Logo

Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Nhãn hiệu mới

29/11/2013
Ngày 30/8/2013 Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thông qua Luật Nhãn hiệu mới sau hơn một thập kỷ chờ đợi. Luật Nhãn hiệu mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1.5.2014.

Ngày 30/8/2013 Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thông qua Luật Nhãn hiệu mới sau hơn một thập kỷ chờ đợi. Luật Nhãn hiệu mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1.5.2014.

Về cơ bản, Luật Nhãn hiệu mới có nhiều ưu điểm vì đã đưa vào nguyên tắc về tính trung thực và thiện ý, thắt chặt việc đăng ký với dụ ý xấu, cho phép đăng ký nhãn hiệu cho nhiều nhóm sản phẩm/dịch vụ trong một đơn, cho phép nộp đơn điện tử và chấp nhận đăng ký nhãn hiệu âm thanh.

Thời hạn thẩm định đơn cũng được quy định để giảm thiểu đơn tồn đọng, tăng sự chắc chắn cho người nộp đơn và cả người phản đối. Một điểm tiến bộ nữa có lợi cho người nộp đơn là Cục Nhãn hiệu TQ (CTMO) cũng có quyền yêu cầu người nộp đơn làm rõ hoặc sửa đổi đơn thay vì ra ngay quyết định từ chối. Các mức phạt theo Luật định cũng tăng từ 500.000 nhân dân tệ (1,8 tỷ đồng VN) lên 3.000.000 nhân dân tệ (10,8 tỷ đồng VN) cho hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và có thể tăng lên 3 lần nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc với dụng ý xấu.

Tuy nhiên, Luật mới lại loại bỏ quyền khiếu nại khi một yêu cầu phản đối đơn bị Cục Nhãn hiệu từ chối. Trong trường hợp này nhãn hiệu vẫn được chấp nhận đăng ký và người phản đối chỉ còn cách nộp đơn yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu tại Hội đồng Giải quyết Khiếu nại Nhãn hiệu (TRAB) thuộc Tổng cục Công thương Trung Quốc (SAIC). Điều quy định này nhằm chống lại những đơn phản đối thiếu trung thực gây khó dễ cho người đăng ký, nhưng ngược lại nó lại tạo thuận lợi hơn cho những kẻ đăng ký NH không thiện ý, vì với thời gian hạn chế Cục Nhãn hiệu không thể xem xét đầy đủ các bằng chứng về sự thiếu trung thực của người đăng ký. Quy định này có thể mâu thuẫn với trách nhiệm của Trung Quốc khi thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 41(.4) của TRIPS.

Việc đưa vào Luật nguyên tắc trung thực và thiện ý là một tiến bộ, nhưng nó vẫn chỉ tồn tại như một quy định chung, còn tác động thực tế thì vẫn còn chưa rõ ràng. Chỉ khi nào các Nghị định hướng dẫn dưới Luật được sửa đổi và ban hành (trong năm 2014) thì các quy định trên mới trở nên rõ ràng hơn.

Sau đây là tóm tắt nội dung và những thay đổi chính trong Luật Nhãn hiệu mới của Trung Quốc.

Các thay đổi chính:


1. Nhãn hiệu âm thanh: Luật cho phép đăng ký nhãn hiệu âm thanh.


2. Thủ tục xem xét đơn: Luật cho phép đăng ký cho nhiều nhóm sản phẩm/dịch vụ trong một đơn đăng ký nhãn hiệu và có thể nộp đơn điện tử. Cục Nhãn hiệu cũng có thể yêu cầu người nộp đơn làm rõ hoặc sửa đổi đơn thay vì ra quyết định từ chối.


3. Tên Thương mại: Luật quy định các xung đột giữa một nhãn hiệu đã đăng ký hoặc một nhãn hiệu nổi tiếng chưa đăng ký với một tên thương mại, nghĩa là tên công ty hoặc tên doanh nghiệp, phải được giải quyết theo Luật cạnh tranh không lành mạnh, mà không phải là Luật Nhãn hiệu.


4. Mức phạt: Đối với hành vi xâm phạm quyền mức phạt quy định tối đa được tăng từ 500.000 nhân dân tệ lên 3.000.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên, tòa án chỉ được quyết định mức phạt nêu trên nếu không xác định được thiệt hại thực tế hay lợi nhuận phi pháp bên vi phạm thu được hoặc trên cơ sử mức tiền hoa hồng hợp lý.

Mức phạt trên có thể tăng đến 3 lần trong trường hợp nghiêm trọng  hoặc vi phạm với dụng ý xấu. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về khái niệm “dụng ý xấu” hoặc “nghiêm trọng”.


Một hạn chế trong quy định xử phạt là bên vi phạm có quyền yêu cầu chủ nhãn hiệu phải cung cấp bằng chứng là đã sử dụng nhãn hiệu trong vòng 3 năm trước đó hoặc chủ nhãn hiệu đã chịu thiệt hại trực tế do việc xâm phạm nhãn hiệu gây ra. Nếu chủ nhãn hiệu không chứng minh được thì bên vi phạm sẽ không bị tuyên bất kỳ hình phạt nào.


5. Đơn phản đối: Chỉ có chủ các quyền có trước hoặc bên có liên quan mới có thể nộp một đơn phản đối trên cơ sở gây nhầm lẫn với quyền nhãn hiệu có trước (relative grounds) hoặc gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý, nhưng không được dựa trên cơ sở không có khả năng phân biệt tự thân (absolute grounds).

Nếu Cục Nhãn hiệu không chấp nhận một đơn phản đối, thì nhãn hiệu vẫn sẽ được xem xét cấp đăng ký và người phản đối còn lại một khả năng là tiếp tục nộp đơn yêu cầu hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu với Hội đồng Giải quyết khiếu nại nhãn hiệu.


6. Đơn đăng ký với dụng ý xấu: Các quy định mới được đưa vào Luật để chống lại việc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu. Các quy định thể là:

- Việc sử dụng hoặc nộp một đơn xin đăng ký một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu khác cho sản phẩm trùng hoặc tương tự mà người đó đã biết về việc nhãn hiệu này đã được sử dụng trước đó do có mối quan hệ về hợp đồng, về kinh doanh hoặc các mối quan hệ khác… thì đơn đăng ký sẽ bị từ chối.


- Các đại diện về nhãn hiệu phải tư vấn cho khách hàng của mình nếu thấy nhãn hiệu khách hàng muốn đăng ký sẽ không được chấp nhận theo các quy định của Luật.


- Đại diện về nhãn hiệu không được phép thực hiện công việc nếu biết hoặc phải biết khách hàng của mình đang đăng ký một nhãn hiệu với dụng ý xấu hoặc đang xâm phạm quyền của người khác.


- Đại diện nhãn hiệu không được nộp đơn đăng ký dưới tên của mình dùng cho các sản phẩm/dịch vụ khác với “dịch vụ đại diện”, điều này nhằm tránh ý đồ lạm dụng của chính đại diện hoặc cho người khác. Nếu một đại diện bị phát hiện là thực hiện những việc nêu trên, thì Cục Nhãn hiệu và Hội đồng Giải quyết khiếu nại có thể ngừng nhận đơn của đại diện đó.

7. Nhãn hiệu nổi tiếng: Việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng sẽ chỉ được xác lập trên cơ sở từng trường hợp một (case – by – case basic) và chỉ xác định khi cần thiết, ví dụ khi có yêu cầu xử lý vi phạm liên quan đến các hàng hóa/dịch vụ không tương tự. Nội dung “Nhãn hiệu nổi tiếng” không được sử dụng trên sản phẩm, bao bì, đồ chứa hoặc tại triển lãm, tài liệu quảng bá hoặc quảng cáo và các hoạt động kinh doanh khác.


Quyết định công nhận nhãn hiệu nổi tiếng được thực hiện bởi Cục Nhãn hiệu (trong quá trình giải quyết đơn phản đối hoặc vụ việc xâm phạm nhãn hiệu) hoặc bởi Hội đồng Giải quyết khiếu nại nhãn hiệu (trong trường hợp khiếu nại về đơn phản đối và hủy bỏ hiệu lực) hoặc Tòa án Nhân dân.

 

8. Thời hạn thẩm định nhãn hiệu:

 

Loại yêu cầu

Loại thẩm định

Cơ quan thực hiện

Thời hạn tối đa

 

Đơn đăng ký

Thẩm định đơn

CTMO

9 tháng

Thẩm định đơn khiếu nại quyết định từ chối đơn

TRAB

9 tháng

 

Đơn phản đối

Thẩm định đơn phản đối

CTMO

12 tháng

Thẩm định đơn khiếu nại kết quả phản đối

TRAB

12 tháng

 

 

Hủy bỏ hiệu lực

Thẩm định yêu cầu hủy bỏ hiệu lực do NH không có tính phân biệt tự thân

TRAB

9 tháng

 

Thẩm định đơn khiếu nại về quyết định hủy bỏ hiệu lực của CTMO do không có tính phân biệt tự thân

TRAB

9 tháng

Thẩm định một hủy bỏ hiệu lực trên cơ sở không có tính phân biệt tương đối do chủ nhãn hiệu có trước hoặc bên liên quan yêu cầu

TRAB

12 tháng

 

Đình chỉ hiệu lực

Thẩm định một yêu cầu đình chỉ hiệu lực nhãn hiệu do đã thành danh từ chung (generic) hoặc không sử dụng 3 năm liền

CTMO

9 tháng

Thẩm định một khiếu nại về một quyết định đình chỉ hiệu lực của CTMO

TRAB

9 tháng


Lưu ý: Nếu cần thêm thời gian, cần phải có sự cho phép của Tổng cục Công thương Trung Quốc (SAIC) gia hạn 3 hoặc 6 tháng.

 

                                                                                                                                                                                                           TVH


 

                                                                                                                                                                                                            

Các bài viết khác