Logo

Một số vấn đề về Thư đồng ý – Letter of Consent (LC) trong đăng ký nhãn hiệu

15/06/2015

LC là tài liệu dạng văn bản được ký bởi chủ của một nhãn hiệu có trước (nhãn hiệu đối chứng) đồng ý cho việc đăng ký và sử dụng một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự được nộp đơn bởi người khác cho cùng sản phẩm/dịch hoặc sản phẩm/dịch vụ tương tự.

Định nghĩa: LC là tài liệu dạng văn bản được ký bởi chủ của một nhãn hiệu có trước (nhãn hiệu đối chứng) đồng ý cho việc đăng ký và sử dụng một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự được nộp đơn bởi người khác cho cùng sản phẩm/dịch hoặc sản phẩm/dịch vụ tương tự.

 

Quy định pháp lý: Luật nhãn hiệu nhiều nước (trong đó có Việt Nam) không có điều khoản quy đinh cụ thể về việc sử dụng LC, nhưng trong thực tế về cơ bản chấp thuận hiệu lực của tài liệu này trong quá trình thẩm định, thẩm định lại hay xem xét khiếu nại liên quan đến đơn đăng ký nhãn hiệu. Việc chấp nhận LC dựa trên nguyên tắc là việc đồng tồn tại nhãn hiệu xin đăng ký và nhãn hiệu đối chứng trên thị trường không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, do đó tạo cơ sở để cấp văn bằng cho nhãn hiệu xin đăng ký.

 

Tuy nhiên, LC không phải luôn luôn được chấp thuận mà nó phải thỏa mãn các yêu cầu nhất định.

 

1. Các nội dung chính của LC

Đa số các nước (trừ một số ít nước như UK) không quy định LC phải làm theo một mẫu của cơ quan đăng ký nhãn hiệu, nhưng quy định LC phải có các nội dung bắt buộc như sau:

 

- Tên, địa chỉ của chủ nhãn hiệu đối chứng, nhãn hiệu và số (đơn, Văn bằng) của nhãn hiệu đối chứng.

- Tên, địa chỉ của chủ đơn nhãn hiệu xin đăng ký, nhãn hiệu và số đơn của đơn đăng ký nhãn hiệu.

- Danh mục hàng hóa/dịch vụ được chấp thuận theo LC.

- Nội dung khẳng định việc chủ nhãn hiệu đối chứng chấp thuận cho việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu liên quan.

- Chữ ký hoặc dấu của chủ nhãn hiệu đối chứng.

 

2. Công chứng, hợp pháp hóa, dịch LC

Thông thường, nếu chủ nhãn hiệu đối chứng là cá nhân, pháp nhân nước ngoài thì LC phải được công chứng tại nước sở tại. Bản gốc LC phải được nộp cùng bản dịch sang ngôn ngữ của nước đơn được nộp.

 

3. Thời hạn nộp LC

Tùy thuộc vào quy định của từng nước, LC phải được nộp trong thời hạn quy định. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều cơ quan SHTT (trong đó có Việt Nam) cho phép một khoảng thời gian xác định – theo yêu cầu của người nộp đơn để có thể đàm phán với chủ nhãn hiệu đối chứng để có LC.

 

4. Điều kiện LC được chấp thuận

Nếp một nhãn hiệu xin đăng ký và nhãn hiệu đối chứng là trùng nhau hoặc quá tương tự nhau, cho cùng sản phẩm/dịch vụ, thì thẩm định viên một số nước (trong đó có Việt Nam) sẽ không chấp nhận việc đăng ký nhãn hiệu mặc dù chủ đơn đã có LC. Chỉ khi 2 nhãn hiệu không tương tự đến mức không có nguy cơ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thì LC mới được chấp nhận cho việc đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, cũng khá nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển như Anh, Mỹ vẫn chấp thuận LC cho các nhãn hiệu trùng hợp cho cùng danh mục hàng hóa/dịch vụ.

 

5. Khả năng đạt được LC

Trong thực tế, chủ nhãn hiệu đối chứng không phải lúc nào cũng sẵn lòng ký LC. Điều đó chỉ thực hiện dễ dàng hơn khi tồn tại sự khác nhau giữa danh mục các hàng hóa/dịch vụ, khác địa bàn tiêu thụ hàng hóa/dịch vụ hoặc thành phần người tiêu dùng. Có nghĩa là sẽ dễ đạt LC khi người đăng ký và người chủ nhãn hiệu đối chứng không là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp hay tiềm tàng. Trong trường hợp hai bên có các quyền ưu tiên tương ứng đối với nhãn hiệu tại các nước khác nhau, có những mối quan hệ xác định, hoặc cùng có lợi ( win-win ) thì họ có thể cấp LC cho nhau.

 

6. Các rủi ro

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, việc yêu cầu cấp LC cũng có thể mang lại các rủi ro. Ví dụ, việc đề nghị cấp LC có thể làm bộc lộ nhãn hiệu cho chủ nhãn hiệu đối chứng có các biện pháp phòng vệ, ngoài ra yêu cầu cấp LC cũng tạo cơ hội cho chủ các nhãn hiệu đối chứng ra giá, nhiều lúc là rất cao so với giá trị thực của nhãn hiệu đó. Đối với chủ nhãn hiệu đối chứng, thì việc cấp LC cũng có thể làm yếu tính phân biệt của nhãn hiệu cũng như làm phương hại đến uy tín của nhãn hiệu đó. Điều này bên chủ nhãn hiệu đối chứng phải tính kỹ khi ký các LC.           

                                                    

Một số thống kê về LC do WIPO thực hiện (số quốc gia thông kê: 68)

 

1. Số nước chấp thuận LC trong việc xem xét bảo hộ nhãn hiệu

46 quốc gia chiếm 68% (Trong đó có Úc, Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ, Singapore, Việt Nam …)

11 quốc gia không chấp thuận chiếm 16 % (Trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipin…)

2. Số nước chấp thuận LC được cấp bởi chủ đối chứng là Công ty thuộc cùng tập đoàn với Công ty nộp đơn đăng ký nhãn hiệu

34 quốc gia chiếm 50% (Trong đó có Úc, Nga, Anh, Mỹ, Singapore, Việt Nam…)

24 quốc gia không chấp thuận chiếm 35 % (Trong đó có Trung Quốc)

 

3. Số nước chấp thuận LC ngay cả 2 nhãn hiệu trùng nhau cho cùng sản phẩm & dịch vụ trùng

29 quốc gia chiếm 43% (Trong đó có Úc, Anh, Mỹ, Singapore…)

33 quốc gia không chấp thuận chiếm 49% (Trong đó có Trung Quốc, Việt Nam…)

 

4. Nếu người thứ 3 nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tương tự với một nhãn hiệu đã được cấp nhờ LC thì người nộp đơn cần có LC của tất cả chủ các nhãn hiệu đối chứng.

35 quốc gia chiếm 52 % (Trong đó có Úc, Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ, Singapore, Việt Nam…)

 

5. LC phải làm theo

i) Nội dung bắt buộc phải có 30 quốc gia (45%, Úc, Nga, Mỹ, Singapore, Việt Nam …)

ii) Theo mẫu quy định của Cơ quan patent : 6 quốc gia (9%, trong đó có Anh)

 

6. Có sự hạn chế khi chuyển nhượng nhãn hiệu được cấp dựa trên LC

8 quốc gia (12%) (Trong đó có Việt Nam)

Không có sự hạn chế 44 quốc gia (66%, Úc, Nga, Mỹ, Singapore…)

 

7. Phải trình copy của LC khi gia hạn hiệu lực của nhãn hiệu được cấp dựa trên LC.

2 quốc gia (3%, Etiôpia, SaoTome & Principé)

Không phải trình copy: 51 quốc gia (76%, Úc, Nga, Anh, Mỹ, Singapore, Việt Nam …)

                                                  

TVH

Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh là một trong các Văn phòng luật sở hữu trí tuệ có uy tín tại Việt Nam. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ về sở hữu trí tuệ bao gồm: tư vấn, đăng ký sáng chế, bản quyền tác giả & quyền liên quan, nhãn hiệu, tên thương mại & chỉ dẫn địa lý, li-xăng, nhượng quyền thương mại & chuyển giao công nghệ… cũng như đại diện cho khách hàng trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.


Các bài viết khác