Logo

Đánh cắp bí mật thương mại và chế tài xử lý

08/08/2018

Điều 18.78 về bảo hộ bí mật thương mại của Hiệp định CPTPP mà Việt Nam sẽ phải thực hiện khi Hiệp định có hiệu lực đã quy định: Mỗi thành viên Hiệp định phải quy định các thủ tục tố tụng hình sự và các hình phạt đối với các hành vi cố tình đánh cắp hoặc tiết lộ một bí mật thương mại.Quy định này sẽ giúp xử lý nghiêm khắc và đầy đủ hơn các vi phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là đối với hành vi đánh cắp hoặc cố tình tiết lộ bí mật thương mại, một hình thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không hiếm xẩy ra ở Việt Nam hiện nay.

Để tham khảo các biệt pháp xử lý hành vi này ở nước ngoài, xin dẫn ra đây vụ đánh cắp bí mật thương mại của hãng Coca Cola xẩy ra tại Hoa Kỳ và các hình phạt đã được tuyên cho những kẻ tham gia thực hiện.

Tháng 11/2005, Joya Williams, nữ trợ lý một giám đốc cấp cao của Coca Cola đã gặp Edmund Duhaney tại Norcross, Georgia (Hoa Kỳ) và cho biết bà ta có bản sao các tài liệu tuyệt mật của Coca và muốn bán cho các đối thủ của hãng này. Do Williams đã ký cam kết không tiết lộ thông tin bí mật với Coca nên muốn thông qua Duhaney để thực hiện ý đồ này.

Tháng 02/2006 Duhaney liên lạc với một người bạn là Ibrahim Dimson để cùng phối hợp với Williams thực hiện kế hoạch. Ngày 8/5/2006 Dimson viết một lá thư với phong bì chính thức của Coca trong đó thông báo rằng mình có “những thông tin tuyệt mật và chi tiết về chiến dịch marketing của Coca trong 4 năm tới” và muốn bán cho ai trả giá cao nhất. Tuy nhiên, thay vì chộp lấy cơ hội để hạ gục đối thủ truyền thống thì Pepsi lại fax lại bản sao thư cho Coca. Ngày 21/5/2006 bộ phận an ninh của Coca đã trình báo với FBI về mưu đồ tiết lộ thông tin tuyệt mật trên của công ty và FBI đã nhanh chóng vào cuộc. Đặc vụ Gerald Reichard được phân công đóng giả nhân viên Pepsi muốn tiếp xúc mua các thông tin của Dimson. Dimson thông báo là có trong tay các tài liệu tuyệt mật của Coca và có thể lấy thêm “không giới hạn” những thông tin tuyệt mật khác và gửi trước cho Reichard 14 trang fax các tài liệu trong đó có logo và dấu “tuyệt mật” hoặc “hạn chế” của Coca. Dimson cũng yêu cầu trả trước 10.000 USD “tiền niềm tin” cho những tài liệu đã gửi và để chứng minh đối tác thực sự muốn mua thêm thông tin. Sau khi được Reichard đồng ý, Dimson lại chào bán thêm 7 tài liệu của Coca cùng một mẫu của sản phẩm. Trong thời gian đó bộ phận an ninh của Coca cũng bí mật quay được cảnh Wiliams lục lọi hồ sơ lấy cắp tài liệu và một mẫu sản phẩm mới của Coca.

Ngày 16/6/2006 mật vụ Reichard hẹn gặp Dimson tại sân bay Atlanta, Dimson trao cho Reichard các tài liệu mật và một chai nước sẫm màu của sản phẩm. Reichard trả cho Dimson 30.000 USD và đồng ý trả thêm 45.000 USD nữa sau khi xác định mẫu sản phẩm là thật.

 

Sau khi xem xét các tài liệu và mẫu sản phẩm, các chuyên gia của Coca xác nhận với Reichard là các thông tin và mẫu sản phẩm mà Dimson cung cấp là thật và đều là các bí mật thương mại của hãng.

Ngày 22/6/2006 Dimson lại thông báo với Reichard là có thêm 20 tài liệu bí mật mới của Coca và ra giá 1,5 triệu USD. Ngày 5/7/2006 hai người gặp nhau tại khách sạn Marriot ở Atlanta.

Với đủ chứng cứ như vậy FBI đã bắt giữ Dimson, Duhaney và Williams và cả 3 bị khởi tố với tội danh đánh cắp bí mật thương mại. Dimson và Duhaney nhận tội ngay, tuy nhiên Williams ban đầu chối tội nhưng trước những chứng cứ không thể chối cãi đành phải nhận tội sau đó.

Ngày 23/5/2007 toà án Atlanta tuyên mức án 8 năm tù cho Williams và 3 năm quản thúc sau mãn hạn tù, Dimson bị kết án 5 năm tù và quản thúc 3 năm sau ra tù, Duhaney chỉ bị quản thúc 3 năm vì vai trò mờ nhạt trong vụ việc và vì đạt được thoả thuận với toà khi nhận làm chứng chống lại Williams. Lý do bản án này nặng hơn so với đề nghị của công tố viên theo giải thích của thẩm phán là do đánh cắp bí mật thương mại là hình thức trọng phạm “không thể tha thứ” có thể gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho nguyên đơn. Một khi bí mật kinh doanh của Coca Cola đã được bảo vệ nghiêm ngặt suốt hơn 100 năm bị đánh cắp thì tập đoàn này có khả năng bị phá sản, kéo theo hệ lụy cho hệ thống các công ty sản xuất, cung ứng, phân phối sản phẩm không những ở Hoa Kỳ mà trên toàn thế giới.

TVH

Các bài viết khác