Logo

Hội nghị đánh giá hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam

04/06/2019
Thực hiện chương trình công tác năm 2019, Cục Bản quyền tác giả tổ chức Hội nghị đánh giá hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan vào ngày 23 và 24/5/2019 tại Hà Nội.


Tham dự Hội nghị, có đại diện các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nhà Văn Việt Nam, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; và các chuyên gia quốc tế đến từ Hiệp hội các Nhà soạn nhạc và Soạn lời quốc tế (CISAC), Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI).

Ngày thứ nhất, Hội nghị tập trung vào nội dung: cập nhật thông tin, kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế về hoạt động quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và xu hướng phát triển.


Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Phát biểu khai mạc Hội nghị


Ngày thứ hai: trên cơ sở thông tin, kinh nghiệm tiếp nhận được từ kinh nghiệm quốc tế, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và cơ quan quản lý nhà nước họp phiên họp nội bộ đánh giá tổng thể hoạt động của từng tổ chức và của cả hệ thống tổ chức đại diện tập thể tại Việt Nam. Nhận diện những gì đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân và tìm ra giải pháp tháo gỡ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và từ chính các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, ở Việt Nam, hệ thống tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đã từng bước hình thành, phát triển với 5 tổ chức, đó là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thành lập năm 2002; Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), thành lập năm 2003; Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, thành lập năm 2004; Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam (VIETTRO), thành lập năm 2010 và Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), thành lập năm 2016. Thực tiễn cho thấy, có tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan Việt Nam đã hoạt động và thu được những kết quả đáng khích lệ, đem lại niềm tin cho hội viên, thành viên của mình. Bên cạnh đó, cũng có những khó khăn, vướng mắc mặc dù trong những năm qua, Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rất quan tâm, chỉ đạo.

Tại hội nghị, ông Benjamin Ng., Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội các Nhà soạn nhạc và Soạn lời quốc tế (CISAC) đã đưa ra bài học kinh nghiệm quốc tế và xu hướng hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực quyền tác giả tác phẩm âm nhạc. Ông Benjamin Ng. cho biết, CISAC tại Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có 28 thành viên với các quốc gia phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Philipin và ở Việt Nam có tổ chức đại diện là VCPMC. Các tổ chức là thành viên của CISAC tại các quốc gia luôn hỗ trợ và gắn kết với nhau. Theo ông Benjamin Ng., trong hệ thống dữ liệu của các thành viên của CISAC phải áp dụng mã nhận dạng chung tiêu chuẩn quốc tế, đây là mã nhận dạng theo từng tác phẩm, có thể nhận dạng theo âm thanh hoặc theo tác phẩm và tất cả các thông tin của từng tổ chức đều nằm trong hệ thống dữ liệu này. CISAC hoạt động nhằm nâng cao việc thừa nhận và bảo hộ các quyền của các nhà soạn nhạc và soạn lời, đảm bảo thực thi một cách có hiệu quả việc thúc đẩy quyền tinh thần và các quyền lợi vật chất của tác giả; thu và phân chia tiền bản quyền, đảm bảo những hoạt động liên quan tới việc quản lý những quyền mà các tác giả, chủ sở hữu quyền giao phó cho họ; và nâng cao chất lượng quản lý tập thể các quyền của các nhà soạn nhạc và soạn lời  trên toàn thế giới.

Về lĩnh vực công nghiệp ghi âm, ông Felix Yuen, Cố vấn pháp lý khu vực, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) chia sẻ IFPI là tiếng nói của ngành công nghiệp ghi âm trên toàn thế giới, đại diện lợi ích cho 1300 công ty thu âm trên toàn cầu. Theo ông Felix Yuen, 6 yếu tố quan trọng liên quan đến hoạt động của tất cả các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm: quyền, cấp phép, quản trị, doanh thu, sự minh bạch và vai trò của Chính phủ. Ông Felix Yuen nhấn mạnh, để ngành công nghiệp ghi âm phát triển cần: bản ghi có giá trị về âm nhạc, kinh tế, văn hóa, chất lượng đáp ứng nhu cầu của công chúng; khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ, bảo đảm thực hiện; bảo đảm lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền và biện pháp pháp lý đủ mạnh khi có vi phạm xảy ra.

 Với những kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn từ các chuyên gia quốc tế, đại biểu của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan Việt Nam đã đặt ra các câu hỏi xoay quanh các vấn đề về kinh nghiệm thu phí tác quyền, kinh nghiệm về giải quyết các tranh chấp quyền tác giả, quyền liên quan và nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý và thực thi để các chuyên gia quốc tế gợi mở cách thức giải quyết hiệu quả và hợp lý.

Ngày 24.5, Hội nghị tiếp tục đánh giá tổng thể hoạt động của từng tổ chức và của cả hệ thống tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; đề xuất kiến nghị, phương hướng hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong thời gian tới

 Tổng kết Hội nghị, Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng đã tóm tắt các báo cáo và kiến nghị các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tổng hợp thành kế hoạch hành động đối với các tổ chức đại diện tập thể:

1. Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực, từng bước thực hiện các hoạt động quản trị văn phòng theo hướng chuyên nghiệp, với đội ngũ chuyên trách.

2. Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan chủ động nghiên cứu rà soát chính sách pháp luật để đề xuất, kiến nghị các chính sách pháp luật phù hợp.

3. Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải có hệ thống cơ sở dữ liệu, đặc biệt liên quan đến dữ liệu cấp phép, thu và phân phối tiền bản quyền đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.

4. Các tổ chức đại diện tập thể cần liên minh, phối hợp với nhau để tạo nên sức mạnh của cả hệ thống, cùng tham gia xây dựng, hợp tác, hỗ trợ để thực hiện hoạt động cấp phép thu và phân phối tiền bản quyền một cách hợp lý và hiệu quả nhất.

5. Đề nghị các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đưa ra các giải pháp, phương hướng hoạt động trong thời gian tới để nhiệm vụ thực thi đạt hiệu quả.

Kết quả hoạt động, đóng góp của các Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong những năm qua là những kết quả bước đầu, nhưng thực sự góp phần quan trọng trong việc thực thi pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đang đứng trước những thách thức và cơ hội. Vì vậy, các tổ chức đại diện tập thể cần đầu tư hơn nữa cho hoạt động thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong thời gian tới.

Nguồn:
http://cov.gov.vn/tin-tuc/hoi-nghi-danh-gia-hoat-dong-dai-dien-tap-the-quyen-tac-gia-quyen-lien-quan-tai-viet-nam

Các bài viết khác