1. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp
Vào ngày 22/04/2015 Công ty TNHH điều khiển tự động DENKEN Việt Nam (gọi tắt là Công ty DENKEN) và ông Nguyễn Anh Vũ đã ký Hợp đồng lao động số 04-15/HĐLĐ- DK ngày ngày 22/04/2015. Theo đó, thời hạn Hợp đồng lao động là 03 năm (từ ngày 01/05/2015 đến ngày 30/04/2018), với chức danh chuyên môn của ông Vũ là kỹ thuật viên điện, địa điểm làm việc là Công ty DENKEN (địa chỉ lô số 19, KCN Điện Nam - Điện Ngọc, phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Vào ngày 18/04/2016, để nâng cao kỹ năng chuyên môn cho người lao động, Công ty DENKEN đã cử ông Nguyễn Anh Vũ đi tu nghiệp tại Nhật Bản theo quy định công tác tu nghiệp của Công ty. Sau khi ông Nguyễn Anh Vũ được Công ty thông báo và phổ biến các quy định bắt buộc của Công ty về các chế độ và cam kết sau khi đi tu nghiệp về, thì ông Vũ và gia đình Ông Vũ đã đồng ý ký vào “Quy định đi tu nghiệp của nhân viên Denken Việt Nam tại Công ty Điện khí Công nghiệp MARUESU Nhật Bản (gọi tắt là Công ty MARUESU) và Giấy đồng ý đi tu nghiệp nước ngoài” (gọi chung là Thỏa thuận đào tạo), theo đó:
Tại Mục 4 Qui định tu nghiệp qui định: “Thời gian cam kết làm việc tại Công ty sau khi tu nghiệp là 03 (ba) năm và cam kết không được nghỉ việc vì lý do cá nhân và trong trường hợp nghỉ việc sẽ phải trả lại toàn bộ chi phí tu nghiệp”.
Thực hiện theo thỏa thuận đã được ký kết giữa hai bên, Công ty DENKEN đã đưa ông Vũ đi tu nghiệp tại Nhật Bản trong hai đợt (Đợt 1: từ ngày 26/05/2016 đến ngày 29/7/2016; Đợt 2: từ ngày 15/02/2017 đến ngày 01/05/2017) với tổng chi phí công tác tu nghiệp cả hai đợt là: 213.729.274 đồng
Sau khi được đi công tác tu nghiệp đợt 2 về (01/5/2017), Ông Vũ vẫn làm việc cho Công ty DENKEN theo đúng với chuyên môn, công việc đã ký kết trong Hợp đồng lao động 04 – 15/HĐLĐ – DK. Tuy nhiên, đến ngày 19/4/2018, ông Nguyễn Anh Vũ đã gửi đơn xin kết thúc Hợp đồng lao động số 04-15/HĐLĐ-DK đến Công ty DENKEN với lý do: “xin nghỉ việc để tiếp tục việc học tập cá nhân cũng như cần giải quyết một số công việc gia đình trong thời gian sắp tới” mặc dù vào ngày 12/04/2018, Công ty DENKEN đã đề nghị tiếp tục ký Hợp đồng lao động mới với ông Nguyễn Anh Vũ nhưng Ông Vũ đã từ chối, và cũng không đến Công ty làm việc nữa.
Tính đến ngày 30/4/2018, Ông Nguyễn Anh Vũ mới làm việc cho Công ty mới được 12 tháng sau khi đi tu nghiệp tại Nhật Bản về. Tuy nhiên, tại Mục 4 Qui định tu nghiệp qui định: “Thời gian cam kết làm việc tại Công ty DENKEN sau khi tu nghiệp về là 03 (ba) năm. Chính lý do này, đã vi phạm “Quy định đi công tác tu nghiệp” mà Ông Vũ, gia đình Ông Vũ và Công ty DENKEN đã ký kết.
Sau khi Ông Vũ nghỉ việc, Công ty DENKEN đã nhiều lần thông báo bằng văn bản, trao đổi (qua mail), và tạo nhiều điều kiện tối đa cho Ông Vũ như yêu cầu Ông Vũ quay lại Công ty để tiếp tục làm việc hoặc thống nhất thỏa thuận mức hoàn trả chi phí đào tạo trên tinh thần hợp tác và có lợi để tránh tổn thất cho Ông Vũ, tuy nhiên Ông Vũ không có thiện chí hợp tác.
Chính vì vậy, Công ty DENKEN đã ủy quyền và mời Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng (Phạm và Liên Danh Đà Nẵng) khởi kiện ra tòa án Ông Vũ đến Tòa Án để yêu cầu Tòa: Buộc ông Nguyễn Anh Vũ hoàn trả tổng chi phí đi tu nghiệp và lãi phát sinh do chậm trả trong hai đợt đi tu nghiệp tại Nhật Bản (từ ngày 01/5/2018 đến ngày 08/11//2018) theo đơn khởi kiện ngày 04/6/2018 là: 224.913.463 VNĐ (Bằng chữ: Hai trăm hai mươi bốn triệu chín trăm nười ba nghìn bốn trăm sáu mươi ba đồng).
2. Lý do Ông Nguyễn Anh Vũ không chịu thương lượng, không hoàn trả chi phí đi tu nghiệp tại Nhật Bản trong hai lần:
Tại Tòa, đại diện Ông Vũ xác nhận:
- Ông Vũ đã tự nguyện ký kết văn bản Qui chế quy định đi công tác tu nghiệp của nhân viên Denken Việt Nam để đi tu nghiệp tại Công ty điện khí công nghiệp Maruesu Nhật Bản với mục đích là xác nhận nội quy khi được đi đào tạo tại Nhật Bản;
- Đại diện gia đình Ông Vũ là Bố Ông đã đồng ý và tự nguyện xác nhận vào Giấy đồng ý cho Ông Vũ đi tu nghiệp nước ngoài;
- Thực tế Ông Vũ thừa nhận đã được Công ty cử đi đào tào công tác tu nghiệp tại công ty Maruesu ở Nhật Bản hai đợt 26/05/2016 đến ngày 29/7/2016; và 15/02/2017 đến ngày 01/5/2017 và đã nhận đầy đủ chi phí đào tạo, hỗ trợ (theo bảng kê chi phí đào tạo).
Tuy nhiên, ông Vũ lại không đồng ý hoàn trả toàn bộ chi phí đào tạo, tu nghiệp bởi các lý do:
- Lần thứ nhất, Công ty DENKEN báo cho ông Vũ đi Nhật để thi kỳ thi nghề công nhân điện tại Nhật, ông Vũ đã tự mình học lý thuyết và thực hành tại Việt Nam trước khi đi. Sau đó, công ty ra quyết định số 17/QĐ-CT ngày 18/4/2016 với nội dung: Cử ông Vũ đi tu nghiệp tại công ty Maruesu, Osaka Nhật Bản từ ngày 26/05/2016 đến ngày 29/07/2016. Khi qua nhật ông Vũ chỉ được bố trí tổng cộng 04 ngày chủ nhật cuối tuần để đi ôn tập và dự kỳ thi công nhân điện đó. Còn thời gian hằng ngày theo sự phân công của Công ty MARUESU, ông Vũ làm việc lắp đặt tủ điện, trực tiếp tạo ra sản phẩm tại Công ty MARUESU;
- Lần thứ hai, Công ty TNHH điều khiển tự động DENKEN Việt Nam cũng phái ông Vũ đi qua Công ty MARUESU với mục đích để đào tạo (từ ngày 15/02/2017 đến ngày 01/05/2017). Tuy nhiên, thực tế, khi qua Nhật Bản, phần lớn ông Vũ dành thời gian làm việc và tạo ra sản phẩm tại Công ty MARUESU chứ không phải mục đích đào tạo mà công ty Denken đã nêu ra (Ông Vũ làm việc bằng cách thực hành lắp đặt tủ điện dưới sự phân công của Công ty Maruesu). Ông Vũ cho rằng Công ty DENKEN Việt Nam đã bán sức lao động của Ông để làm lợi nhuận cho Công ty.
- Ngoài ra, Ông Vũ cho rằng: Đến ngày 30/4/3018 là ngày ngày kết thúc thời hạn Hợp đồng lao động số 04-15/HĐLĐ-DK, dó đó Ông Vũ có quyền chấm dứt Hợp đồng lao động theo Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012 và Ông Vũ đã thông báo trước cho Công ty theo đúng qui định của Pháp luật. Vì vậy, Ông Vũ không có nghĩa vụ phải hoàn trả chi phí đào tạo cho Công ty.
3. Quan điểm của Phạm và Liên Danh Đà Nẵng
Sau khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, yêu cầu khởi kiện của Công ty DENKEN đề nghị Tòa án buộc Ông Vũ hoàn trả toàn bộ chi phí trong hai đợt công tác tu nghiệp tại Nhật bản với số tiền: : 224.913.463 VNĐ (Bằng chữ: Hai trăm hai mươi bốn triệu chín trăm mười ba nghìn bốn trăm sáu mươi ba đồng), là hoàn toàn có cơ sở pháp luật vì những lý do cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Quy định đi công tác tu nghiệp của nhân viên Denken Việt Nam tại Công ty Điện khí Công nghiệp Maruesu được xem như là một Hợp đồng đào tạo qui định tại Khoản 2 Điều 62 BLLD năm 2012, đã được hai bên tự nguyện thỏa thuận giao kết và có giá trị thi hành đối với các chủ thể tham gia.
Đây là sự tự nguyện về một thỏa thuận mới (được xác lập sau Hợp đồng lao động số 04-15/HĐLĐ-DK) của hai bên, và không trái quy định của pháp luật nên có tính ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ của hai bên. Xét về bản chất, cam kết về thời gian làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo về được hiểu như một thỏa thuận về gia hạn thời gian làm việc của Hợp đồng lao động. Như vậy, khi ông Vũ vi phạm các điều khoản trong Qui định đi tu nghiệp này thì Ông Vũ phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo thỏa thuận đã cam kết mà không phụ thuộc vào việc Ông Vũ chấm dứt HĐLĐ số 04-15/HĐLĐ-DK có đúng pháp luật hay không;
Thứ hai: Ông Vũ và gia đình Ông Vũ đã 2 lần tự nguyện ký vào hai bản “Quy định đi tu nghiệp của nhân viên Denken Việt Nam tại Công ty Điện khí Công nghiệp Maruesu vào ngày 20/05/2016, và ngày 20/01/2017”, và trên thực tế Ông Vũ đã đi công tác tu nghiệp ở Nhật bản trong thời gian trên.
Thứ ba: Ông Vũ đã vi phạm cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo, qui định tại mục 4 “Quy định đi công tác tu nghiệp của nhân viên Denken Việt Nam tại Công ty Điện khí Công nghiệp Maruesu”.
Thứ tư: Tại khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động 2012 qui định: “Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài”.
Thực tế trong vụ án này, chi phí để thực hiện việc 2 lần đưa Ông Vũ đi công tác tu nghiệp tại Nhật bản là chi phí do Công ty DENKEN bỏ ra và một phần chi phí do Công ty MARUESU hỗ trợ cho Công ty DENKEN (điều này cũng đã qui định rất rõ trong Qui chế tu nghiệp). Ông Vũ đã nhận đầy đủ và đã ký xác nhận toàn bộ chi phí này, điều này được thể hiện qua Bảng kê chi tiết chi phí tu nghiệp nước ngoài.
4. Phán quyết của Tòa án
Tòa Sơ thẩm:
1. Chấp nhận cầu khởi kiện của Công ty TNHH điều khiển tự động DENKEN Việt Nam.
Xử: Buộc ông Nguyễn Anh Vũ phải hoàn trả cho Công ty TNHH điều khiển tự động DENKEN Việt Nam số tiền 224.913.463 đồng, trong đó tiền gốc là 213.729.463 đồng và tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán từ ngày 01/05/2018 đến ngày 08/11/2018, là 11.184.189 đồng.
2. Về án phí: Ông Nguyễn Anh Vũ phải chịu : 11.245.673 đồng (Mười một triệu hai trăm bốn mươi lăm ngàn sáu trăm bảy mươi ba đồng).
Tòa Phúc thẩm
Không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Anh Vũ. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 04/2018/NDST ngày 08/01/2018 của Tòa Án nhân dân dân Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.
5. Lời kết
Đây có lẽ cũng là bài học cho tất cả những người lao động vì thiếu hiểu biết pháp luật và/hoặc cố tình tìm lý do trốn tránh nghĩa vụ, không chịu giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và hòa giải, không có thiện chí hợp tác và đặc biệt không biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Luật sư tư vấn. Nếu người lao động biết lắng nghe, tiếp thu các phương án hòa giải do Phạm và Liên Danh Đà Nẵng đưa ra, người lao động đã không phải nhận một cái kết như vậy.
Luật sư NGUYỄN THỊ SÁU HẠNH
Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng
Địa chỉ: 147 Trưng Nữ Vương , TP Đà Nẵng
Tel: (0236)3572456/Ext 106; Mobile: 0905192878 - 0981 615568