Logo

Doanh nghiệp khởi nghiệp và bài học ban đầu về sở hữu trí tuệ

04/12/2018
"...có một thực tế là việc xác định quyền sở hữu và tranh chấp liên quan tới tài sản trí tuệ ngày càng phức tạp, các startup rất dễ bị tổn thương khi sớm phải đương đầu với các vấn đề vi phạm pháp luật, tranh chấp, kiện tụng"
 
Khoảng chục năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp (startup) nổi lên và rất nhiều doanh nghiệp (DN) non trẻ cũng đã gặt hái thành công. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là nhiều DN chỉ quan tâm đến phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, lập kế hoạch marketing, bán hàng mà quên mất vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT), bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu vốn là quyền pháp lý rất quan trọng của người khởi nghiệp.

Theo thống kê của tạp chí Echelon, Singapore – tạp chí online lớn nhất về khởi nghiệp Đông Nam Á, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 DN khởi nghiệp, tăng gần gấp đôi so với số liệu cuối năm 2015.

Kinh nghiệm khởi nghiệp quốc tế và cả ở Việt Nam cho thấy, nhiều tổ chức đã tiến lên vị trí dẫn đầu chỉ bằng việc đầu tư phát triển các tài sản trí tuệ và ứng dụng nó trong kinh doanh.

Báo cáo phân tích của Tổ chức AIAF cho thấy năm 2005, tỷ lệ tài sản vô hình (chủ yếu là tài sản trí tuệ) trên tổng giá trị tài sản của một số DN hàng đầu chiếm từ 69-89%, riêng phần giá trị của nhãn hiệu từ 29,97- 69,64 tỷ đôla.

 
Tuy nhiên, ở Việt Nam, các startup lại không để ý nhiều về vấn đề này. Sau khi sản phẩm thành công (1, 2 năm), hoặc khi xảy ra tranh chấp, xuất hiện hàng nhái trên thị trường, họ mới quay lại tìm hiểu thì có khi đã bị mất bản quyền. Chính vì vậy, những người khởi nghiệp thông thái, ngay từ khi có ý tưởng kinh doanh họ đã lên kế hoạch để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.

Trao đổi về vấn đề này, tiến sỹ Trần Lê Hồng, Chánh văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, quyền SHTT là nền tảng pháp lý cho tài sản trí tuệ của startup.


Theo ông Trần Lê Hồng, hiện có một số nhận thức không phù hợp về quyền SHTT. Có tình trạng startup không đầu tư thời gian, tiền và tư duy cho tài sản trí tuệ của mình khi chậm trễ xác lập quyền; không tra cứu đầy đủ để đảm bảo quyền của mình và không xâm phạm quyền đối với tài sản trí tuệ của người khác; không có đánh giá mang tính chuyên nghiệp về tài sản SHTT của mình.

Thế nhưng, có một thực tế là việc xác định quyền sở hữu và tranh chấp liên quan tới tài sản trí tuệ ngày càng phức tạp, các startup rất dễ bị tổn thương khi sớm phải đương đầu với các vấn đề vi phạm pháp luật, tranh chấp, kiện tụng./.

(Nguồn: Công Thương)

Các bài viết khác