Logo

Đại sứ quán, Tổng lãnh sự không có quyền cho phép đăng ký nhãn hiệu OKTOBERFEST tại Việt Nam

06/05/2016

Tháng 2 năm 2011, Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam nộp đơn đăng ký nhãn hiệu OKTOBERFEST cho các sản phẩm Bia (đồ uống không cồn) thuộc nhóm 32 và dịch vụ tổ chức lễ hội bia thuộc nhóm 41.

Tháng 2 năm 2011, Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam nộp đơn đăng ký nhãn hiệu OKTOBERFEST cho các sản phẩm Bia (đồ uống không cồn) thuộc nhóm 32 và dịch vụ tổ chức lễ hội bia thuộc nhóm 41.

 

Tháng 3 năm 2013, Verein Munchener Braunerenien e.V là Hiệp hội các công ty bia ở Munich, Đức đã nộp đơn phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu nêu trên căn cứ theo Điều 73.5 Luật Sở hữu Trí tuệ “dấu hiệu xin đăng ký gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ”.

 

Điều đáng nói trong vụ việc này là, trong quá trình thẩm định, Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam nộp cho Cục Sở hữu Trí tuệ thư đồng ý việc đăng ký nhãn hiệu “OKTOBERFEST” từ Đại sứ quán Đức tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Đức tại Tp. Hồ Chí Minh, đồng thời lập luận rằng:

 

i) Việc Đại sứ quán Đức và Tổng Lãnh sự quán Đức trợ giúp hoặc bảo trợ cho các tổ chức, cá nhân Đức hoạt động, kinh doanh và sinh sống tại Việt Nam của các cơ quan này là hoàn toàn hợp pháp và đầy đủ thẩm quyền.

 

ii) Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam mong muốn chính là đăng ký nhãn hiệu “OKTOBERFEST” cho các dịch vụ tổ chức sự kiện và tổ chức lễ hội bia nhằm bảo vệ nhà tổ chức hợp pháp và duy nhất lễ hội bia Oktoberfest hàng năm tại Việt Nam.

 

Thay mặt và thừa uỷ quyền của Verein Munchener Braunerenien e.V, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh đã phản bác lại lập luận nêu trên khi cho rằng: Nhãn hiệu “OKTOBERFEST-BIER” không phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của nhà nước Đức, vì vậy Đại sứ quán Đức cũng như Lãnh sự quán Đức ở Việt Nam không có quyền cho phép bên thứ ba sử dụng, đăng ký “OKTOBERFEST” cho sản phẩm bia.

 

Bộ luật dân sự Đức quy định quyền sở hữu là quyền hưởng dụng và định đoạt tài sản một cách tuyệt đối nhất. Đây là quyền quan trọng được quy định trong hiến pháp, là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đại sứ quán Đức và Lãnh sự quán Đức ở Việt Nam là cơ quan ngoại giao của Đức ở Việt Nam phải hoạt động trong khuôn khổ qui định của luật pháp Đức, luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của Việt Nam. Luật pháp Việt Nam cũng qui định nguyên tắc chỉ có chủ sở hữu hợp pháp mới có quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với quyền tài sản của mình. Vì vậy, việc “cho phép” Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam sử dụng và đăng ký dấu hiệu “OKTOBERFEST” cho sản phẩm bia là vượt quá thẩm quyền của Đại sứ quán Đức và Lãnh sự quán Đức ở Việt Nam và đo đó sự cho phép này không có giá trị pháp lý.

 

Sau khi xem xét đơn trên cơ sở hồ sơ hiện có, ngày 27/04/2016, Cục Sở hữu Trí tuệ có ý kiến: “Oktoberfest” là tên lễ hội bia nổi tiếng (lễ hội tháng Mười) được tổ chức tại thành phố Munchen của Cộng hoà Liên bang Đức nên việc Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam yêu cầu đăng ký nhãn hiệu đang xem xét sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ. Do đó, đề nghị phản đối đơn của Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh phù hợp với kết quả thẩm định và Cục dự định từ chối theo Thông báo số 13487/SHTT-NH2 ngày 26/04/2016.

 

Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh là một trong các Văn phòng luật sở hữu trí tuệ có uy tín tại Việt Nam. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ về sở hữu trí tuệ bao gồm: tư vấn, đăng ký sáng chế, bản quyền tác giả & quyền liên quan, nhãn hiệu, tên thương mại & chỉ dẫn địa lý, li-xăng, nhượng quyền thương mại & chuyển giao công nghệ… cũng như đại diện cho khách hàng trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.



Các bài viết khác