Logo

Đơn đăng ký nhãn hiệu “O FRODO, hình” bị phản đối

19/05/2022
Căn cứ:  Điều 27.2(b,c); 73.5 của Luật SHTT và Điểm 39.12.a(iv) của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN

Phạm và Liên danh, thừa ủy quyền và đại diện cho chủ đơn - The Saul Zaentz Company (USA) - đã nộp đơn tới Cục SHTT phản đối Đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia số 4-2021-1750 “O FRODO, hình” bảo hộ các sản phẩm/dịch vụ thuộc Nhóm 19 và Nhóm 35 với lý do nhãn hiệu xin đăng ký trùng lặp với tên gọi nhân vật chính “FRODO” của tác phẩm “Chúa tể những chiếc nhẫn (The Lord of the Rings) nổi tiếng trên thế giới của nhà văn J.R.R. Tolkien (Anh) được bảo hộ quyền tác giả ở Việt nam tới năm 2023 theo luật định. Tác phẩm này đã được dịch, xuất bản rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, và việc đăng ký cũng như sử dụng dấu hiệu đó làm người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu là do chủ sở hữu tác phẩm đó - The Saul Zaentz Company -  sản xuất và thực hiện.

Lưu ý rằng, năm 1976 The Saul Zaentz Compay đã mua lại quyền đối với các nhãn hiệu, các tác phẩm điện ảnh, sân khấu và các quyền liên quan tới các tác phẩm văn học, trong đó có tác phẩm “The Lord of the Kings”... của  nhà văn J.R.R. Tolkien.

Cụ thể, căn cứ pháp lý cho việc phản đối là:

- Điều 27.2(b,c), Luật SHTT quy định bản quyền tác giả của một tác phẩm là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp sau năm tác giả chết. Trong trường hợp này, tác giả mất vào năm 1973, bản quyền tác giả sẽ có hiệu lực tới 24h ngày 31/12/2023;

- Điều 73.5 Luật SHTT quy định các dấu hiệu không được bảo hộ như nhãn hiệu, trong đó gồm “...dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng , công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ”;

- Điểm 39.12.a(iv) của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN quy định rằng dấu hiệu bị coi là gây nhầm lẫn về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ trong các trường hợp sau: “(iv) ... trùng hoặc tương tự với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân Việt Nam và nước ngoài; dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên gọi hoặc hình ảnh nhân vật, hình  tượng đặc trưng của các tác phẩm đã được biết đến rộng rãi, nếu việc sử dụng những dấu hiệu đó có khả năng làm người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu là do chủ sở hữu tác phẩm đó sản xuất, thực hiện”.

Vụ việc đang được Cục SHTT xem xét.

Các bài viết khác