Logo

Giải quyết xung đột Hoa Kỳ - EU liên quan đến và nỗ lực của EU nhằm tăng cường bảo hộ chỉ dẫn địa lý

21/02/2014

Năm 1992, Liên minh Châu Âu đã ban hành Quy chế chung trên toàn Liên minh bảo hộ các tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm. Tuy nhiên, đến năm 1999, Hoa Kỳ - quốc gia không có chế độ riêng bảo hộ chỉ dẫn địa lý - đã nộp đơn phản đối lên WTO với lý do là một số quy định trong Quy chế của EU đã không đáp ứng quy định của Hiệp định TRIPs và thể hiện sự phân biệt đối xử đối với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu của Hoa Kỳ cũng như các nước khác ngoài Châu Âu.

Năm 1992, Liên minh Châu Âu đã ban hành Quy chế chung trên toàn Liên minh bảo hộ các tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm. Tuy nhiên, đến năm 1999, Hoa Kỳ - quốc gia không có chế độ riêng bảo hộ chỉ dẫn địa lý - đã nộp đơn phản đối lên WTO với lý do là một số quy định trong Quy chế của EU đã không đáp ứng quy định của Hiệp định TRIPs và thể hiện sự phân biệt đối xử đối với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu của Hoa Kỳ cũng như các nước khác ngoài Châu Âu. Cụ thể như sau:

 

- Quy chế của EU thiết lập một hệ thống đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm được bán trên thị trường Châu Âu, nhưng trong khi cho phép các chủ chỉ dẫn địa lý là người Châu Âu được nộp đơn đăng ký bảo hộ trực tiếp cho sản phẩm của mình thì công dân các nước ngoài EU phải thông qua chính phủ của mình mới được nộp đơn đăng ký hoặc thực hiện thủ tục phản đối liên quan đến chỉ dẫn địa lý tại đó.

 

- Quy chế này quy định các chính phủ nước ngoài phải chấp thuận hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Châu Âu và ngược lại phải cung cấp một sự bảo hộ tương tự cho các sản phẩm của Châu Âu tại nước mình.

 

- Quy chế của EU không cho phép chủ của một số nhãn hiệu thực hiện quyền đối với nhãn hiệu đã đăng ký trong việc ngăn chặn việc sử dụng các chỉ dẫn địa lý tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình. Quyền này đã được khẳng định trong Hiệp định TRIP’s là chủ nhãn hiệu đã đăng ký có quyền ngăn chặn tất cả những ai sử dụng các dấu hiệu trùng hoặc tương tự, kể cả chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình.

 

Tháng 3/2005, Hội đồng Giải quyết Khiếu nại của WTO ra kết luận chấp thuận về cơ bản các khiếu nại của Hoa Kỳ và cho rằng một số nội dung của Quy chế chỉ dẫn địa lý của EU là không tương thích với Hiệp định TRIPs và yêu cầu EU phải sửa đổi Quy chế trước tháng 4/2006.

Trong kết luận của mình, Hội đồng WTO cho rằng việc quy định các chủ thể của các nước ngoài EU phải thực hiện đăng ký hay phản đối liên quan đến chỉ dẫn địa lý tại Châu Âu thông qua chính phủ của mình mà không được đăng ký trực tiếp là một sự thiên vị cho các sản phẩm và chủ chỉ dẫn địa lý của Châu Âu. Việc quy định các nước ngoài EU cũng phải cung cấp một hệ thống bảo hộ tương ứng ngược lại cho các chỉ dẫn địa lý Châu Âu cũng không phù hợp với quy định của TRIP’s.

 

Hội đồng WTO cũng yêu cầu EU phải bảo hộ đầy đủ các nhãn hiệu của Hoa Kỳ và các nước ngoài Châu Âu đã được đăng ký trước tại Châu Âu và EU chỉ có thể quy định một ngoại lệ rất hạn chế liên quan đến các chỉ dẫn địa lý đăng ký muộn hơn nhãn hiệu. Ngoại lệ này rất hẹp để các chỉ dẫn địa lý dễ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký trước sẽ khó được chấp nhận đăng ký ngay từ đầu. Ngoài ra, Hội đồng WTO cũng lưu ý là chỉ có rất ít trường hợp được cho phép sử dụng các chỉ dẫn địa lý xung đột với các nhãn hiệu có trước và điều đó chỉ có thể trong trường hợp liên quan đến các nhãn hiệu không có uy tín hoặc ít tiếng tăm. Điều quan trọng nữa là Quy chế của EU chỉ được bảo hộ các tên gọi là chỉ dẫn địa lý như đúng mẫu được đăng ký mà không phải là tên đó được dịch sang các ngôn ngữ khác nếu chúng được in trên các sản phẩm bán tại Châu Âu có khả năng gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã đăng ký tại Châu Âu của các công ty Hoa Kỳ.

 

Tháng 3/2006, EU ban hành Quy chế 510/2006 nhằm đưa hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Châu Âu phù hợp với các khuyến cáo của WTO.

 

Tháng 11/2012, EU đã thông quy định mới về quy trình quản lý chất lượng, đó là Quy chế của Hội đồng và Nghị viện Châu Âu số 1151/2012 về “Hệ thống chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm” thay cho Quy chế 510/2006 nêu trên và có hiệu lực từ 3/1/2013.

Quy chế mới này kết hợp các quy định về tên gọi xuất xứ được bảo hộ (PDO), chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (PGI), đặc sản truyền thống được bảo đảm (TSG). Việc đăng ký các đối tượng khác nhau này được mở rộng cho các nước ngoài Châu Âu. Việc bảo hộ rượu vang và rượu mạnh được quy định ở một văn bản riêng không nằm trong Quy chế này. Quy chế cũng quy định việc bảo hộ các PDO và PGI của Châu Âu ở các nước khác sẽ dựa trên cơ sở quy định của TRIPs hoặc các Hiệp định song phương hoặc đa phương.

 

Quy chế 1151/2012 xác định các đối tượng được bảo hộ như sau

Tên gọi xuất xứ được bảo hộ (PDO)

•           Sản phẩm xuất xứ từ một địa phương, vùng hoặc trong các trường hợp đặc biệt là từ một quốc gia

•           Chất lượng hoặc đặc tính của sản phẩm có được nhờ hoàn toàn hoặc chủ yếu vào điều kiện địa lý đặc biệt bao gồm cả yếu tố tự nhiên lẫn con người

Ví dụ: Giăm bông Parma.

 

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (PGI)

•           Sản phẩm xuất xứ từ một địa phương, vùng hoặc quốc gia cụ thể.

•           Chất lượng, uy tín hoặc các đặc tính khác có được nhờ vào xuất xứ địa lý.

•           Ít nhất có một công đoạn sản xuất được thực hiện tại vùng địa lý được xác định.

Ví dụ: Pho mát Gruere

 

Đặc sản truyền thống được bảo đảm (TSG)

Đối tượng này được áp dụng cho thực phẩm mang tính “truyền thống”. Các sản phẩm có khả năng đăng ký nếu chúng có đặc tính riêng do kết quả của quá trình sản xuất hoặc phương pháp xử lý truyền thống, hoặc được sản xuất từ nguyên liệu thô hay nhờ thành phần nguyên liệu trong công thức truyền thống. Theo Quy chế thì khoảng thời gian để coi một sản phẩm là “truyền thống” phải đạt đến 30 năm.

Ví dụ: Pho mát Mozzarella

 

Như đã nêu, Quy chế mới này của EU không quy định việc bảo hộ PDO và PGI của rượu vang và rượu mạnh mà chúng được bảo hộ ở một quy định riêng biệt. Hiệp định TRIPs hiện hành quy định một mức độ bảo hộ cao đối với rượu vang và rượu mạnh nhưng để lại việc bảo hộ các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm cho từng quốc gia quy định. Trong nội dung của Vòng đàm phán Đô-ha của WTO, EU đã đưa ra một đề xuất quyết liệt nhằm thay đổi Hiệp định TRIPs, cụ thể là mở rộng sự bảo hộ ở cùng mức cao đối với cả các sản phẩm ngoài rượu vang và rượu mạnh. Ngoài ra, EU cũng đề xuất thiết lập một Đăng bạ đa phương về chỉ dẫn địa lý sẽ có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả thành viên WTO.

Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh

Trần Việt Hùng (Nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ)


Các bài viết khác