Logo

Khái quát về các điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT

20/06/2022
Hơn 100 Điều của Luật SHTT được sửa đổi, bổ sung liên quan tới 07 nhóm chính sách lớn 

Ngày 16/6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ  (“Luật SHTT 2022”) đã được Quốc hội Việt Nam thông qua. Như vậy Luật SHTT đã được sửa đổi bổ sung 03 lần, vào các năm 2009, 2019 và 2022.

Luật SHTT 2022 có hiệu thi hành từ ngày 1/1/2023, trừ quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022 và quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2024.

Hơn100 trong số 222 điều của Luật SHTT hiện hành được sửa đổi, bổ sung, nhóm thành  07 Nhóm Chính sách sau:

Nhóm Chính sách 1: Quy định rõ hơn về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả (QTG), quyền liên quan đến quyền tác giả (QLQ).

Đáng chú ý nhất  là luật sửa đối cho phép chuyển giao một số quyền nhân thân theo thỏa thuận (cụ thể là quyền đặt tên, sửa đổi tác phẩm) phù hợp với đặc thù của lĩnh vực quyền tác giả nhằm giải quyết nhu cầu thay đổi tên tác phẩm, sửa đổi, nâng cấp chương trình máy tính v.v.

Nhóm Chính sách 2: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ nghiên cứu KH-CN sử dụng ngân sách Nhà nước

Theo đó, Luật  trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả.

Nhóm Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho việc đăng ký QTG, QLQ, xác lập quyền SHCN:

Theo đó, dù quyền được xác lập tự động không qua đăng ký (QTG, QLQ) hay phải đăng ký (các quyền SHCN), thì các quy định về thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ vv...  sẽ được đơn giản hóa, xử lý minh bạch trong thời hạn quy định.

Cụ thể, thực hiện đăng ký trực tuyến QTG, QLQ; đơn giản hóa bản mô tả kiểu dáng công nghiệp; giới hạn việc kiểm soát an ninh đối với sáng chế; cho phép trì hoãn công bố đơn kiểu dáng công nghiệp; bổ sung quy định về trình tự thẩm định lại trong quá trình giải quyết khiếu nại.

Chính Chính sách 4: Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và hài hòa quyền lợi giũa chủ thể quyền và xã hội

Bổ sung một số trường hợp ngoại lệ được coi là không xâm phạm quyền tác giả (ví dụ, đối tượng liên quan là người khuyết tât), quy định rõ hơn về giới hạn của QTG, QLQ nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ tác phẩm; đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát sáng chế có sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; bổ sung một số căn cứ chấm dứt hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ (sáng chế, nhãn hiệu); xử lý xung đột giữa nhãn hiệu với tên giống cây trồng, với đối tượng QTG, QLQ; sửa đổi các quy định về chủ thể đối với chỉ dẫn địa lý; làm rõ điều kiện bị coi là cạnh tranh không lành mạnh giữa tên miền với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý có trước.

Nhóm Chính sách 5: Tăng cường hiệu quả hoạt động đại diện về SHTT

Bổ sung một số quy định theo hướng mở hơn nhằm tạo tính cạnh tranh lành mạnh trong cung cấp dịch vụ đại diện; phân chia loại hình người đại diện và phạm vi hành nghề tương ứng (ví dụ, lĩnh vực sáng chế hay  nhãn hiệu...);  giảm bớt điều kiện để được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện.

Nhóm Chính sách 6: Nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT

Bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất, nhập khẩu là hàng giả mạo SHTT.

Nhóm Chính sách 7: Bảo đảm thi hành đầy đủ các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT, cụ thể:

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền để đảm bảo sự thực thi trong môi trường số;  một số quy định ngoại lệ liên quan tới QTG, QLQ;

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu; cơ chế bảo đảm thông tin cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm; nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép nông hóa phẩm; cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm; các giả định về QTG, QLQ; quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông; nghĩa vụ chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ là hàng giả mạo SHTT.

Sắp tới, những Bộ liên quan nhiều nhất, cụ thể là Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách  nhiệm quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quyền tác giả và các quyền liên quan,, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giống cây trồng còn phải chuẩn bị và trình Chính phủ thông qua và ban hành các văn bản dưới luật để thực hiện luật SHTT sủa đổi. Đây là một khối lượng công việc không hề nhỏ trong khi luật bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2023./.

 

 

Các bài viết khác