Logo

Việt Nam tham gia Hiệp ước WTC - Bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số

24/02/2022
Ngày 17/02/2022, Hiệp ước WCT chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.

Quyền tác giả và các quyền liên quan là một bộ phận quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), không chỉ góp phần quan trọng để phát triển và hội nhập quốc tế về kinh tế - xã hội mà còn là  điều kiện cần thiết để hội nhập quốc tế về văn hóa.

Với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, việc sáng tạo, lưu trữ và truyền bá tác phẩm dưới hình thức số hóa dần trở nên phổ biến. Do vậy, phải có các quy định để bảo hộ và phòng chống vi phạm quyền tác giả trên môi trường số, không chỉ trong phạm vi một quốc gia mà cả trên phạm vi quốc tế.

Ngày 17/11/2021, Việt Nam đã chính thức nộp văn kiện gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WIPO Copyright Treaty - WCT) tới Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO).

Ngày 17/02/2022, Hiệp ước WCT chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.

I. Hiệp ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan Việt Nam đã tham gia.

Tới nay (2022),  Việt Nam đã tham gia 05 Hiệp ước/Công ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, đó là:

(1) Hiệp ước WCT nói trên

(2) Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật;

(3) Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và các tổ chức phát sóng:

(4) Công ước Geneve về bảo hộ các nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép trái phép bản ghi âm của họ;

(5) Công ước Brussel liên quan đến việc phân phối các tín hiệu mang chương trình được truyền qua vệ tinh.

Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia vào một số Hiệp định thương mại quốc tế (FTA), trong đó có quy định nghĩa vụ bảo vệ các quyền SHTT của các quốc gia thành viên, cụ thể là:

- Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT ( Hiệp định TRIPs);

- Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP);

- Hiệp định Thương mại tự do với EU (Hiệp định EVFTA);

- Hiệp định Thương mại với Hàn Quốc (Hiệp định VKFTA);

- Hiệp định Thương mại với khu vực Tây Bắc Á (Hiệp định VNEAEUFTA).

Theo đó, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam được hưởng sự bảo hộ tại các quốc gia thành viên của các Điều ước quốc tế nêu trên và ngược lại, Việt Nam có nghĩa vụ bảo hộ quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan của các quốc gia này.

II. Hiệp ước WCT

Hiệp ước WCT được ký kết tại Geneva, Thụy Sỹ ngày 20/12/1996. Hiệp ước WCT do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý, đề cập đến việc bảo hộ quyền tác giả của các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học trên môi trường số. Có thề coi Hiệp ước WTC là một thỏa thuận đặc biệt của Công ước Berne, góp phần giải quyết những thách thức đặt ra bởi công nghệ kỹ thuật số,đặc biệt là Internet, đối với yêu cầu bảo hộ các tác phẩm được sáng tạo, lữu trữ, phổ biến và sử dụng trên mạng internet.

Hiệp ước WCT gồm 25 điều. Điểm nổi bật so với Công ước Berne là nó đã ghi nhận thêm hai đối tượng bảo hộ của quyền tác giả là chương trình máy tính và sưu tập dữ liệu. Hiệp ước cũng có những điều khoản cơ bản cho việc bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số.

Hiệp ước WCT buộc các quốc gia ký kết phải tuân thủ từ Điều 1 đến Điều 21 và phần Phụ lục của Công ước Berne. Về cơ bản, WTC không có nhiều khác biệt so với Công ước Berne, bao gồm các quyền sao chép, quyền phân phối, quyền cho thuê, quyền truyền đạt tới công chúng và quyền nhân thân. Nhưng Hiệp ước WTC đặc biệt nhấn mạnh đến việc áp dụng các quy định về quyền tác giả trong môi trường số cũng như quy định việc áp dụng các biện pháp công nghệ và thông tin quản lý quyền, cụ thể như sau:

Về các quyền được bảo hộ

- Quyền sao chép (Điều 1 khoản 4 Hiệp ước WCT): Các quốc gia thành viên phải tuân thủ các Điều 1 tới Điều 21 và Bản Phụ lục của Công ước Berne. Theo đó, quy định tại Điều 9 của Công ước Berne về quyền sao chép phải được áp dụng trong môi trường số.

- Quyền phân phối (Điều 6 Hiệp ước WCT): Các quốc gia thành viên phải quy định tác giả có quyền cho phép cung cấp tới công chúng bản gốc và các bản sao tác phẩm thông qua việc bán hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu.

- Quyền cho thuê (Điều 7 Hiệp ước WCT): Các quốc gia thành viên phải quy định tác giả có quyền cho thuê đối với chương trình máy tính, tác phẩm   điện ảnh.

- Quyền truyền đạt tới công chúng (Điều 8 Hiệp ước WCT): Các quốc gia thành viên phải quy định tác giả có quyền truyền đạt tới công chúng tác phẩm của họ bằng phương tiện vô tuyến hay hữu tuyến, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm của họ tới công chúng theo cách thức mà công chúng có thể tiếp cận các tác phẩm đó tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.

- Giới hạn và ngoại lệ quyền (Điều 10 Hiệp ước WCT): Các quốc gia thành viên có thể quy định trong pháp luật nước mình những giới hạn và ngoại lệ đối với các quyền dành cho tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật theo Hiệp ước này trong những trường hợp đặc biệt cụ thể, miễn là không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không làm phương hại một cách bất hợp lý đến  lợi ích hợp pháp của tác giả.

Về bảo hộ các biện pháp công nghệ và thông tin quản lý quyền

- Các nghĩa vụ về biện pháp công nghệ (Điều 11 Hiệp ước WCT): Các quốc gia thành viên phải quy định sự bảo hộ pháp lý tương xứng và các biện pháp thực thi pháp lý hiệu quả đối với việc vô hiệu hoá các biện pháp công nghệ được tác giả sử dụng trong việc thực thi các quyền của mình theo Hiệp ước này hoặc Công ước Berne và ngăn chặn các hành vi mà không được tác giả cho phép hoặc bị pháp luật cấm đối với tác phẩm.

- Các nghĩa vụ về thông tin quản lý quyền (Điều 12 Hiệp ước WCT): Các quốc gia thành viên phải áp dụng các biện pháp thực thi pháp lý tương xứng và hiệu quả đối với bất kỳ người nào cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, khi biết, hoặc dựa trên các biện pháp dân sự được xác định là có cơ sở để biết rằng hành vi đó có khả năng tạo điều kiện hoặc che giấu sự vi phạm bất kỳ quyền nào được quy định trong Hiệp ước này hoặc Công ước Berne: dỡ bỏ hoặc thay đổi bất kỳ thông tin quản lý quyền điện tử nào mà không được sự cho phép của tác giả; phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng hoặc truyền đạt tới công chúng mà không được sự cho phép của tác giả, các tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm khi biết rằng thông tin quản lý quyền điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi một cách trái phép.

III. Nghĩa vụ và lợi ích khi tham gia Hiệp định WTC

Internet là môi trường không biên giới, bởi vậy đã là thành viên của nền kinh tế toàn cầu, mọi quốc gia đều có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số.

Về nghĩa vụ, Việt Nam cam kết bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học trong môi trường số có xuất xứ từ các nước thành viên tại lãnh thổ Việt Nam với mức độ tương đương mà pháp luật Việt Nam dành cho công dân Việt Nam.

Về lợi ích, việc tham gia Hiệp ước WCT sẽ giúp Việt Nam:  

-  khuyến khích các hoạt động sáng tạo và phổ biến tác phẩm trong môi trường số, bảo vệ quyền và lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi quốc tế;

- tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực quyền tác giả, nâng cao uy tín, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế; và

- có cơ hội được nhận các trợ giúp kỹ thuật nhiều hơn từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WIPO./.

 

Các bài viết khác