Logo

EU dự kiến khởi kiện lên WTO về quyết định dán nhãn Champagne của Nga

23/07/2021
LB Nga quy định rằng chỉ rượu sâm banh của Nga mới có thể sử dụng từ "Champagne" và rượu sâm banh của Pháp phải gắn nhãn lại là "rượu vang sủi bọt" (“sparkling wine”).

Tổng thống Nga Putin vừa ký đạo luật quy định rằng chỉ rượu sâm banh (“champagne”) của Nga mới có thể sử dụng từ "Champagne" và rượu sâm banh của Pháp phải gắn nhãn lại là "rượu vang sủi bọt" (“sparkling wine”). Không có gì ngạc nhiên khi các nhà sản xuất người Pháp từ vùng Champagne khó chịu về việc  này.

Ủy ban Châu Âu (EU) đã và đang thu thập ý kiến và phản hồi từ ngành công nghiệp rượu vang sau quyết định đó của Nga về việc cấp phép dán nhãn 'Champagne' chỉ dành cho rượu vang sủi bọt do Nga sản xuất. Chắc sẽ sớm có phản hồi - và tranh chấp về quyền SHTT của EU theo  điều 23 của TRIPS [Hiệp định về thương mại của WTO liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ].

EU đang lên kế hoạch cho một loạt các phản ứng “mạnh mẽ” vì bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI) - đặc biệt đối với các loại rượu vang danh tiếng như Champagne Pháp - là lợi ích cốt lõi trong chính sách thương mại của nước này.

EU cho rằng luật mới của Nga “rõ ràng đã bỏ qua các quy định về bảo hộ GI và tên gọi xuất xứ của EU”. EU đang đánh giá xem luật này có vi phạm các cam kết của Liên bang Nga với WTO hay không và  quyền có thể thực hiện các bước cần thiết để khắc phục điều này.

Trả lời các đại diện của ngành công nghiệp rượu vang Pháp, Ủy ban EU cho biết họ hết sức lưu ý đến lời kêu gọi của ngành công nghiệp ngừng xuất khẩu rượu vang sang Nga. Tuy nhiên Ủy ban EU đã từ chối đưa ra bất kỳ khung thời gian nào để thông báo các bước tiếp theo của mình.

Điều 23 Hiệp định TRIPS và địa chính trị nước lớn

Nga cam kết bảo vệ Chỉ dẫn địa lý (GI) như là một phần nghĩa vụ của họ với của tư cách thành viên WTO. GI được bảo vệ trong hiệp định TRIPS về sở hữu trí tuệ.

Điều 23 của Hiệp định TRIPS cũng có quy định thêm về “Bảo vệ bổ sung cho GI đối với rượu vang và rượu mạnh” - một danh mục mà rượu vang sủi bọt hoàn toàn phù hợp.

Điều 23 nhằm “ngăn chặn” việc “sử dụng một chỉ dẫn địa lý nhận diện rượu vang, rượu mạnh nhưng cho các rượu vang, rượu mạnh không có xuất xứ tại nơi chỉ dẫn địa lý được ghi trên nhãn”

Điều 23.4 cũng dự báo việc thành lập cơ quan đăng ký rượu vang của WTO - nhưng các cuộc đàm phán về mục đích đó đã không có kết quả.

Liệu vụ kiện sẽ dẫn đến đâu vẫn còn phải chờ. Nếu vụ kiện thắng ở giai đoạn hội thẩm, nhưng không tái thành lập được Cơ quan Phúc thẩm của WTO (WTO’s Appellate Body), thì vụ kiện rất có thể sẽ kết thúc trong tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý vì Matxcơva có thể sẽ kháng cáo "vô hiệu".

Quyết định của Nga cũng được coi là mang bản chất chính trị, vì quyết định này sẽ có lợi cho các nhà sản xuất rượu vang sủi của Crimea.  Nga đã sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga năm 2014 – nhưng EU và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn đã không công nhận bước đi này./.

 

Các bài viết khác