Logo

Biện pháp hành chính trong xử lý xâm phạm quyền: Liệu có gì mới trong luật SHTT sửa đổi sắp tới?

24/09/2021
Luật SHTT được Quốc hội thông qua vào năm 2005, đã được sửa đổi hai lần (năm 2009 và 2019). Sắp tới đây Luật sẽ tiếp tục được thay đỏi, bổ sung một cách toàn diện hơn...

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2006, đã được sửa đổi hai lần (năm 2009 và 2019). Sắp tới đây Luật sẽ tiếp tục được thay đỏi, bổ sung một cách toàn diện hơn để đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ và thực thi quyền SHTT quy định trong các Hiệp định thương mại tự do quốc tế và khu vực mà Việt Nam đã ký kết trong các năm gần đây.

Hiện tại, Luật Sở hữu trí tuệ quy định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính, dân sự hoặc hình sự.  Dưới đây chúng tôi chỉ tập trung vào biện pháp hành chính và các đề xuất sửa đổi, bổ sung cho biện pháp này. 

1. Điều 211 Luật SHTT về Biện pháp Hành chính   

Điều này quy định như sau:  

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:

a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

b) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;

c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Cùng với các quy định liên quan khác về thực thi quyền SHTT, Điều 211 nói trên tạo điều kiện cho các chủ thể quyền SHTT có thể lựa chọn phương án xử lý phù hợp khi quyền SHTT của mình bị xâm phạm.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, biện pháp hành chính đã được vận dụng tối đa để xử lý vi phạm. Thống kê của Bộ KH-CN[1] cho thấy số vụ xâm phạm quyền SHTT bị xử lý trong năm 2020 như sau:

- Xử lý hành chính: 1.302

- Khởi tố hình sự: 158 (bao gồm cả hàng giả về chất lượng

- Dân sự (Tòa án): khoảng 10.

Nhiều chuyên gia cho rằng quyền sở hữu trí tuệ về bản chất là một quyền dân sự, vì vậy việc giải quyết các vi phạm hoặc tranh chấp liên quan tới nó bằng biện pháp hành chính là không phù hợp; hơn thế nữa phạm vi áp dụng của nó lại được quy định quá rộng dẫn đến bị lạm dụng và tạo gánh nặng về nhân lực và tài chính cho các cơ quan thực thi. Bời vậy,  Điều 211 được đề xuất sửa đổi với các phương án sau: 

Phương án 1:

Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 211, theo đó, thay vì tất cả (như hiện nay), sẽ chỉ có một số quyền SHTT khi bị xâm phạm sẽ áp dụng biện pháp hành chính để xử lý người vi phạm, cụ thể là:

"a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;"

Như vậy sẽ không áp dụng biên pháp hành chính để xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và cạnh tranh không lành mạnh [có chứa yếu tố SHTT]. Những người đề xuất cho rằng sửa đổi như vậy là hợp lý, vì: 

(i) Luật SHTT vẫn thừa nhận vai trò nhất định của BPHC trong thực thi quyền SHTT. Cụ thể là vẫn tiếp tục áp dụng nó đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và giống cây trồng; 
(ii) Do tính chất phức tạp của các tranh chấp hoặc xâm phạm quyền liên quan tới sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, tên thương mại, hành vi cạnh tranh không lành mạnh..., lại thường đi cùng với yêu cầu về đền bù thiệt hại, vì vậy nên để các bên liên quan có đủ thời gian thu thập chứng cứ, làm rõ vấn đề tranh chấp (phạm vi bảo hộ, dấu hiệu xâm phạm quyền, thiệt hại thực tế etc...), thực hiện giám định hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia, nếu cần thiết. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng biện pháp dân sự là hợp lý. Ưu thê “thủ tục đơn giản, thực hiện nhanh ” cũng như bản chất của BPHC không phù hợp cho những trường hợp này;
(iii)   ạo khuôn khổ pháp lý để từng bước tăng cường vai  trò của Tòa án trong thực thi quyền SHTT, phù hợp với thông lệ quốc tế; 
iii) Giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự và kinh phí được phân bổ để thực thi biện pháp hành chính.

Phương án 2:

Giữ nguyên quy định hiện hành, không làm xáo trộn hệ thống bảo vệ quyền SHTT được cho là tới nay vẫn đang hoạt động hiệu quả.

Ban Soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT (“Luật SHTT sửa đổi”) đã đề xuất hai Phương án trên nhưng ủng hộ và đề nghị chọn Phương án 1.

2. Các ý kiến nhận xét, góp ý:

2.1 Tại Hội thảo do Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ  chức

Hội thảo này[2] Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức ngày 28/8/2021 tại Hà Nôi với sự tham dự của đại diện một số cơ quan của Quốc hội, một số vị ĐBQH; Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan, ban ngành có liên quan cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Tại Hội thảo có hai luồng ý kiến, đó là:

2.1.1 Ủng hộ Phương án 2 nhưng có sửa đổi. Lý do là:

(i) Phương án 1 không thể hiện sự bình đẳng. Mọi chủ thể quyền đều có quyền lựa chọn biện pháp xử lý vi phạm mà họ cho là phù hợp với hoàn cảnh và mục tiêu của họ; 
(ii) Phương án 1 trái với quy định tại Khoản 5 Điều 10, Luật SHTT, theo đó phạm vi quản lý nhà nước về SHTT bao gồm “Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sở hữu trí tuệ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ “. Nội hàm sở hữu trí tuệ ở đây bao gồm tất cả, không đối tượng SHTT nàobị loại trừ;
(iii) Thực tế cho thấy biện pháp hành chính vẫn cần thiết vì thủ tục đơn giản, nhanh gọn hơn nhiều so với tố tụng dân sự tại tòa;
(iv) Vẫn luôn thừa nhận sự cần thiết phải nâng cao vai trò của Tòa án trong hoạt động thực thi quyền, nhưng để đạt mục tiêu này cần có lộ trình và thời gian chuẩn bị. Hiện tai, và có lẽ trong một vài năm trước mắt, năng lực xét xử về SHTT của tòa án còn rất hạn chế. Nếu Phương án 1 được triển khai, chắc chắn sẽ quá tải, gây lo lắng cho chủ thể quyền, tác động tiêu cực đến các hoạt động bảo hộ quyền SHTT.

Nếu Phương án 2 được chấp nhận thì nên có một bổ sung là sẽ chuyển Tòa án giải quyết các vụ việc xâm phạm mà trong đó có sự tranh chấp giữa các bên về quyển sở hữu công nghiệp liên quan.

2.1.2 Ủng hộ Phương án 1.

Các ý kiến ủng hộ Phương án 1 cho rằng những gì đã trình bày ở trên để đưa ra Phương án này là hoàn toàn thuyết phục và hợp lý. Thêm vào đó, Ban soạn thảo cũng thông báo rằng Tòa án đã có văn bản khẳng định có đủ khả năng xử lý các vụ việc xâm phạm  nếu Phương án 1 được thực hiện.

2.2. Kết quả thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT nói trên (gọi tắt là Luật sửa đổi sắp tới) đã được Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra sơ bộ ngày 07/09/2021[3].

Liên quan tới biện pháp xử lý vi phạm, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã có ý kiến như sau:

“…Liên quan đến bảo vệ pháp luật, bảo vệ công dân, tổ chức, khi vi phạm khách thể nào xử lý theo khách thể đó. Khi vi phạm trật tự quản lý Nhà nước, kỷ luật công vụ thì phải chịu trách nhiệm hành chính; khi gây thiệt hại thì phải bồi thường theo trách nhiệm dân sự.  Các trách nhiệm này không thể thay thế nhau. Các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đang làm tốt, nay lại đề xuất bỏ đi như vậy là bỏ một phần quản lý nhà nước nên cần cân nhắc…”.

Như vậy được hiểu là đề xuất không áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà chỉ áp dụng biện pháp dân sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh được cho là chưa hợp lý.

2.3 Ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 14/09/2021 Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi[4]. Về nội dung nêu trên, UBTVQH cũng không đồng ý thu hẹp đối tượng bị xử lý bằng biện pháp hành chính (tức là ủng hộ Phương án 2).  Như vậy khả năng rất lớn là Điều 211 của Luật SHTT sẽ vẫn được giữ nguyên.

Dự án Luật sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội, sẽ được tổ chức vào tháng 10/2021./.

 


[1] Công văn số 1019/BC-BKHCN ngày 29/4/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình xử lý xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam trong năm 2020.

[2]  Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”

https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=5828

[3] Thẩm tra sơ bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ

https://www.vietnamplus.vn/tham-tra-so-bo-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-luat-so-huu-tri-tue/739107.vnp

[4] Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ: Đủ điều kiện trình Quốc hội.

https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=58787

 

Các bài viết khác