Logo

SMARTDOOR bị xử phạt hơn 116 triệu đồng

20/07/2013
(LĐ) - Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ vừa ra quyết định xử phạt hành chính số 20/QĐ-TTra đối với Cty CP cửa cuốn Úc- SMARTDOOR với mức phạt lên tới 116.370.000 đồng, tịch thu tiêu huỷ 35 tờ quảng cáo, 18 tờ (tương ứng với 2.700 tem) gắn dấu hiệu “ARTDOOR & hình” vi phạm.

Đồng thời buộc Cty này phải tự loại bỏ các yếu tố vi phạm “ARTDOOR & hình” trên 7 bộ sản phẩm cửa cuốn và trên phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ để quảng cáo cho sản phẩm cửa cuốn.

Lý do xử phạt là do Smartdoor đã có hành vi gắn dấu hiệu “ARTDOOR & Hình” trên các phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ để quảng cáo cho sản phẩm cửa cuốn, tàng trữ để bán sản phẩm cửa cuốn gắn nhãn hiệu “ARTDOOR & Hình”, tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “AUSTDOOR®”, “Hình” đang được bảo hộ tại VN cho Cty TNHH SX&TM Hưng Phát theo giấy chứng nhận số 64604 (cấp ngày 12.7.2005) và số 80529 (cấp ngày 29.3.2007). Điều này vi phạm nghiêm trọng khoản 3, khoản 5, Điều 13 của NĐ 106/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về sở hữu trí tuệ.

Bằng công nghệ hiện đại được chuyển giao từ Australia,sau nhiều năm phấn đấu, AUSTDOOR® đã trở thành một trong những thương hiệu đáng tin cậy và được yêu thích nhất của người tiêu dùng trong cả nước. Với 3 nhà máy chính thức của AUSTDOOR® tại Việt nam và hơn 200 đại lý và hệ thống bảo hành trải rộng khắp trên 64 tỉnh thành trong cả nước.Năm năm qua AUSTDOOR® liên tục giữ vị trí đứng đầu thị trường về cửa cuốn công nghệ Úc,cửa cuốn chống cháy, Cửa cuốn tốc độ cao,và giữ vị trí top 10 trên thị trường về sản phẩm cửa nhựa PVC-U..

Xem “ Vụ tranh chấp thương hiệu cửa cuốn Austdoor: Câu chuyện chưa có hồi kết“ để có thêm thông tin.

(Lao Động số 31 Ngày 06/02/2010 và một số nguồn khác)

Vụ tranh chấp thương hiệu cửa cuốn  Austdoor: Câu chuyện chưa có hồi kết

ĐS&PL số 9 ra ngày 21.1.2009 đưa tin về việc kiểm tra, phát hiện dấu hiệu sai phạm tại một cửa hàng cửa Artdoor ở Hải Dương. Và cũng trong thời gian qua, theo phản ánh của người tiêu dùng và chủ một số cửa hàng, trên thị trường Việt Nam xuất hiện cuốn catalogue giới thiệu sản phẩm cửa cuốn mang tên Artdoor mà về mẫu mã, thiết kế gần như là phiên bản của Austdoor (Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hưng Phát sản xuất và đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại giấy chứng nhận số 64606 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 12.7.2005). Theo nhận định ban đầu, đây là sự  việc có dấu hiệu làm nhái thương hiệu một cách tinh vi đằng sau câu chuyện này là gì?

Hành vi xâm phạm bản quyền?

Nếu nhìn cuốn catalogue giới thiệu sản phẩm cửa cuốn Austdoor của công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hưng Phát và cuốn  catalogue giới thiệu sản phẩm  cũng là cửa cuốn  mang tên Artdoor thì gần  như không phân biệt được sự khác nhau. Mẫu thiết kế trên khổ A4, trên nền xanh chủ đạo và logo Kanggarool được cách điệu rất “tinh vi”, thậm chí cả câu slogan của Austdoor cũng được “Artdoor” coppy nguyên mẫu: Cửa vững nhà an! Thực chất, thì ngay cả mẫu chữ (theo đại diện của công ty Hưng Phát thì mẫu chữ  này đã được bên công ty thiết kế riêng phục vụ cho  việc  quảng bá  sản phẩm trên catalogue)  nhưng  không  hiểu sao, cũng được Artdoor “chọn” làm mẫu chữ cho cuốn giới thiệu sản phẩm của mình! Nhìn một cách tổng thể, sự khác nhau cơ bản chỉ là AUSTDOOR và ARTDOOR - Nghĩa là chỉ thiếu 2 chữ “U” và “S” mà thôi!

Theo đơn thư phản ánh, chúng tôi đã tiếp xúc lãnh đạo và đại diện của công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hưng Phát để làm rõ sự việc. Được biết, mẫu mã của cửa cuốn Austdoor mà công ty này sản xuất và phân phối ra thị trường đã được đăng ký bản quyền tại quyết định số A7378/QĐ-ĐK, ngày 12.07.2005 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Đến năm 2007, do có một số thay đổi trong mẫu mã thiết kế, công ty Hưng Phát đã đăng ký lại bản quyền nhãn hiệu hàng hóa và cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ theo Quyết định số 3635/QĐ -  SHTT, ngày 29.03.2007. Như vậy, mẫu mã thiết kế như trong catalogue giới thiệu của công ty Hưng Phát - về sản phẩm cửa cuốn công nghệ úc  Austdoor là  mẫu mã có bản quyền, được pháp luật bảo vệ. Được biết, trên thực tế, nhiều năm qua, sản phẩm cửa cuốn công nghệ Australia của Công ty Hưng Phát đã được đưa ra thị trường. Thương hiệu Austdoor đã tạo lập được vị thế và chỗ đứng nhất định trên thị trường. Chính vì vậy, việc đột nhiên xuất hiện trên thị  trường một cuốn catalogue giống gần như  “nguyên bản”  catalogue giới thiệu sản phẩm của một hãng khác, đã gây ít nhiều băn khoăn. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy đây là hành vi xâm phạm bản quyền.

Đâu là sự thật...

Đại diện phía công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hưng Phát cho biết sau  khi  phát hiện trên thị trường có mặt cuốn catalogue “nhái” thương  hiệu của Austdoor, công ty đã cử người tìm hiểu và khẳng định không hề tồn tại có công ty theo địa chỉ (khu công nghiệp Hà Bình Phương, Thường Tín, văn phòng giao dịch ở 408 Trần Khát Chân đều thuộc TP. Hà Nội) như trong catalogue Artdoor. Còn khi truy cập vào trang web: www.artdoor.com, thì đây là một trang web của nước ngoài, chuyên về dergesight, chứ không hề có sản xuất loại cửa cuốn công nghệ úc mà Artdoor quảng cáo!

Vậy, đằng sau cái gọi là “cửa cuốn Artdoor” thực chất là gì?

Câu hỏi này hiện vẫn chưa có câu trả lời. Trao đổi với PV ĐS&PL xung quang vấn đề này, đại diện lãnh đạo công ty Hưng Phát rất bức xúc “Việc trên thị trường xuất hiện sao chép và có tính chất làm nhái lại thương hiệu cửa AUSTDOOR, chúng tôi thấy rằng đây là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh, dựa vào uy tín và sự tin tưởng của khách hàng với thương hiệu AUSTDOOR. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trực tiếp doanh nghiệp chúng tôi và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp người tiêu dùng khi muốn chọn mua sản phẩm cửa chính hãng". Vậy thực chất câu chuyện tranh chấp thương hiệu này là gì? Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc và sớm làm sáng tỏ. ĐS&PL sẽ trở lại vấn đề này khi có thông tin tiếp theo..

( Nguồn,  Báo Đời sống Pháp Luật, số 9 , ngày 21.1.2009)

 

Các bài viết khác