Logo

Vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam khá nghiêm trọng

09/12/2018
Ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng bộ phận Sở hữu trí tuệ, Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết thực trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam hiện nay khá nghiêm trọng. Nhiều chương trình phải chi kinh phí lớn mua bản quyền nhưng lại bị Đài khác thu lại phát sóng mà không trả phí bản quyền, hay nhiều chương trình đặc sắc bị sao chép, phát tán tràn lan trên internet, in thành băng đĩa bán trên thị trường...
 
Theo báo cáo của GlobalWebIndex, xem thể thao trên mạng internet đang trở thành xu hướng, với lượng người sử dụng mạng xã hội để xem các sự kiện thể thao đang tăng lên trên phạm vi toàn cầu, trong đó có cả Thái Lan và Việt Nam. Mức tăng tương ứng tỷ lệ xem thể thao trên mạng internet trong năm 2016 - 2017 và quý 1/2018 tại Thái Lan và Việt Nam là 27% - 29% và 32%.

Trong Giải Ngoại hạng Anh 2017-2018, trong số 75% người Việt Nam được hỏi cho biết có theo dõi Giải Ngoại hạng Anh thì chỉ có 35% theo dõi qua ti vi, 26% xem trên internet (GlobalWebIndex).

Xu hướng người dùng sử dụng mạng xã hội để xem các sự kiện thể thao thể hiện rõ nhất qua sự việc mới đây: Mạng xã hội Facebook đã chính thức mua bản quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam và một số nước láng giềng khác như Thái Lan, Lào, Campuchia trong ba mùa liên tiếp 2019-2020.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, kỷ nguyên số - internet đã và đang đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội, dễ dàng tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào do người dùng tự lựa chọn. Tuy nhiên, cùng với đó đặt ra những thách thức lớn làm sao bảo hộ được quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quyền tổ chức phát sóng nói riêng trong môi trường số, internet.

Theo ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng bộ phận Sở hữu trí tuệ, Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam, thực trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam hiện nay khá nghiêm trọng. Nhiều chương trình phải chi kinh phí lớn mua bản quyền nhưng lại bị Đài khác thu lại phát sóng mà không trả phí bản quyền, hay nhiều chương trình đặc sắc bị sao chép, phát tán tràn lan trên internet, in thành băng đĩa bán trên thị trường...

 
Việt Nam đã có hệ thống các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia và hội nhập quốc tế. Do đó, nhiều vi phạm bản quyền công khai trên môi trường số đã bị đối tác quốc tế xử lý, gây thiệt hại cho tổ chức phát sóng và thiệt thòi lớn cho người dân Việt Nam. Ví dụ, VTVcab bị cắt sóng giải bóng đá Champions League và Europa League tháng 5/2017 do VTV bị vi phạm bản quyền...

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, việc vi phạm bản quyền trên môi trường số tại Việt Nam diễn biến phức tạp là do mối lợi thu được quá lớn.

Ông Đồng cho rằng, dù các quy định pháp luật về xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã có tương đối đầy đủ, tuy nhiên riêng với môi trường số - internet vẫn thiếu cơ chế pháp lý về chặn - gỡ từ ISP (quyền truy cập sử dụng internet). Bên cạnh đó, công nghệ phát hiện và xử lý vi phạm cần được ứng dụng rộng rãi hơn gắn với trách nhiệm của các đơn vị cung cấp nền tảng cho các link ứng dụng (Tập đoàn Viettel là ISP của link phimmoi.net, FPT Telecom là ISP của hdonline.vn...).

Một biện pháp quan trọng nữa là chặn dòng tiền quảng cáo vào các nền tảng xâm phạm bản quyền số. Các hiệp hội có thể công khai danh sách các website vi phạm và thông tin đến các đại lý quảng cáo hoặc đưa vào "danh sách đen" để bêu tên các doanh nghiệp cố tình quảng cáo trên website trong danh sách đen.

"Chỉ khi chặn được dòng tiền quảng cáo vào các nền tảng này, việc kiểm soát sự xâm phạm quyền sở sở hữu trí tuệ trong môi trường số cũng như bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số mới có thể thực thi", ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh./.

 
(Nguồn: VOV)

Các bài viết khác