Logo

Đưa hàng Việt vươn xa bằng công cụ quyền sở hữu trí tuệ

07/12/2018
Sở hữu trí tuệ hiện đang là vấn đề nóng không chỉ ở trong nước mà cả thị trường quốc tế, nhất là đối với các sản phẩm nông sản. Vấn đề bảo hộ pháp lý là công cụ để tiến xa hơn và xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt Nam
 
Dù có rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị kim ngạch thuộc Top đầu thế giới, song vấn đề sở hữu trí tuệ đối với hàng nông sản vẫn chưa được quan tâm nhiều, dẫn tới nhiều thiệt thòi cho nông sản Việt.
 
Đề cập tới vấn đề này, ông Trần Giang Khuê- Phụ trách Văn phòng phía Nam, Cục Sở hữu Trí tuệ nói: Sở hữu trí tuệ hiện đang là vấn đề nóng không chỉ ở trong nước mà cả thị trường quốc tế, nhất là đối với các sản phẩm nông sản. Vấn đề bảo hộ pháp lý là công cụ để tiến xa hơn và xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt Nam.
 
Do đó, ông Khuê chỉ rõ, cần tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, doanh nghiệp cần có biện pháp đăng ký, bảo hộ và có biện pháp quản lý, khai thác cũng như bảo vệ quyền một cách thích hợp. Cũng cần phải nhắc lại câu chuyện cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký trước ở Trung Quốc, hay cà phê Trung Nguyên bị đăng ký ở thị trường Mỹ, kẹo dừa Bến Tre tại thị trường Thái Lan… là những bài học đã từng xảy ra đối với nông sản Việt Nam.
 
Với trong nước, chúng tôi rất quan tâm tới sở hữu trí tuệ vì đây là những tài sản có giá trị lớn. Có những thương hiệu được định giá khá cao như Viettel (khoảng 2,6 tỷ USD), Vinamilk (khoảng 1,8 tỷ USD)… thì chắc chắn phải có những biện pháp đầy đủ để bảo vệ được quyền sở hữu các thương hiệu này đồng thời sử dụng và khai thác nó như những công cụ quảng bá và truyền thông tốt để những thương hiệu của Việt Nam có thể vươn xa, đi vào tâm trí, niềm tin của người tiêu dùng.
 
Giải thích vì sao có nhiều sản phẩm chất lượng tốt, nhưng số lượng đăng ký sở hữu trí tuệ để có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài của Việt Nam còn ít, ông Kbuê nói, Một trong những nguyên nhân chính là nhận thức của doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ. Vì sở hữu trí tuệ vẫn bị coi là một vấn đề mới và hơi xa vời nên doanh nghiệp chưa đầu tư, chưa có bộ phận chuyên trách và cũng chưa có những chiến lược về xây dựng thương hiệu, phát triển tài sản trí tuệ dựa trên các đối tượng liên quan của quyền sở hữu trí tuệ.
 
Một nguyên nhân nữa là khả năng về tài chính hạn chế của doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp hiện còn đang phải quan tâm rất nhiều khía cạnh khác nhau, từ quản lý điều hành, lương cho công nhân và những khó khăn khác. Trong khi việc đăng ký ở nước ngoài cũng khá tốn kém, nhất là tại các thị trường lớn như cộng đồng châu Âu hay Mỹ và cả thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… thì chúng ta cũng phải đầu tư khá nhiều chi phí. Ngôn ngữ cũng là một trong những hàng rào dẫn tới hạn chế trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ tại nước ngoài.

Với thực tế như vậy, ông Khuê cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện những bước sau đây để có thể xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình.

 
Thứ nhất là, chúng ta cần có một chiến lược xây dựng phát triển thương hiệu đối với nông sản một cách bài bản. Chiến lược xây dựng thương hiệu phải xuất phát từ chiến lược sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường của doanh nghiệp và có một tầm nhìn xa.
 
Thứ hai là, phải có bộ phận chuyên trách về xây dựng thương hiệu và sở hữu trí tuệ để có thể tìm hiểu các thông tin thị trường, quy định pháp lý và thực hiện các biện pháp quản trị cần thiết để đăng ký.
 
Thứ ba là, trong xây dựng phát triển thương hiệu, chúng ta luôn quan tâm tới chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm sẽ quyết định giá trị cốt lõi của thương hiệu khi đưa ra thị trường. Với từng thị trường, doanh nghiệp phải có tiêu chí về chất lượng phù hợp với thị trường nước ngoài. Khi có chất lượng rồi doanh nghiệp mới có thể quảng cáo và truyền thông, sử dụng những hệ thống nhận diện để quảng cáo truyền thông liên tục và bài bản thì sẽ đi nhanh vào tâm trí người tiêu dùng hơn.
 
Ngoài ra, DN cũng cần lưu ý về thông tin của từng thị trường để xác định được nhu cầu của từng thị trường, từ đó có thể thấu hiểu thị trường và tìm ra những phương án đi nhanh, đột phá, ít tốn chi phí và bền vững.

(Nguồn: HQ Online)

Các bài viết khác