Logo

Từ ngày 01/06/2010, cởi trói trong đặt tên doanh nghiệp

25/07/2013
Ngày 15-4, Chính phủ ban hành Nghị định 43 về đăng ký doanh nghiệp, thay cho nghị định về đăng ký kinh doanh hiện nay. Nghị định mới cho phép tên doanh nghiệp có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W.

Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 15/4/2010, thay thế Nghị định số 88/2006/NĐ-CP Nghị định này đưa ra một số quy định mới theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều băn khoăn rằng nghị định mới nhưng mà khác với quy định trong Luật Doanh nghiệp thì có được áp dụng nghị định hay không?

 

Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Ảnh: HTD

 

Chấp nhận tên tiếng nước ngoài

Theo Điều 31 Luật Doanh nghiệp (năm 2005) thì tên doanh nghiệp “phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được”. Chính vì quy định này mà lâu nay cơ quan đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp đều phải chấp nhận tình trạng tên doanh nghiệp chỉ được đặt bằng tếng Việt và các chữ tiếng Việt đó phải có nghĩa.

Nghị định 43 thì lại cho phép “tên doanh nghiệp viết được bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phát âm được”.

Một cán bộ quản lý về đăng ký kinh doanh cho biết việc cho phép chèn thêm các chữ cái như vừa nêu đồng nghĩa với việc chấp nhận tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài. Đương nhiên, đặt tên theo tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Ả Rập... thì không thể vì các loại chữ này nằm ngoài bảng chữ cái. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện cũng đang soạn thảo thông tư nhằm hướng dẫn cụ thể hơn việc sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và bốn chữ cái mở rộng nêu trên. Thông tư này sẽ được ban hành kịp với hiệu lực của Nghị định 43 (ngày 1-6).

 

Cán bộ quản lý này cũng cho rằng một khi đã hội nhập kinh tế quốc tế thì phải chấp nhận ngôn ngữ quốc tế. Không có lý gì bắt doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải dịch tên của họ sang tiếng Việt. Nếu bắt thế thì Microsoft chẳng lẽ lại phải lấy tên là “Siêu nhỏ và mềm” hay sao? Bắt dịch như thế còn gây thêm hậu quả là mất đi thương hiệu mà bấy lâu doanh nghiệp đó gầy dựng. Nếu đã cho phép doanh nghiệp nước ngoài để tiếng nước ngoài trong tên thì cũng nên chấp nhận việc tên doanh nghiệp Việt Nam bằng tiếng nước ngoài.

 

Luật đóng, nghị định mở

Về vấn đề liệu việc “mở rộng” của Nghị định 43 có mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp hay không, cán bộ quản lý này khẳng định đã rà soát rất kỹ các văn bản liên quan và từ điển tiếng Việt. Từ đó không nhất thiết phải hiểu gò bó “viết được bằng tiếng Việt” là như thế nào! Nhờ đó, cũng không thể nói Nghị định 43 trái với Luật Doanh nghiệp. Hơn nữa, ông cũng cho rằng điều quan trọng là tên doanh nghiệp là một đối tượng để nhà nước quản lý doanh nghiệp mà thôi, gò bó quá thì cũng không giúp ích gì cho việc quản lý, mà mở rộng ra thì rất thuận lợi cho doanh nghiệp, tại sao lại không mở. Chính vì lý do này mà khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình dự thảo nghị định cho Chính phủ xem xét thì các thành viên Chính phủ đều chấp nhận!

Hiện nay, khi doanh nghiệp đặt tên doanh nghiệp (bằng tiếng Việt) mà có sử dụng từ ngữ trái thuần phong mỹ tục thì cơ quan đăng ký kinh doanh cũng có thể rà soát được nghĩa của những từ này và không cho phép doanh nghiệp sử dụng. Nếu cho phép đặt tên bằng tiếng nước ngoài thì liệu có khả năng “lọt sổ” một số từ ngữ tiếng nước ngoài trái thuần phong mỹ tục hay không? Cán bộ quản lý này cho biết cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ lập hệ thống công nghệ thông tin để rà soát tên doanh nghiệp. Trong trường hợp cần thiết thì cơ quan đăng ký kinh doanh có thể xin ý kiến của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về việc tên doanh nghiệp có trái thuần phong mỹ tục hay không. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ có quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận tên này và đây sẽ là quyết định cuối cùng.

 

Tên sẽ không trùng trong toàn quốc

Nghị định 43 quy định từ đầu năm 2011, việc đặt tên doanh nghiệp không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc. Trong thời gian chưa áp dụng quy định này thì vẫn thực hiện như lâu nay là không đặt tên trùng trong phạm vi tỉnh, thành

 

(Nguồn: Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh)

Các bài viết khác