Logo

Trung Quốc: SPC làm rõ các điều kiện cần thiết để chứng minh một vụ kiện vi phạm sáng chế với mục đích xấu

07/05/2024
Luật SHTT Việt Nam cũng có các quy định về lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền SHTT gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác

Trong quyết định được đưa ra vào ngày 10/8/2023 và được công bố một phần vào ngày 9/1/2024, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc  (SPC) đã làm rõ khi nào  một vụ kiện vi phạm bằng sáng chế được xác định là có dụng ý xấu. SPC cho rằng các yếu tố sau đây cần đáp ứng :

(1) Vụ kiện rõ ràng  thiếu căn cứ xác đáng hoặc cơ sở thực tế;

(2) Nguyên đơn biết rõ điều trên;

(3) Hành động đó gây tổn hại cho người khác;

(4) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành động xấu và tổn hại gây ra.

1.   Vụ việc cụ thể

Tòa sơ thẩm đã tuyên rằng: vào ngày 20/1/2016, một công ty giấu tên ở Hồ Nam (“Công ty Hồ Nam”) đã được cấp bằng sáng chế với tên gọi “Phương pháp bào chế chiết xuất Mogroside phù hợp cho sản xuất công nghiệp”. Vào ngày 9/5/2018, một công ty ở Quế Lâm (“Công ty Quế Lâm”) đã công bố Thông báo về việc được Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) chấp nhận đơn đăng ký phát hành cổ phiếu ra công chúng .

Vào ngày 13/7/2018, công ty Hồ Nam đã đệ đơn lên tòa án kiện Công ty Quế Lâm vi phạm quyền sáng chế khi sản xuất, bán và hứa bán một loạt sản phẩm chứa momordica glycoside (Mogroside V - Vụ kiện số 3843).

Trong vụ việc này, công ty Hồ Nam cho rằng công ty Quế Lâm đã trắng trợn sản xuất, bán và hứa bán hàng loạt sản phẩm chất tạo ngọt Mogroside (Mogroside V) với số lượng lớn mà không được cấp licence và các chỉ số về cảm quan, chỉ tiêu lý hóa, hàm lượng kim loại nặng, và kiểm soát vi sinh vật ... trong báo cáo kiểm tra sản phẩm rất trùng lặp với các sản phẩm được chế biến theo quy trình đã được cấp bằng sáng chế của công ty Hồ Nam, như vậy là vi phạm quyền sáng chế của công ty Hồ Nam và nguyên đơn yêu cầu Công ty Quế Lâm chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Vào tháng 8/2018, CSRC đã nhận được thông báo từ công ty Hồ Nam về vụ kiện vi phạm bằng sáng chế do công ty Hồ Nam đệ trình và trình tự hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế được thực hiện bởi công ty Quế Lâm. Ngày 20/5/2019, sau khi biết tòa bác đơn yêu cầu điều tra, thu thập chứng cứ, công ty Hồ Nam đã rút đơn khởi kiện và tòa đã chấp nhận việc rút đơn.

2.  Ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao (SPC).

Liên quan đến quá trình khởi kiện và rút đơn trong vụ kiện số 3843, Công ty Quế Lâm đã khởi kiện Công ty Hồ Nam về dụng ý xấu khi khởi kiện xâm phạm  sáng chế trong vụ kiện số 3843, sau khi có bản án sơ thẩm bác đơn khởi kiện  (Tòa án nhân dân cấp trung thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam ban hành vào ngày 29/12/2020 - tranh chấp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cố tình nộp đơn kiện tụng SHTT), Công ty này đã kháng cáo với nội dung sau :

(i) Công ty Hồ Nam đã vội vã đệ đơn kiện xâm phạm sáng chế nhằm cản trở tiến trình thuận lợi trong việc phân chia cổ phần phổ thông của công ty  Quế Lâm;

 (ii) Trong quá trình thu thập chứng cứ, đơn khởi kiện bị rút trước khi xét xử mà không có lý do;

(iii)  Vụ án  số 3843 được Công ty Hồ Nam  báo cáo lên Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc làm  ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp và hoạt động bình thường của công ty Quế Lâm; tòa cấp sơ thẩm sai sót khi xác định rằng không có mối quan hệ nhân quả giữa hành động kiện tụng của một công ty và thiệt hại kinh tế nó đã gây ra cho công ty Quế Lâm…

(4)  Tòa án cấp sơ thẩm không xác định được tình tiết quan trọng của vụ án, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến việc xét xử đúng đắn của vụ án.

Trong bản án Tòa án Tối cao giải thích cụ thể như sau :

(i)Thứ nhất, rất khó để xác định rõ ràng liệu đơn kiện của công ty Hồ Nam là thiếu cơ sở về quyền hoặc cơ sở thực tế. Công ty Hồ Nam đã đưa ra nhận định  về việc vi phạm bằng sáng chế  và với tư cách là chủ bằng sáng chế được đề cập, họ có quyền đệ đơn kiện Công ty Quế Lâm  khi nhận thấy có khả năng vi phạm sáng chế. Vụ kiện số 3843 do công ty khởi kiện có tình tiết sơ bộ và cơ sở pháp lý, khởi kiện hợp lý, không phải là vụ kiện mù quáng, không có căn cứ pháp lý, thực tế:

(ii) Thứ hai, khó có thể kết luận rằng công ty Hồ Nam đã đệ đơn kiện số 3843 với mục đích xấu rõ ràng. Hai bên trong vụ án này đã có tranh chấp theo trình tự hành chính về bằng sáng chế trước khi có vụ án số 3843. Với việc Công ty Quế Lâm đã hai lần nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực lên Cơ quan Sở hữu trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (CNIPA) đối với bằng sáng chế của công ty Hồ Nam. Công ty Hồ Nam đã đệ đơn kiện và các báo cáo liên quan trước khi công ty Quế Lâm lên sàn chứng khoán. Khó có thể phủ nhận hành vi này là hành vi nhằm bảo vệ quyền lợi của mình và có mức độ hợp lý nhất định.

(iii) Thứ ba, Báo cáo của công ty Hồ Nam gửi Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc không bịa đặt hoặc tạo ra sự việc và không vi phạm các quy định pháp luật. Việc công ty Quế Lâm không kịp thời công bố các thông tin liên quan đến vụ kiện một phần là do khi công ty Hồ Nam báo cáo lên, công ty Quế Lâm trên thực tế chưa nhận được đơn khởi kiện  và các tài liệu khác cho về vụ kiện  3843;

(iv)Thứ tư, Công ty Hồ Nam đã  rút đơn kiện lên tòa án cấp sơ thẩm vào ngày 20/5/2019. Đây là sự tự hạn chế quyền khởi kiện của chính họ, khó có thể coi là không phù hợp. Việc công ty Hồ Nam báo cáo với Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, hành vi khởi kiện rồi rút đơn kiện không thể dùng để kết luận rằng việc khởi kiện không phải để bảo vệ quyền lợi của chính mình mà là xâm phạm quyền lợi của người khác. Tóm lại, chưa đủ cơ sở để kết luận rằng vụ kiện của công ty Hồ Nam trong vụ án số 3843 là  có dụng ý xấu.

Vì vậy, kháng cáo [của Công ty Quế Lâm]  bị bác bỏ và Tòa án Tối cao giữ nguyên bản án sơ thẩm.

3.  Bình luận.

Quy định nêu trên của SPC Trung Quốc dựa trên những điều khoản cụ thể về chống lạm dụng quyền SHTT trong luật SHTT của Trung Quốc.

Về vấn đề này, Luật SHTT của Việt Nam (tại Điều 198.5 Luật SHTT 2005, sửa đổi năm 2019, quy định như sau:

5. Tổ chức, cá nhân lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên lạm dụng thủ tục đó phải bồi thường cho những thiệt hại do việc lạm dụng gây ra, trong đó bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư. Hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm hành vi cố ý vượt quá phạm vi hoặc mục tiêu của thủ tục này.

Tuy nhiên vẫn chưa rõ các điều kiện mà SPC  Trung Quốc đưa ra có chống lại hiệu quả hiện tượng Troll đối với sáng chế[1] hay không?./.

Nguồn :

https://www.natlawreview.com/article/chinas-supreme-peoples-court-clarifies-conditions-needed-prove-patent-infringement; https://www.chinaiplawupdate.com/2024/01/chinas-supreme-peoples-court-clarifies-conditions-needed-to-prove-patent-infringement-lawsuit-filed-in-bad-faith/; https://ipc.court.gov.cn/zh-cn/news/view-2713.html

 

Các bài viết khác