Logo

Vi phạm bản quyền phần mềm: Nguy cơ không xuất được hàng vào Mỹ

20/07/2013
Ông Vũ Bá Phú - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương - cảnh báo trong hội thảo “Quản trị tài sản phần mềm và tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất của VN” tại TPHCM ngày 12.10: “Đây là một rào cản lớn đối với các nhà xuất khẩu của VN”.

Theo ông Phú, trong danh sách các nước có sử dụng phần mềm bất hợp pháp thì VN đang xếp ở hạng cao. Cụ thể, tỉ lệ người dùng phần mềm bất hợp pháp ở nước ta là 76%, trong đó dùng lậu 22% và dùng gần như bất hợp pháp là 54%, chỉ xếp sau Trung Quốc (86%) và Nigeria (81%). Vụ nổi cộm vừa phát hiện được vào đầu tháng 10, gồm 4 DN tại Hà Nội vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM) có giá trị  gần 1 triệu USD, với việc sử dụng tới 700 sản phẩm phần mềm không có bản quyền trong hoạt động kinh doanh.

Tình trạng vi phạm BQPM tại VN - theo công bố của Liên minh Phần mềm DN (BSA) - đã giảm 2% từ năm 2009 (85%) đến năm 2010 (83%). Qua các cuộc thanh - kiểm tra của Thanh tra Bộ VHTTDL từ năm 2010 đến nay, thì các DN được kiểm tra đều vi phạm. Từ đầu năm 2011 tới nay, thanh tra 50 DN với gần 2.000 máy tính thì hầu hết sử dụng BQPM không hợp pháp. Theo phản ánh của các DN đã qua thanh tra, từ năm 2010 tới nay, tổng số các phần mềm họ đã trang bị có giá trị gần 1,9 triệu USD, trong đó năm 2010 gần 1,4 triệu USD. 

Ông Phú cho biết, ngày 22.6, Nghị viện bang Washington và Luisiana (Mỹ) đã thông qua đạo luật “Vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT” nhằm gây sức ép đối với các nhà NK và phân phối tại Mỹ để yêu cầu các nhà XK ở nước thứ ba chấm dứt việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp trong toàn bộ hoạt động kinh doanh. Đối tượng áp dụng của luật này bao gồm tất cả các sản phẩm được sản xuất trực tiếp từ các phần mềm hay thiết bị vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ và các sản phẩm được sản xuất từ người sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền trong lĩnh vực phân phối, quảng bá hoặc bán sản phẩm.

Như vậy, các DN VN sẽ phải đối mặt với hai vấn đề. Thứ nhất là rào cản kỹ thuật: DN VN xuất hàng sang Mỹ có thể bị buộc phải xuất trình giấy chứng nhận chứng minh sử dụng phần mềm có bản quyền trong toàn bộ quy trình sản xuất. Nếu không đáp ứng được điều kiện này, DN VN có thể sẽ không được xuất hàng vào Mỹ. Thứ hai, trường hợp cơ quan điều tra của Mỹ áp dụng luật này trong các vụ kiện chống bán phá giá (CBPG), thì chi phí thực tế của DN VN bị đẩy lên, dẫn đến nguy cơ bị áp thuế CBPG càng cao.

Vấn đề lớn hơn là, liệu đạo luật trên chỉ áp dụng ở hai bang nước Mỹ hay có thể lan rộng ra các bang khác.

(Nguồn: Báo Lao động, 13/10/2011)

Các bài viết khác