Logo

Bảo hộ nhãn hiệu mùi (SCENT MARK)

20/05/2016
Theo quy định của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì khi Hiệp định có hiệu lực, các nước thành viên bắt buộc phải thực hiện việc bảo hộ các nhãn hiệu âm thanh, riêng đối với nhãn hiệu mùi Hiệp định chỉ yêu cầu các thành viên “nỗ lực bảo hộ” loại nhãn hiệu này

Theo quy định của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì khi Hiệp định có hiệu lực, các nước thành viên bắt buộc phải thực hiện việc bảo hộ các nhãn hiệu âm thanh, riêng đối với nhãn hiệu mùi Hiệp định chỉ yêu cầu các thành viên “nỗ lực bảo hộ” loại nhãn hiệu này. Điều này cho thấy việc bảo hộ nhãn hiệu mùi còn gặp nhiều vấn đề nhất định, không chỉ về thủ tục đăng ký, bảo hộ mà cả về luận cứ về việc mùi vị có thể hoàn thành chức năng của một nhãn hiệu hay không.

 

Là một loại nhãn hiệu phi truyền thống, nhãn hiệu mùi là dấu hiệu không nhìn thấy được mà chỉ được cảm nhận chủ quan bởi người tiêu dùng, do đó vấn đề thường đặt ra là liệu mùi vị có thể hoàn thành chức năng của nhãn hiệu là để nhận biết và phân biệt hàng hóa/dịch vụ của một doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác hay không. Bên cạnh đó rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, chỉ chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu là các dấu hiệu nhìn thấy được hoặc thể hiện được bằng đồ họa hay biểu đồ.

 

Có thể điểm qua thực tế về thực trạng bảo hộ nhãn hiệu mùi trên phạm vi quốc tế hiện nay như sau:

 

Hoa Kỳ

 

Luật pháp Hoa Kỳ khá mở trong việc bảo hộ nhãn hiệu, kể cả bảo hộ nhãn hiệu mùi. Theo quy định “nhãn hiệu có thể là từ ngữ, tên gọi, biểu tượng, hình ảnh hoặc bất cứ sự kết hợp nào của chúng” được sử dụng trong thương mại để phân biệt hàng hóa/dịch vụ và để chỉ ra nguồn gốc cúa chúng, thì mùi thơm cũng dần dà được xem xét bảo hộ như một nhãn hiệu. Theo thời gian, quy định về việc một nhãn hiệu mùi muốn được đăng ký phải đi kèm với từ ngữ hay hình ảnh đã được bãi bỏ. Vì vậy, một dấu hiệu mùi hay âm thanh đều có thể được bảo hộ một cách độc lập. Tất nhiên trong đơn đăng ký phải có mô tả một cách cụ thể và chính xác dấu hiệu mùi xin đăng ký đó.

 

Năm 1990 Ban Giải quyết Khiếu nại nhãn hiệu (TTAB) thuộc Cục Patent và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã ra quyết định chấp thuận khiếu nại của chủ đơn và đồng ý bảo hộ nhãn hiệu “mùi hương hoa đại” (Phumeria Blossoms) cho sản phẩm “chỉ may và chỉ thêu” (nhóm 23) dựa trên bằng chứng mùi đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua việc sử dụng trên thị trường. Bằng sự kiện đó USPTO chính thức chấp nhận Bảo hộ nhãn hiệu mùi tại Hoa Kỳ.

 

Theo quy định của Hoa Kỳ thì một mùi không mang tính tự nhiên hay tính chức năng, nghĩa là không phải là mùi tự nhiên của sản phẩm hay mùi do chức năng, công dụng hay chất lượng của sản phẩm tạo ra thì có thể chấp nhận đăng ký và được ghi nhận vào Đăng bạ phụ (Supplemental Register). Chỉ khi nào chủ nhãn hiệu chứng minh được nhãn hiệu đạt được khả năng phân biệt thông qua sử dụng thì nhãn hiệu mới được ghi nhận vào Đăng bạ chính (Principal Register). Đến những năm gần đây nhiều nhãn hiệu mùi đã được đăng ký vào Đăng bạ phụ, ví dụ: hai nhãn hiệu là “mùi oải hương” và “mùi vani” đã được đăng ký cho “các vật dụng văn phòng” (nhóm 16), “mùi quả nho” được chấp nhận đăng ký cho sản phẩm “dầu bôi trơn động cơ” (nhóm 04). Cho đến nay cũng chỉ mới một nhãn hiệu “mùi hoa đại” cho sản phẩm chỉ và chỉ thêu nêu trên là được ghi nhận vào Đăng bạ chính.

 

Có thể nói, Hoa Kỳ là nước đi tiên phong trong việc Bảo hộ nhãn hiệu mùi trên thế giới.

 

Australia

 

Theo Luật nhãn hiệu của Úc, nhãn hiệu mùi có thể được chấp nhận bảo hộ, nghĩa là có thể phân biệt được hàng hóa/dịch vụ của các chủ thể khác nhau trong thương mại. Tuy cũng yêu cầu dấu hiệu xin đăng ký nhãn hiệu phải thể hiện dưới dạng hình họa hoặc biểu đồ, nhưng việc thể hiện này trong đơn đăng ký có thực hiện bằng cách mô tả chính xác mùi và phương thức sử dụng trên hàng hóa/dịch vụ. Tuy vậy, cho đến những năm gần đây cũng chỉ mới có một nhãn hiệu mùi được bảo hộ đó là nhãn hiệu “mùi cây khuynh diệp” (bạch đàn) được sử dụng cho sản phẩm “đế đặt bóng golf” (nhóm 28).

 

Cộng đồng châu Âu

 

Theo quy định của EU, một nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu cộng đồng (CTM) tại Cơ quan Nhãn hiệu và Kiểu dáng Châu Âu (OHIM) là một dấu hiệu bất kỳ, không giới hạn là từ ngữ hay hình ảnh kể cả dấu hiệu có thể được thể hiện bằng hình họa hay biểu đồ, có khả năng phân biệt hàng hóa/dịch vụ của các chủ thể khác nhau. Tuy nhiên yêu cầu dấu hiệu phải thể hiện được bằng hình họa hoặc biểu đồ là khó khăn lớn nhất cản trở một dấu hiệu mùi có thể được bảo hộ là nhãn hiệu cộng đồng. Ngay cả khi chủ nhãn hiệu nộp kèm đơn đăng ký cả mẫu chứa mùi, bản mô tả cũng như công thức mùi thì vẫn không được coi là nhãn hiệu đáp ứng điều kiện nêu trên. Vì vậy, cho đến những năm gần đây gần như không một nhãn hiệu cộng đồng nào được cấp cho nhãn hiệu mùi.

 

Hiện nay có một số nước khác có quy định hoặc cam kết về bảo hộ nhãn hiệu mùi, nhưng hầu như chưa có nhãn hiệu mùi nào được đăng ký bảo hộ trong thực tế ở các nước đó.

TH

 

Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh là một trong các Văn phòng luật sở hữu trí tuệ có uy tín tại Việt Nam. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ về sở hữu trí tuệ bao gồm: tư vấn, đăng ký sáng chế, bản quyền tác giả & quyền liên quan, nhãn hiệu, tên thương mại & chỉ dẫn địa lý, li-xăng, nhượng quyền thương mại & chuyển giao công nghệ… cũng như đại diện cho khách hàng trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.


Các bài viết khác