Logo

Một số điểm chủ yếu của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009

20/07/2013
Ngày 19 tháng 6 năm 2009, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 (Luật SHTT năm 2005) đã bộc lộ một số hạn chế sau 3 năm thực thi.  Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 nhằm khuyến khích các hoạt động sáng tạo, hoàn thiện hệ thống quản lý quyền sở hữu trí tuệ theo hướng đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Một số điểm chủ yếu của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009

Ngày 19 tháng 6 năm 2009, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 (Luật SHTT năm 2005) đã bộc lộ một số hạn chế sau 3 năm thực thi.  Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 nhằm khuyến khích các hoạt động sáng tạo, hoàn thiện hệ thống quản lý quyền sở hữu trí tuệ theo hướng đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 với một số điều chỉnh chủ yếu sau:

Về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả
Thời gian bảo hộ được sửa đổi tăng từ 50 năm (Khoản 2 Điều 27 của Luật SHTT năm 2005) lên 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh. Đối với  các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm kể từ khi được định hình, thời hạn bảo hộ sẽ là 100 năm kể từ khi tác phẩm được định hình. Sửa đổi này nhằm khuyến khích các tác giả và chủ sở hữu công bố tác phẩm sớm hơn.

Đối với việc sử dụng thương mại tác phẩm đã công bố  Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 quy định rằng các tổ chức phát sóng phải trả tiền thù lao, nhuận bút cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức thù lao và phương thức trả thù lao sẽ do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được sẽ áp dụng theo quy định của Chính phủ hoặc kiện ra Tòa án có thẩm quyền (Khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 33)  

Về quyền sở hữu công nghiệp
Thay đổi quan trọng nhất trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp là điều chỉnh thời hạn thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Theo đó, thời hạn thẩm định nội dung đối với đơn đăng ký sáng chế được kéo dài thành không quá 18 tháng (tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 là 12 tháng); đối với đơn đăng ký nhãn hiệu là không quá 9 tháng (tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 là 6 tháng) và không quá 7 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp (tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 là 6 tháng).  Việc điều chỉnh này, theo quan điểm của cơ quan chức năng  là cần thiết nhằm tránh tình trạng hồ sơ đăng ký bị tồn đọng, không đáp ứng được thời hạn theo luật định.

Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 trong Điều 90 cũng quy định rằng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first-to-file principle) sẽ được áp dụng khi có nhiều đơn đăng ký cho cùng một đối tượng. Việc tách quy định về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu thành các điều khoản riêng biệt giúp việc hiểu và thực hiện quy định này chuẩn xác hơn, tránh các hiểu nhầm từ cả người nộp đơn cũng như cơ quan xử lý đơn.

Liên quan đến quy định về quyền đăng ký nhãn hiệu tại Điều 87, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 bổ sung quy định về việc đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với “địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam”. Theo đó, việc đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương Việt Nam phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 cũng quy định rằng ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên, tuỳ theo trường hợp áp dụng, của một đơn đăng ký sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp là ngày mà quyền sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đó được xác lập, thay cho ngày công bố hiện đang được áp dụng (Điều 143.1 của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005). Đây là một điều chỉnh hợp lý để luật của Việt Nam phù hợp với Điều 4B của Công ước Pa-ri về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, theo đó không một hành động nào của một bên thứ ba có thể gây tổn hại đến quyền của người nộp đơn trong thời gian ưu tiên.

Về quyền đối với giống cây trồng
Việt Nam là thành viên của Công ước về bảo hộ các giống cây trồng mới (UPOV). Để phù hợp với các quy định của UPOV, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 điều chỉnh đối tượng quyền đối với giống cây trồng từ “giống cây trồng và vật liệu nhân giống” thành “vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch”. Đồng thời, các khái niệm “vật liệu nhân giống” và “vật liệu thu hoạch” cũng được định nghĩa bổ sung tại hai khoản 25, 26  Điều 4. Các quy định có liên quan đến vấn đề này do vậy cũng được bổ sung, điển hình là quy định tại Khoản 2 Điều 186 về quyền của chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng đối với cả các “vật liệu thu hoạch thu được từ việc sử dụng bất hợp pháp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ”.
Cũng theo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009,  tổ chức, cá nhân không nhất thiết phải mang quốc tịch Việt Nam, hay mang quốc tịch của một quốc gia có ký kết điều ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng với Việt Nam hay có trụ sở tại Việt Nam mới được hưởng sự bảo hộ.

Về thực thi cấc quyền sở hữu trí tuệ
Quy định về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính tại Khoản 1 Điều 211 được bổ sung hành vi “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu” , đồng thời bỏ quy định về hành vi “Không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mặc dù đã được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó. Như vậy, với quy định mới này, chỉ cần một tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu đã có thể bị xử phạt hành chính mà không cần chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải có bất kỳ khuyến cáo nào từ chủ thể mang quyền hay chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ.
Mức xử lý vi phạm được điều chỉnh có thể lên tới 500 triệu đồng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính hiện hành.
Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, các điều khoản chuyển tiếp thể hiện rõ việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ theo văn bằng bảo hộ được cấp trước ngày luật này có hiệu lực sẽ được áp dụng theo các quy định mới, ngoại trừ việc xác định “căn cứ huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ thì áp dụng quy định pháp luật có hiệu lực đối với việc xét cấp văn bằng bảo hộ đó”quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa ban hành theo quy định pháp luật có hiệu lực trước ngày Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 có hiệu lực.


Tải file:
Luatso362009QH12.doc (187 KB)

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHẠM VÀ LIÊN DANH

 

Các bài viết khác