Logo

Nhãn hiệu Bia “BUDWEISER” - Vụ tranh chấp thế kỷ

19/01/2016

Vụ tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu“Budweiser” bao gồm một loạt các vụ kiện về pháp lý kéo dài và vẫn còn tiếp diễn giữa hai công ty – một của Hoa Kỳ và một của Cộng hòa Séc (trước đây là Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc). Quá trình kiện tụng bắt đầu từ năm 1907 kéo dài đến tận ngày nay, bao gồm hơn 100 vụ kiện tại các tòa án và cơ quan thẩm quyền trên khắp thế giới.

Vụ tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu“Budweiser” bao gồm một loạt các vụ kiện về pháp lý kéo dài và vẫn còn tiếp diễn giữa hai công ty – một của Hoa Kỳ và một của Cộng hòa Séc (trước đây là Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc). Quá trình kiện tụng bắt đầu từ năm 1907 kéo dài đến tận ngày nay, bao gồm hơn 100 vụ kiện tại các tòa án và cơ quan thẩm quyền trên khắp thế giới.

 

Nguồn gốc vụ việc:

Nghề nấu bia tại thành phố Ceské Budějovice (tiếng Đức là Böhmisch Budweis) -  một thành phố trước đây thuộc Vương quốc Bohemia và nay là Cộng  hòa Séc được bắt đầu từ thế kỷ 13 khi thành phố được vua Ottokar II ban  quyền thực hiện công việc này. Trong thời gian đó khi cả tiếng Tiệp và tiếng Đức đều là hai ngôn ngữ chính thức của Vương quốc Bohemia, có hai xưởng bia được thành lập ở đây. Cả hai xưởng này đều sản xuất bia với cùng tên gọi Budweiser (giống như các xưởng bia tại thành phố Pilsen sản xuất bia cùng tên gọi là Pilsner).

 

Năm 1876, hãng bia Anheuser – Busch (gọi tắt là AB) của Hoa Kỳ cũng bắt đầu sản xuất bia mang tên “Budweiser”. Ông chủ của AB là Adolphus Busch, một kiều dân Đức muốn nấu một loại bia giống về chất lượng, màu sắc và mùi vị với bia được sản xuất tại Budweis.

 

Các bên tranh chấp liên quan:

Có hai hãng bia cùng tuyên bố quyền với tên gọi “Budweiser” cho đến nay, bao gồm:

 

i) Anheuser – Busch InBev (viết tắt là AB InBev-tên mới của AB sau khi sáp nhập với Cty Đồ uống Quốc tế InBev). AB InBev sử dụng NH “Budweiser” tại Hoa Kỳ và Canada. Trong quá khứ, những năm 1890 công ty này đã thắng nhiều vụ kiện để kiểm soát NH trên toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ. Công suất tiêu thụ bia của AB InBev trong 2014 là 40 tỷ lít và có tới 150.000 nhân viên trên toàn cầu.

 

ii) Budweiser Budvar Brewery (tiếng Tiệp là Budějovický Budvar, narodní podnik) là hãng bia quốc doanh, được thành lập năm 1895 do những công dân nói tiếng Tiệp của thành phố Budweis lập nên. Công suất tiêu thụ bia của công ty này là 140 triệu lít năm 2014 và có tất cả 600 nhân viên.

 

Một điều cần lưu ý là, trước rất lâu khi hai công ty trên được thành lập, năm 1795 một công ty là Budweiser Bier Bürgerbräu (Tiếng Tiệp: Buĕjovický mĕštanský piovar) được các công dân nói tiếng Đức ở Budweis lập nên. Công ty này bắt đầu xuất khẩu bia với NH “Budweiser Bier” sang Hoa Kỳ từ 1875. Công ty này bị chính phủ CHXHCN Tiệp Khắc quốc hữu hóa năm 1945 và bỏ việc dùng tên “Budweiser” từ đó. Tuy nhiên, sau khi chủ nghĩa xã hội bị sụp đổ, tại Tiệp Khắc chính phủ mới đã trao lại quyền đối với nhãn hiệu trên lãnh thổ Tiệp Khắc cho công ty này sở hữu theo chính sách về tư nhân hóa nền kinh tế. Công ty này thuộc công ty mẹ là Samson. Một điều rất đáng lưu ý là năm 2014 công ty Samson đã bị AB mua lại, điều này góp một phần quan trọng trong việc Samson ủng hộ AB InBev trong cuộc chiến giành NH “Budweiser”.

 

Cơ sở pháp lý các bên áp dung trong tranh chấp:

i) Cty AB viện dẫn quyền sử dụng và đăng ký NH từ trước tại Hoa Kỳ và giữa  năm 2014 đã là chủ nhân của hãng Budweiser Bier Bürgerbräu tại Cộng hòa Séc để đòi quyền sở hữu NH “Budweiser”.

 

ii) Các hãng bia khác tại vùng Budweis (tức České Buĕjovice), ngược lại, cho rằng Budweiser chỉ là tên chung (generic) hoặc chỉ được bảo hộ như một chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bia được sản xuất tại Budweis của CH Séc. Quan điểm này được các nước, nơi Cty Budvar có chứng cứ về sử dụng trước ủng hộ (ví dụ như CHLB Đức).

 

Diễn biến của tranh chấp:

Năm 1907, hãng bia Mỹ và các hãng bia Bohemia ký một thỏa thuận là AB được sử dụng NH “Budweiser” chỉ ở Bắc Mỹ, trong khi các hãng bia Bohemia được quyền sử dụng NH tại châu Âu. Tuy nhiên với sức mạnh của mình AB không chịu bó hẹp địa bàn kinh doanh mà có các động thái nhằm mở rộng thị trường ra ngoài Bắc Mỹ, đặc biệt là thị trường châu Âu. Kể từ đó các vụ kiện tụng giữa hai bên ngày càng gay gắt. Như trên đã nói có hơn 100 vụ kiện cáo tại tòa án trên khắp thế giới liên quan đến MH “Budweiser” đã xảy ra giữa hai bên cho đến thời điểm hiện nay.

Một số vụ kiện gần đây:

 

- Tại EU: Năm 2009, Tòa Sơ thẩm châu Âu (ECFI) đã ra phán quyết không chấp thuận cho AB InBev đăng ký NH Cộng đồng (CTM) trên toàn lãnh thổ châu Âu vì Budvar đã sử dụng trước NH “Budweiser” tại Đức và Áo. Tòa Phúc thẩm châu Âu (ECJ) cũng ủng hổ phán quyết này, mặc dù AB InBev đã thành công trong việc đăng ký NH trên tại 23 thành viên trong số 27 thành viên của EU.

- Tại CHLB Đức: Tòa án CHLB Đức khẳng định Budvar được độc quyền NH “Budweiser” từ 5/2007 tại quốc gia này.

- Tại Italy: Năm 2013 Budvar thắng vụ kiện chống lại AB InBev và Tòa đã phán quyết công ty này phải đổi tên bia từ “Budweiser” thành “Bud” tại Italy.

 

Các phương án khác của NH được sử dụng:

i) Ở lãnh thổ nào mà AB InBev bị thất bại trong kiện tụng thì công ty này chuyển việc sử dụng NH thành “Bud” (như ở Italy) hoặc “Anheuser – Busch” (như tại Đức).  Năm 2013 công ty đã được cấp NH cộng đồng (CTM) “Bud” trên toàn châu Âu sau khi thắng kiện chống lại Budvar.

 

ii) Ở lãnh thổ nào mà Cty Budvar không có quyền  sử dụng NH  “Budweiser” (như Hoa Kỳ, Canada và Brasil) thì công ty này sử dụng NH “Czechvar”. Năm 2007, AB InBev ký thỏa thuận với Budvar để bán bia “Budvar Buweiser” dưới tên của Czechvar tại Hoa Kỳ. Hợp đồng đối tác này kết thúc vào tháng 1/2012 và tháng 7 năm đó Công ty đồ uống Hoa Kỳ đã tiếp nhận trách nhiệm bán và tiếp thị bia “Czechvar” tại Hoa Kỳ.

 

Tại thị trường Việt Nam

Tranh chấp nhãn hiệu” Budweiser “ giữa hai Cty trên cũng kéo dài nhiều năm tại  Việt Nam trong cuối thế kỷ trước. Trên cơ sở chứng cứ là Cty Budvar có xuất xứ tại nơi sản xuất bia gốc là Cộng hòa Séc và sử dụng NH “Budweiser” từ lâu và nổi tiếng tại nhiều nước nhất là châu Âu, nhưng ngược lại AB cũng đã sử dụng nhãn hiệu từ cuối thế kỷ 19 và nổi tiếng tại thị trường Bắc Mỹ và một số nước khác trên thế giới, nên Cơ quan SHTT Việt Nam chấp nhận việc đồng tồn tại NH “Budweiser” của cả hai tại Việt Nam. Tuy nhiên để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng mỗi bên chỉ được sử dụng nhãn hiệu đúng theo các mẫu NH đã được chấp nhận đăng ký tại Viêt Nam. Việc sử dụng NH như trên về cơ bản đã được cả hai bên tuân thủ cho đến nay để kinh doanh sản phẩm của mình tại Việt Nam.

 

TVH


Các bài viết khác