Logo

Trung Quốc chuẩn bị sửa đổi luật Nhãn hiệu

13/03/2023
CNIPA đã công bố Dự thảo sửa đổi Luật Nhãn hiệu để lấy ý kiến công chúng

Ngày 13/1/2023, Cơ quan Quản lý Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (CNIPA) đã ban hành dự thảo sửa đổi Luật Nhãn hiệu (Dự thảo). Dự thảo được công khai để lấy ý kiến ​​công chúng cho đến ngày 27/2/2023. Như vậy  Luật nhãn hiệu của Trung Quốc đang đối mặt với lần sửa đổi thứ năm kể từ khi được ban hành vào năm 1983. Trong Dự thảo, Luật Nhãn hiệu đã được mở rộng thành 10 Chương và 110 điều, với 23 điều mới được đưa vào, 6 điều mới được tách ra từ các điều hiện có, 45 điều có sửa đổi lớn về nội dung, chỉ 27 điều được giữ nguyên.

Giải thích về sự cần thiết của Dự thảo, CNIPA cho rằng vấn đề đăng ký nhãn hiệu không trung thực là nội dung được quan tâm nhất trong Dự thảo. Sửa đổi lần này sẽ tăng cường trấn áp đối với các hành vi chiếm đoạt nhãn hiệu, xâm phạm quyền ưu tiên của người khác, làm tổn hại đến các giá trị cốt lõi của xã hội, nhằm đạt được sự cân bằng giữa quyền của người nộp đơn, quyền và lợi ích của người khác và của xã hội. Để làm việc đó một cách hiệu quả cần có chế tài mạnh mẽ như tăng số tiền phạt, thiết lập hệ thống chuyển nhượng bắt buộc, làm rõ trách nhiệm bồi thường dân sự, thiết lập hệ thống tranh tụng về sở hữu trí tuệ (SHTT) vì lợi ích công cộng và thiết lập các quy tắc ứng xử nghiêm ngặt đối với các đơn đăng ký nhãn hiệu để hướng dẫn các bên tham gia thị trường một cách “có đạo đức”. Từ đó, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được cải thiện, hiệu quả giải quyết tranh chấp nhãn hiệu được nâng cao và kẻ chiếm đoạt phải trả giá đắt hơn.

2. Các nội dung sửa đổi chính

2.1 Xử lý các trường hợp nộp đơn đăng ký nhãn hiệu không trung thực

- Điều 22 làm rõ các trường hợp cụ thể cấu thành đơn đăng ký nhãn hiệu được thực hiện một cách không trung thực, bao gồm:

  • Đăng ký một số lượng lớn nhãn hiệu mà không có ý định sử dụng;

  • Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu bằng cách lừa dối hoặc các hình thức không phù hợp khác;

  • Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu gây phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc có tác động bất lợi nghiêm trọng khác;

  • Cố ý làm tổn hại đến quyền hoặc lợi ích hợp pháp của người khác hoặc thu lợi bất hợp pháp vi phạm luật nhãn hiệu; và

  • Các hành vi thiếu trung thực khác khi đăng ký nhãn hiệu.

- Bắt buộc chuyển nhượng

Việc thiết lập một cơ chế chuyển giao bắt buộc cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu yêu cầu chuyển giao các đăng ký có hành vi không trung thực  cho họ trong thủ tục hủy bỏ hiệu lực đã được đề xuất (Điều 45). Thông thường, chủ sở hữu nhãn hiệu buộc phải nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu của mình nhiều lần trong khi chờ kết quả của các hành động chống lại việc đăng ký không trung thực và các quyền trước đó. Việc cho phép chuyển nhượng sẽ mang lại cho chủ sở hữu nhãn  hiệu sự chắc chắn trong việc đăng ký nhãn hiệu và tiết kiệm đáng kể thời gian cũng như nguồn lực.

-Trừng phạt

Dự thảo làm rõ thêm về việc người nộp đơn phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi xâm phạm sau khi đơn đăng ký không trung thực bị tuyên bố không hợp lệ (Điều 48); tăng mức phạt đối với hành vi đăng ký nhãn hiệu không trung thực lên tối đa 250.000 RMB (Điều 67); và quy định phải bồi thường thiệt hại do áp dụng sai luật trong tố tụng dân sự và có thể phát sinh trách nhiệm hình sự trong trường hợp lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng bị xâm hại (Điều 83).

2.2 Tăng cường yêu cầu sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ

Cơ quan đăng ký nhãn hiệu thương mại của Trung Quốc thường xuyên quá tải với hàng loạt đơn đăng ký trung thực và đăng ký phòng vệ của các chủ sở hữu nhãn hiệu .

Để giảm tải tình trạng trên, một yêu cầu mới theo đó người nộp đơn phải 'sử dụng hoặc cam kết sử dụng' được thêm vào quy trình đăng ký (Điều 5). Hơn nữa, dự thảo giới thiệu một hệ thống (theo mẫu của Hoa Kỳ) yêu cầu người đăng ký nộp báo cáo sử dụng 5 năm một lần sau khi đăng ký (Điều 61).

2.3. Hạn chế đăng ký nhãn hiệu trùng lặp

Thực tế cho thấy, có những người liên tục nộp đơn đăng ký cùng một nhãn hiệu cho cùng một loại hàng hóa vì những lý do khác nhau, trong đó, một số là hợp pháp một số là có mục đích xấu. Các sửa đổi được đề xuất nghiêm cấm các đơn trùng lặp như vậy (Điều 14), và cũng quy định rằng đơn đăng ký nhãn hiệu không được giống với nhãn hiệu đã có trước cho cùng một hàng hóa được người nộp đơn đăng ký,  hoặc đăng ký nhãn hiệu đã bị hủy bỏ hoặc vô hiệu trong vòng một năm kể từ ngày nộp đơn (Điều 21).

Các điều khoản mới này nhằm mục đích giảm số lượng đơn đăng ký không trung thực hoặc đăng ký phòng vệ và ngăn chặn việc nộp lại ngay lập tức các đơn đăng ký không trung thực sau khi chúng đã bị hủy bỏ hiệu lực.

Cũng có một số ngoại lệ được quy định theo Dự thảo, theo đó đăng ký lặp lại sẽ được phép nếu người nộp đơn đồng ý thu hồi nhãn hiệu trước đó hoặc nếu:

(i) do nhu cầu sản xuất, kinh doanh có thay đổi nhỏ đối với nhãn hiệu đang sử dụng trước đó và giải thích được sự khác biệt đó;

(ii) dấu hiệu cũ không được gia hạn vì lý do không thuộc về người nộp đơn;

(iii) nhãn hiệu có trước bị hủy bỏ do không nộp tuyên bố sử dụng nhưng nhãn hiệu có trước đã được sử dụng;

(iv) nhãn hiệu trước đó bị hủy bỏ vì lý do không thuộc về người nộp đơn, không có bằng chứng sử dụng hợp lệ nào được nộp để bảo vệ việc hủy bỏ [vì] không sử dụng nhưng nhãn hiệu đã được sử dụng;

(v) Nhãn hiệu có trước đã bị vô hiệu trên cơ sở quyền có trước của người khác nhưng quyền có trước đó không còn tồn tại;

(vi) có bất kỳ lý do chính đáng nào khác.

2.4. Mở rộng phạm vi bảo hộ Nhãn hiệu nổi tiếng

Khi xác định liệu một nhãn hiệu có nổi tiếng hay không?, hai yếu tố mới có thể được xem xét là: “tình trạng đơn đăng ký và đăng ký nhãn hiệu trong và ngoài nước” và “giá trị của nhãn hiệu” (Điều 10). Khái niệm “lu mờ” (“dilution”) đối với nhãn hiệu nổi tiếng được đề xuất đưa vào luật để trao quyền bảo hộ rộng rãi hơn cho các nhãn hiệu nổi tiếng. Việc sử dụng và đăng ký nhãn hiệu sẽ bị cấm nếu nhãn hiệu đó là sự sao chép, bắt chước hoặc dịch thuật của một nhãn hiệu nổi tiếng đã rất quen thuộc với công chúng, và rằng đã đủ xác lập một mối liên hệ với nhãn hiệu nổi tiếng đó trong tâm trí của công chúng liên quan, từ đó làm giảm tính phân biệt hoặc lợi dụng danh tiếng của nhãn hiệu nổi tiếng một cách không phù hợp (Điều 18).

2.5 . Bổ sung lý do đình chỉ hiệu lực nhãn hiệu

Người ta thường biết rằng nhãn hiệu đã đăng ký hiện có thể bị đình chỉ bởi bất kỳ bên thứ ba nào dựa trên lý do không sử dụng. Trong Dự thảo, quyết định đình chỉ có thể được yêu cầu trên cơ sở khác (Điều 49) nếu việc sử dụng sẽ gây hiểu lầm cho công chúng về các đặc tính của sản phẩm như chất lượng hoặc nơi xuất xứ hoặc sẽ gây tổn hại đến lợi ích công cộng hoặc bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực đáng kể nào, thì CNIPA có thể đưa ra quyết định mặc nhiên đình chỉ nhãn hiệu đã đăng ký.

2.6. Cấm lạm dụng quyền

Ngoài lợi ích nhà nước và lợi ích công cộng, Dự thảo quy định cụ thể các quyền hợp pháp thuộc sở hữu của người khác sẽ không bị xâm hại bởi bất kỳ hành vi lạm dụng quyền đối với nhãn hiệu (Điều 9), hoặc các bên liên quan có thể yêu cầu CNIPA hủy bỏ nhãn hiệu liên quan (Điều 49).

Theo Luật Nhãn hiệu hiện hành, chủ sở hữu nhãn hiệu không thể ngăn cản việc sử dụng nhãn hiệu của người khác khi người khác đã sử dụng nhãn hiệu trùng/tương tự trên hàng hóa giống/tương tự và đã có ảnh hưởng nhất định trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.

Ngoài các nội dung trên, để làm rõ ranh giới thực hiện quyền đối với nhãn hiệu, Dự thảo làm rõ thêm các trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu không có quyền ngăn cản việc sử dụng của người khác đã được coi là thông lệ trong thương mại (Điều 62), cụ thể là:

(i) khi việc sử dụng tên, chức danh hoặc địa chỉ của chính mình là có thiện chí;

(ii) khi việc sử dụng nhằm mô tả loại, bản chất, chất lượng, chức năng, cách sử dụng, trọng lượng, số lượng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc điểm khác của hàng hóa hoặc khi tên địa điểm, tên chung của hàng hóa, đồ họa, mô hình, thuật ngữ kỹ thuật hoặc dấu hiệu mô tả khác được sử dụng và chứa trong nhãn hiệu đã đăng ký; và

(iii) Khi việc sử dụng chỉ nhằm mục đích nêu chức năng, đối tượng áp dụng hoặc ngữ cảnh của sản phẩm, trừ trường hợp việc sử dụng đó sẽ khiến công chúng hiểu sai.

2.7 Thương mại điện tử và truyền thông xã hội ở Trung Quốc

Liên quan đến thương mại điện tử, internet và bằng chứng sử dụng trực tuyến, các đề xuất cập nhật và điều chỉnh luật nhãn hiệu phù hợp với thực tế sử dụng và xử lý vi phạm trực tuyến là rất tích cực. Có vẻ như các trường hợp vi phạm nhãn hiệu thương mại trực tuyến sẽ có cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn nhiều để chứng minh hành vi vi phạm đã xảy ra so với trước đây.

3. Nhận xét

Trong lần sửa đổi thứ 5 này, có vẻ như Trung Quốc quyết tâm thực hiện một số thay đổi quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề luôn được tranh luận:  đặc biệt là việc tái diễn đăng ký nhãn hiệu không trung thực bất chấp những nỗ lực đã thực hiện trong các lần sửa đổi trước đó khiến tình trạng tích lũy nhãn hiệu đã đăng ký trầm trọng hơn,  gây cản trở các chủ thể có nhu cầu kinh doanh bình thường và phá vỡ trật tự thị trường; thủ tục lặp đi lặp lại không hiệu quả dẫn đến những thách thức thực sự trong quá trình bảo hộ nhãn hiệu; và sự lạm dụng quyền dẫn đến gia tăng các vụ kiện không thiện chí. Trong khi đó mục đích xây dựng luật đã quy định pháp luật phải phục vụ cho sự phát triển “chất lượng cao” của nền kinh tế - xã hội (Điều 1).

Nhìn chung, những thay đổi được đề xuất nói trên sẽ tác động tích cực đến tính toàn vẹn của hệ thống đăng ký nhãn hiệu, giảm gánh nặng hành chính cho CNIPA, đồng thời sẽ tiết kiệm thời gian, công sức và nguồn lực của chủ sở hữu nhãn hiệu. Chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ phải điều chỉnh chiến lược quản lý danh mục đầu tư và hồ sơ nhãn hiệu của họ, đặc biệt là trong việc duy trì cơ sở dữ liệu bằng chứng để chứng minh việc sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký của họ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Dự thảo còn một chặng đường dài phải đi trước khi trở thành luật. Theo thủ tục lập pháp, Dự thảo luật sửa đổi do CNIPA đề xuất, sau khi trưng cầu ý kiến công chúng, phải đệ trình lên Bộ Tư pháp để xem xét, tiếp đó đệ trình lên Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Đại hội) để thảo luận và thông qua trước khi có thể trở thành luật. Nếu năm 2023 có thể đưa Dự thảo vào kế hoạch lập pháp 5 năm của Đại hội thì cũng phải cần từ ​​3 đến 5 năm để hoàn tất quy trình này./.

Nguồn:
https://www.chinaiplawupdate.com/2023/01/chinas-national-intellectual-property-administration-issues-draft-amendment-to-the-trademark-law-for-comment-to-reduce-malicious-trademark-registration/
(++)

 

Các bài viết khác