Logo

Yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu “MUMMUM ” bị từ chối

21/06/2022
Căn cứ: Điều 74.2 (e); Điều 96.1 (b) Luật SHTT; điểm 39.9(b) Thông tư số 01/2007/BKHCN.

I Lan Foods IND, Co. Ltd (“I.L.F") - chủ sở hữu Giấy Chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu (“VN Reg.”) số 228927 “Mum-Mum”, cấp ngày 26/8/2011,  đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm “Bánh quy ròn được chế biến từ gạo; cà phê; đồ uống được chế biến từ cà phê có chứa sữa (cà phê là thành phần chủ yếu); +...” thuộc Nhóm 30 - đã nộp đơn tới Cục SHTT đề nghị huỷ bỏ hiệu lực VN Reg. 228927 “MUMMUM”, cấp ngày 27/8/2014 cho Công ty Châu Á (“C.T.A”), bảo hộ cho các sản phẩm “Sữa, các sản phẩm sữa” thuộc Nhóm 29 và “Mì; bún; miến; phở; cháo” thuộc Nhóm 30 với lý do nhãn hiệu bị phản đối không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng vì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng có trước “Mum-Mum”, đó là (i) “sữa; các sản phẩm sữa” thuộc Nhóm 29 mang nhãn hiệu “MUMMUM” là một trong những thành phần tạo nên các sản phẩm “...;đồ uống được chế biến từ cà phê có chứa sữa;..thuộc Nhóm 30 mang nhãn hiệu “Mum-Mum”, và (ii) các sản phẩm “Mì; bún; miến; phở; cháo” thuộc Nhóm 30 mang nhãn hiệu “MUMMUM” và các sản phẩm “Bánh quy ròn được chế biến từ gạo; +...” thuộc Nhóm 30 mang nhãn hiệu “Mum-Mum” đều là các loại thực phẩm ăn liền làm từ gạo/ngũ cốc; chúng có cùng thành phẩn, mục đích sử dụng, kênh thương mại và đối tượng khách hàng.

Bị đơn phản đối yêu cầu của nguyên đơn, phản biện như sau: 

(a) C.T.A là chủ sở hữu quyền có trước đối với yếu tố chữ “MUMMUM” cho các sản phẩm thuộc Nhóm 29 và 30 nói trên, đã được cấp VN Reg. số 52214 “Mum Mum“ ở dạng chữ cách điệu ngày 28/01/2004, có hiệu lực đến ngày 15/11/2012 cho các sản phẩm “sữa; các sản phẩm sữa” thuộc Nhóm 29 và “Mì ăn liền” thuộc Nhóm 30. Sau đó, C.T.A đã đăng ký thêm, và được cấp VN Reg.228927 “MUMMUM” ngày 28/7/2014;

(b) Nhãn hiệu “Mum-Mum” của I.L.F, có số đơn là 4-2009-24236, nộp ngày 09/11/2009, được cấp VN Reg. số 228927 ngày 26/8/2011 bảo hộ cho các sản phẩm thuộc Nhóm 30. Thực tế là, khi đơn của I.L.F được thẩm định nội dung, Cục SHTT đã ra thông báo từ chối một phẩn danh mục sản phẩm, cụ thể là loại bỏ các sản phẩm “mì ăn liền, gạo, bột ngũ cốc và chế phẩm làm từ bột ngũ cốc” để không gây tương tự gây nhẫm lẫn với danh mục sản phẩm của nhãn hiệu có trước VN Reg.52214 “Mum-Mum” ở dạng chữ cách điệu của C.T.A  và I.L.F đã chấp nhận điều này. Điều đó có nghĩa là Cục SHTT đã xác định rằng, danh mục sản phẩm còn lại sau khi thu hẹp của đơn đăng ký của I.L.F là “Bánh quy ròn được chế biến từ gạo; cà phê; đồ uống được chế biến từ cà phê có chứa sữa (cà phê là thành phần chủ yếu); +...” của nhãn hiệu “Mum-Mum” là khác biệt với các sản phẩm “Sữa; các sản phẩm từ sữa” thuộc Nhóm 29 và “mì ăn liền” thuộc Nhóm 30 của nhãn hiệu có trước “Mum-Mum” ở dạng chữ cách điệu của C.T.A;

(c) từ a) và b) cho thấy việc yêu cầu hủy bỏ hiệu lực VN Reg. 228927 “MUMMUM” là không có cơ sở, nhằm gây rối và cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của C.T.A.

Sau khi xem xét các tài liệu do các Bên cung cấp, Cục SHTT cho rằng phản biện của C.T.A là có cơ sở; yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu của I.L.F là không có cơ sở. Cục SHTT còn làm rõ thêm ràng, theo quy định tại điểm 39.9.b của Thông tư số 01/2007/BKHCN về đánh giá sự tương tự của hàng hóa/dịch vụ thì “Sữa, các sản phẩm sữa” thuộc Nhóm 29 và “Mì; bún; miến; phở; cháo” thuộc Nhóm 30 được coi là không tương tự với  “Bánh quy ròn được chế biến từ gạo; cà phê; đồ uống được chế biến từ cà phê có chứa sữa (cà phê là thành phần chủ yếu); +...” thuộc Nhóm 30 bởi chúng khác nhau về chức năng, mục đích sử dụng.

Từ những điểm nói trên, Cục SHTT đã ra quyết định từ chối yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của VN Reg. 228927 “MUMMUM”./.

Các bài viết khác