Logo

Hội thảo về Bảo vệ thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột

20/07/2013
Câu chuyện về thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột đã được mổ xẻ khá toàn diện tại Hội thảo “Bảo vệ thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột” do UBND tỉnh Đắc Lắc tổ chức hôm qua (3.11).

Tại hội thảo, TS Trịnh Đức Minh - PGĐ Sở KHCN Đắc Lắc - trần tình: “Vùng địa danh Buôn Ma Thuột từ lâu gắn liền với danh tiếng, chất lượng của sản phẩm càphê robusta, nên từ năm 2005, UBND tỉnh Đắc Lắc đã đứng tên đăng bạ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) càphê Buôn Ma Thuột và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận bảo hộ. Hồ sơ đăng bạ đã mô tả đầy đủ các yếu tố như truyền thống lịch sử, địa danh và điều kiện tự nhiên đặc thù, các đặc trưng về chất lượng, tiêu chuẩn càphê nhân thương mại, quy trình sản xuất... Nhưng đây chỉ là đăng ký bảo hộ trong nước, là bước khởi đầu của quá trình tạo dựng thương hiệu. Do nhiều nguyên nhân khách quan, việc đăng ký bảo hộ CDĐL càphê Buôn Ma Thuột ra nước ngoài còn chậm. Nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột bị Cty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd (Trung Quốc) đăng ký là đáng tiếc, nhưng cần được các cơ quan, tổ chức và giới truyền thông xem xét thấu đáo". Ông Nguyễn Xuân Lợi - GĐ Cty càphê An Thái - chia sẻ: “VN có hàng chục thương hiệu, nhưng không phải thương hiệu nào cũng đủ khả năng tài chính để đăng ký bảo hộ ở nước ngoài”. 

Hai nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột bị Guangzhou Coffee Buon Ma Thuot Co.,Ltd đăng ký bảo hộ.

Thức tỉnh và hành động

TS Trần Hữu Nam - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN - cho rằng: “Việc Cty TNHH càphê Buôn Ma Thuột tại Quảng Châu đăng ký “nhầm” thành công các nhãn hiệu có chứa dấu hiệu CDĐL Buôn Ma Thuột không những ảnh hưởng xấu đến các khía cạnh văn hóa, lịch sử, kinh tế, uy tín và hình ảnh sản phẩm của VN, mà còn ảnh trực tiếp đến quyền và lợi ích của các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm càphê Buôn Ma Thuột khi muốn xuất khẩu càphê vào Trung Quốc”. Do vậy theo ông Nam, trước hết cần tiến hành các thủ tục hành chính, yêu cầu Ban Khiếu nại và Xét xử thuộc Tổng cục Quản lý hành chính công thương Trung Quốc hủy bỏ hiệu lực các nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột nói trên theo điều 10, 16, 41, 43 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc và điều 22 Hiệp định TRIPS.

Trường hợp yêu cầu hủy bỏ không được chấp nhận, phải tiến hành khởi kiện tại toà án theo thủ tục dân sự. Công việc thứ hai ở Trung Quốc là tiến hành đăng ký bảo hộ CDĐL Buôn Ma Thuột dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, vì luật pháp nước này chỉ cho đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận. Ngoài ra, cần đăng ký CDĐL Buôn Ma Thuột ở Châu Âu theo hệ thống đăng ký EU hoặc hệ thống đăng ký quốc gia của từng nước; Ở Nga, Thụy Sĩ, Thái Lan... theo hệ thống quốc gia. Còn tại Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Canada... thì phải đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể như Trung Quốc. Sự khác biệt này do luật pháp từng quốc gia quy định. PGĐ Sở KHCN Đắc Lắc Trịnh Đức Minh dự kiến kinh phí khiếu nại ở Trung Quốc ban đầu khoảng 7.500USD, nếu phức tạp hoặc kéo dài 2 - 3 năm thì cần có thể lên đến 30.000USD. Còn mức phí đăng ký nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột - giả thiết không bị từ chối ở bất kỳ quốc gia nào - là 13.500USD và cứ 10 năm phải nộp phí để gia hạn.     

 
Dự liệu tình huống xấu

Theo luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn - Trưởng VP luật sư Phạm và Liên danh, đơn vị được lựa chọn tư vấn - thì khả năng hủy bỏ 2 nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột ở Trung Quốc là rất cao. “Luật Nhãn hiệu Trung Quốc quy định, nhãn hiệu hàng hóa có chứa CDĐL mà hàng hóa đó không phải xuất xứ từ khu vực tương ứng hoặc lừa dối công chúng thì bị từ chối đăng ký hoặc cấm sử dụng. Guangzhou Coffee Buon Ma Thuot Co.,Ltd từng mua bán càphê với một DN ở Đắc Lắc, chắc chắn họ biết rõ CDĐL Buôn Ma Thuột, cho thấy việc họ đăng ký bảo hộ CDĐL là lừa dối công chúng.

Điều 22 Hiệp định TRIPS cũng quy định, mỗi thành viên phải từ chối đăng ký nhãn hiệu có chứa CDĐL của quốc gia khác. Ngoài ra, một văn phòng luật sở hữu trí tuệ lâu đời ở Trung Quốc còn khẳng định, bằng việc càphê Buôn Ma Thuột đã được đăng ký là CDĐL ở Việt Nam, hai nhãn hiệu “Buon Ma Thuot & các Hán tự” và “Buon Ma Thuot Coffee 1896 & Hình” dưới tên của Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,ltd có thể bị hủy bỏ hiệu lực bất chấp càphê Buôn Ma Thuột có thể không được biết đến ở Trung Quốc” - luật sư Toàn cho hay. Ông Toàn cũng cho rằng Việt Nam nên có chiến lược phát triển thương hiệu, quảng bá CDĐL càphê Buôn Ma Thuột, vì chắc chắn người tiêu dùng trên thế giới sẽ biết đến càphê Buôn Ma Thuột nhiều hơn qua vụ kiện này. Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh cũng cho biết: “Sau cả chục năm triển khai, Trung Quốc mới cấp đăng ký bảo hộ cho 2 loại rượu nước ngoài là Cognac của Pháp và whisky của Scotland”. Còn ông Bạch Thanh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng (CDC) - đề nghị dự liệu tình huống thua kiện. Trong trường hợp đó, phải nghĩ đến việc đăng ký một thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột khác, chẳng hạn càphê Buôn Ma Thuột Việt Nam, càphê robusta Việt Nam... Việc đăng ký bảo hộ cũng phải tiến hành tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ chứ không nên giới hạn ở 16 nước như dự kiến. Chúng ta phải đăng ký bảo hộ ở cả những thị trường khác, đời chúng ta chưa khai thác được thì con, đời cháu chúng ta sẽ khai thác cho sản phẩm càphê Buôn Ma Thuột.

(Nguồn: Báo Lao động, 3/11/2011)

Các bài viết khác