Logo

Hội thảo về Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

08/02/2022
Hội thảo do Ủy ban Pháp luật Quốc hội (PLQH) tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Ngày 21.01.2022, Ủy ban Pháp luật Quốc hội (PLQH) đã tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật sở hữu trí tuệ (Dự thảo Luật) nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi, thu thập ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia KH-CN về các vấn đề còn nhiều ý kiến trong Dự thảo Luật. Ông Hoàng Thanh Tùng, UVTW Đảng Chủ nhiệm Ủy ban PLQH, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ và bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó chủ nhiệm Ủy ban PLQH chủ trì, điều hành Hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó chủ nhiệm Ủy ban PLQH đã trình bày Báo cáo khái quát nội dung chính tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sao khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội trong kỳ họp vừa qua.

Hội thảo đã nghe 05 bình luận chuyên sâu và đề xuất phương án chỉnh lý của các chuyên gia về các vấn đề  trong Dự thảo Luật:

- Quy định của Dự thảo Luật về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; giới hạn quyền tác giả;

- Về tác phẩm phái sinh và mối quan hệ giữa quyền làm tác phẩm phái sinh và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; cạn quyền và nhập khẩu song song trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan;

- Quy định của Dự thảo Luật về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, cơ chế phân chia lợi ích;

- Phương án chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý;

- Phương án chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về nhóm quy định về giống cây trồng.

Dự thảo Luật lần này đã bỏ phương án hạn chế thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hành chính (dự kiến áp dụng đối với xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội), giữ lại nội dung thực thi quyền SHTT như Luật SHTT hiện hành.

Tuy nhiên, các tham luận và các đại biểu vẫn  có nhiều ý kiến nhận xét về bất cập tại các quy định liên quan đến trường hợp ngoại lệ  không xâm phạm đối với quyền tác giả, khái niệm về kiểu dáng công nghiệp khi so sánh với quy định của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)  cũng như cũng như yêu cầu đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, khái niệm về tính mới đối với sáng chế, sự cần thiết phải bổ sung quy định về nhãn hiệu nổi tiếng, quy định về xung đột quyền SHCN giữa các đối tượng, trình tự phản đối trong thủ tục đăng ký quyền SHCN…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban PLQH Hoàng Thanh Tùng cám ơn các đại biểu và đại diện đã đóng góp rất nhiều ý kiến có giá trị và cho rằng các vấn đề nêu trong Dự thảo Luật là khó, phức tạp và cần phải tìm được điểm cân bằng, đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên; đối với những vấn đề quá mới và chưa được kiểm nghiệm trong thực tế thì có thể giao cho Chính phủ hướng dẫn, quy định tại các văn bản dưới luật để có điểu kiện tiếp tục hoàn thiện. Ông cũng và đề nghị các Cơ quan soạn thảo của các Bộ phối hợp với Vụ pháp luật của Ủy ban PLQH làm việc thêm với các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu các ý kiến đóng  góp, nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật để có thể trình  Quốc hội xem xét, thông qua  trong kỳ họp tháng 5 năm 2022./.

Các bài viết khác