuy nhiên, bằng Thông báo tiếp theo số 4273/QĐ-SHTTngày12/12/2017 Cục Sở hữu trí tuệ vẫn giữ nguyên quyết định từ chối bảo hộ nhãn hiệu.
VPLS Phạm và Liên danh tiếp tục khiếu nại (lần 2) lên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng nhãn hiệu “BIO-CERT” số ĐKQT 946362 đáp ứng khả năng bảo hộ ở Việt Nam, bởi lẽ:
(iii) “BIO-CERT” không hàm ý “chứng nhận sinh học”; tập hợp từ này không có trong từ điển tiếng Anh. Từng từ trong cum từ này là từ viết tắt có nghĩa, trong đó: “BIO” là viết tắt của “biography” (tiểu sử) hoặc “ thuộc về sự sống, sinh học”; “CERT” là viết tắt của “certificate” (chứng chỉ, giấy chứng nhận, văn bằng). Tuy nhiên, trong các từ điển và trong cuốc sống hàng ngày, tập hợp từ nói trên không được sử dụng;
(iv) Ở Việt Nam và trên thế giới không tồn tại khái niệm”chứng nhận sinh học” hay “biological certification”. Do đó không thể dẫn giải việc các sản phẩm khi mang dấu hiệu đăng ký được coi như”chứng nhận sinh học, đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về môi trưởng” như được đề cập trong Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ;
(v) Chính vì “BIO-CERT” không mang ý nghĩa mô tả sản phẩm nên nhiều nước đã chấp nhận bảo hộ như Mỹ, Canada, Australia, Cộng đồng châu Âu, Nhật Bản, Thụy sĩ, Nga, Israel...;
(vi) Sản phẩm mang nhãn hiệu “BIO-CERT” đã và đang được nhập khẩu, phân phối rộng rãi bởi Công ty Cổ phần Đô Việt;
(vii) Ngoài ra, trong quá trình giải quyết khiếu nại lần 2 tại Bộ KH&CN, nhằm xác định chính xác phạm vi yêu cầu bảo hộ của nhãn hiệu và tránh mọi khả năng xung đột tiềm ẩn, đại diện ngưới khiếu nại đề nghị ghi nhận bảo hộ tổng thể nhãn hiệu, không bảo hộ riêng “BIO” và “CERT”.
Vì những lý do nêu trên, người khiếu nại đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ thông báo từ chối và chấp nhận bảo hộ tổng thể nhãn hiệu “BIO-CERT”.
Bộ trưởng Bộ KH&CN đã xem xét thận trọng vụ việc và cho rằng lập luận của người khiếu nại là có cơ sở. Hơn nữa, nếu cho rằng cụm từ “BIO-CERT” mang hàm ý “chứng nhận sinh học” thì cũng sẽ là khiên cưỡng nếu cho rằng cụm từ này chỉ ra/mô tả tính chất, thành phẩn, công dụng, giá trị của sản phấm đăng ký thuộc Nhóm 9: “thiết bị và dụng cụ khoa học, điện, điện tử, quang học, cân, đo, báo hiệu, kiểm tra...”. để bị coi là không có khả năng phân biệt như quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ.
Ngày 16/10/2018 Bộ KH&CN đã tổ chức đối thoại với người khiếu nại (đại diện bởi VP Luật sư Phạm và Liên danh) và người bị khiếu nại (Cục Sở hữu trí tuệ) để làm rõ nội dung vụ việc. Theo kết quả đối thoại, Các bên thồng nhất giải quyết vụ việc theo hướng chấp nhận bảo hộ tổng thể nhãn hiệu “BIO-CERT”, không bảo hộ riêng “BIO” và “CERT”, cho các sản phẩm thuộc Nhóm 9.
Ngày 19/11/2018 Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ra Quyết định No.3434/QĐ-BKHCN chấp thuận khiếu nại của BRAND GMBH + CO KG, yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành các thủ tục cần thiết để bảo hộ tổng thể nhãn hiệu “BIO-CERT” theo đơn quốc tế số 946362.