Logo

Nhật Bản - GUCCI phản đối không thành công nhãn hiệu “CUGGL, hình”

17/10/2022
Hội đồng Phản đối của JPO cho rằng,  từ góc độ hình ảnh, ngữ âm và nội dung, không có sự giống nhau giữa “GUCCI” và “CUGGL”

Ngày 12/7/2022, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) đã bác bỏ phản đối của hãng thời trang Ý GUCCI (GUCCI)  chống lại Đăng ký nhãn hiệu số 6384970 bảo hộ nhãn hiệu “CUGGL” với đường vẽ tay màu hồng do ít có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng “GUCCI” (Vụ việc phản đối số 2021-900284).

1. Nhãn hiệu CUGGL& Hình

Nhãn hiệu bị phản đối (Hình 1), bao gồm chữ  “CUGGL” với một đường vẽ tay màu hồng, đã được  áp dụng cho sản phẩm  quần áo, giày dép, mũ nón và trang phục thuộc nhóm 25 do ông Nobuaki Kurokawa, chủ sở hữu của một công ty có trụ sở tại Osaka  nộp đơn vào ngày 6/10/2020.

JPO đã cấp Đăng ký và công bố nhãn hiệu nêu trên để phản đối vào ngày 25/5/2021.

2.  Phản đối

2.1 Nội dung phản đối

Hãng thời trang sang trọng cao cấp của Ý, GUCCI đã đệ đơn phản đối lên JPO vào ngày 26/7/2021 và lập luận rằng nhãn hiệu CUGGL phải bị hủy bỏ theo Điều 4 (1) (vii), (xv) và (xix) của Luật Nhãn hiệu do sự tương tự và có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thời trang nổi tiếng “GUCCI” (Hình 2).

GUCCI tuyên bố nhãn hiệu bị phản đối này được thể hiện  với mục đích xấu nhằm chiếm đoạt danh tiếng của nhãn hiệu nổi tiếng  theo cách che giấu phần dưới của cụm từ  “CUGGL” bằng một vạch sơn màu hồng để người tiêu dùng có thể nhận ra nó như thể là  “GUCCI”. Trên thực tế, chủ nhãn hiệu đã quảng cáo áo phông mang nhãn hiệu bị phản đối“CUGGL”  với phần lớn cụm từ bị che dấu như vậy (Hình.3)

2.2 Quy định của Luật Nhãn hiệu Nhật Bản được viện dẫn

Điều 4.1 – Nhãn hiệu không được bảo hộ, nếu:

(vii) Có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách công  cộng;

(xv) Có thể gây nhầm lẫn liên quan đến hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan đến kinh doanh của người khác (ngoại trừ những người được liệt kê trong  mục x) .

(xix) Giống hoặc tương tự với một nhãn hiệu nổi tiếng với  người tiêu dùng tại Nhật Bản hoặc nước ngoài để chỉ ra hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh của người khác , nếu nhãn hiệu đó được sử dụng cho các mục đích không trung thực (đề cập đến mục đích đạt được lợi nhuận sai trái, mục đích gây thiệt hại cho người khác hoặc bất kỳ hành vi không với mục đích không  trung thực nào khác), ngoại trừ những mục đích đã được quy định trong các điều trước.

3. Quyết định của JPO

Hội đồng Giải quyết phản đối của JPO đã thừa nhận mức độ sử dụng rộng rãi và danh tiếng đối với nhãn hiệu “GUCCI” của người phản đối.

Trong khi đó, Hội đồng không tìm thấy sự giống nhau giữa cụm từ  “GUCCI” và “CUGGL” từ góc độ về  hình ảnh, ngữ âm và nội dung. Do mức độ tương tự của các nhãn hiệu thấp, Hội đồng thấy  không có lý do gì để tin rằng người tiêu dùng có liên quan sẽ nhận thức sai về nguồn gốc hàng hóa được đề cập (tức là gắn nhãn hiệu bị phản đối) với nhãn hiệu “GUCCI” hoặc bất kỳ tổ chức nào có quan hệ kinh tế hoặc trong cùng một hệ thống với Công ty  GUCCI.

Từ mức độ tương tự thấp của nhãn hiệu bị phản đối và ít có khả năng nhầm lẫn, Hội đồng không thể tìm ra cơ sở hợp lý để thừa nhận rằng người nộp đơn có ý định xấu nhằm chiếm đoạt uy tín và danh tiếng của GUCCI và gây tổn hại cho Công ty này.

Dựa trên những nôi dung trên, JPO đã bác bỏ toàn bộ cáo buộc và quyết định nhãn hiệu bị phản đối là hợp lệ được bảo hộ .

Về phần mình hãng thời trang GUCCI đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào về quá trình tố tụng của tòa án. Tuy nhiên, dự kiến ​​sẽ khiếu nại  quyết định.

4.  Nhận xét .

- Thủ đoạn nộp đăng ký các nhãn hiệu thoạt nhìn  có hình thức thể hiện giống với nhãn hiệu “GUCCI” nhưng có phát âm khác biệt  để gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng nêu trên đã xuất hiện từ lâu. Tại Việt Nam, năm 1997 Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam (nay là Cục SHTT)  đã  hủy bỏ hiệu lực các GCNĐKNHHH số 12027 và 17643 bảo hộ  các nhãn hiệu “CUGGI & hình” (Hình 4) cho sản phẩm nhóm 03, 18 và 25 cấp cho Công ty GUGGI Co.Ltd (Đài Loan) vì cho rằng tương tự với nhãn hiệu “GUCCI” nổi tiếng của Ý .

Trong trường hợp vừa nêu quyết định của Hội đồng giải quyết phản đối JPO để lại nhiều băn khoăn mà rõ ràng nhất là Hội đồng không đề cập đến phần hình đi cùng nhãn hiệu  mà chỉ lập luận, so sánh phần chữ của  nhãn hiệu bị phản đối như là nhãn hiệu chữ đơn nhất, do vậy không phản ánh được tổng thể nhãn hiệu bị phản đối.

Có thể thấy với sự có mặt của phần hình thì hình thức thể hiện/hình ảnh của tổng thể (theo cách diễn đạt của JPO) đã thay đổi nhiều (so với phần chữ đơn thuần)  theo hướng làm giảm khả năng phân biệt giữa hai nhãn hiệu, đặc biệt là khi mà nhãn hiệu  “CUGGL” có  phần hình che một phần lớn phần chữ  như chủ nhãn hiệu đã thể hiện trong  quá trình sử dụng (như Hình.3) thì sự nhầm lẫn với nhãn hiệu “GUCCI” gây ra cho người tiêu dùng hoàn toàn có khả năng phát sinh. Do vậy, lập luận của Hội đồng khi bác bỏ  phản đối của GUCCI là vì cho rằng chủ nhãn hiệu “CUGGL” không có dụng ý xấu là không hoàn toàn thuyết phục.

- Tuy nhiên, có thể trong các trình tự giải quyết tranh chấp tiếp theo (nếu có) JPO có thể cân nhắc kỹ lưỡng hơn để dẫn đến kết luận thỏa đáng.

Nguồn :

https://www.marks-iplaw.jp/gucci-vs-cuggl/;
https://www.japaneselawtranslation.go.jp/en/laws/view/4032/en

 

 

 

Các bài viết khác